Từ chữ ký trên C/O: Chỉ có doanh nghiệp hội nhập thì chưa đủ
Không ít quan chức, chuyên gia phát biểu trên báo chí hay trong các diễn đàn, hội thảo thường nhắc nhở các doanh nghiệp phải hội nhập quốc tế nếu muốn tồn tại trong bối cảnh toàn cầu hóa và Việt Nam đã tham gia khá nhiều các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Thế nhưng doanh nghiệp hội nhập không thì chưa đủ. Bằng chứng là đợt ùn ứ hàng hóa ở các cửa khẩu với Trung Quốc liên quan tới giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu E mới của Trung Quốc trong Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diễn ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) là một điển hình.
Thông tư mới của Bộ Công Thương về quy tắc chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì có hiệu lực ngày 12-9-2019, trong khi Trung Quốc cấp C/O form E mẫu mới lại từ ngày 20-8. Rõ ràng Bộ Công Thương đã không lường trước được việc này và lẽ ra, khi ban hành thông tư, cũng nên tham khảo Ban thư ký ASEAN và phía Trung Quốc.
Cuối cùng, doanh nghiệp thiệt hại do hàng hóa phải lưu kho bãi, “nợ” C/O, thậm chí cơ quan quản lý cũng vạ lây sau đó, như hải quan cũng phải chạy đôn chạy đáo trong thời gian này vì không biết dựa theo mẫu C/O nào. Khi đã có “chữa cháy” của Bộ Công Thương, hải quan vẫn còn phải mất nhiều thời gian nữa để giải quyết hậu quả.
Những tưởng C/O đã giải quyết ổn thỏa, nào ngờ doanh nghiệp lại gặp khó tiếp tục cũng vì cơ quan quản lý vẫn không lường trước những phức tạp có thể nảy sinh.
Một doanh nghiệp cho biết ông vướng phải 1 chuyện hoàn toàn mới, đó là mẫu chữ ký trên C/O form E cho hàng nhập từ Trung Quốc. Số là doanh nghiệp mở tờ khai và gửi C/O form E mới cho hải quan nhưng phía hải quan phản hồi là mẫu chữ ký đó không có trong danh sách chữ ký được phép ký trên C/O mẫu E mà Hải quan Trung Quốc thông báo cho Hải quan Việt Nam.
Doanh nghiệp đã thông báo cho đối tác Trung Quốc và họ thông báo rằng mẫu chữ ký mới này được Hải quan Trung Quốc ban hành ngày 1-8-2019 và có hiệu lực từ ngày 20-8-2019. Còn Hải quan Việt Nam, nơi doanh nghiệp này làm thủ tục, cho biết chữ ký mới này vẫn chưa có trên hệ thống.
Một doanh nghiệp khác cũng đang vướng một lô hàng nhập từ Quảng Châu, Trung Quốc, đã được một người chuyên làm thủ tục hải quan tư vấn: “vài ngày nữa sẽ có cập nhật chữ ký trên hệ thống, nếu không cần hàng gấp thì chấp nhận chi phí lưu container, còn không thì đành kéo container về và khai "nợ" C/O hoàn thuế sau”.
Có doanh nghiệp kinh nghiệm hơn thì cho rằng xác minh C/O phải chờ tầm 6 tháng đổ lại, còn nếu muốn nhanh thì “nã” công văn liên tục, vừa công văn bản giấy vừa trên hệ thống Tổng cục Hải quan.
Phần nhiều doanh nghiệp có làm ăn với Trung Quốc, nhất là các nhân viên trực tiếp làm thủ tục hải quan, lấy hàng ở cảng, than phiền dạo này trường hợp C/O form E với Trung Quốc “bị dính trục trặc” nhiều quá, doanh nghiệp lãnh đủ thiệt hại mà không biết "bắt ai đền bù". Trong khi có vẻ không có sự thống nhất, liên lạc giữa Việt Nam và Trung Quốc khi có thay đổi chính sách về chứng nhận xuất xứ, chữ ký theo mẫu của nhà chức trách trên giấy tờ.
Từ những câu chuyện nhỏ nhặt về chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chữ ký trên C/O đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong giao thương, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp muốn làm ăn, hội nhập, thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thì cơ quan quản lý cũng phải… hội nhập quốc tế.
Với đà này, nếu các cơ quan quản lý không hội nhập, thì rồi đây hàng Việt Nam đi EU, đi Hàn Quốc, Nhật Bản trong các hiệp định thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Hàn Quốc, Việt Nam - EU... sẽ còn phải đối mặt với những câu chuyện tương tự.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận