Tự bảo vệ trước cơn sốt tiền ảo
Do việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ, nên NHNN Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan
Tiền ảo đang âm thầm trở lại Việt Nam trong những tháng gần đây, khi giới đầu cơ kỳ vọng vào tiềm năng tăng giá của các đồng tiền này. Đặc biệt, từ khi đồng Pi xuất hiện càng làm cho thị trường tiền điện tử Việt Nam gia tăng lượng nhà đầu tư mới.
Theo định nghĩa của NHTW châu Âu (ECB) “Tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số không chịu sự quản lý, được phát hành bởi những người phát triển phần mềm (developers) thường đồng thời là người kiểm soát hệ thống; được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định”.
Theo đó, có thể thấy tiền ảo và tiền điện tử rất khác nhau. Tiền ảo không phải là tiền pháp định nên không gắn với quyền mặc định được chuyển đổi sang tiền pháp định và được NHTW đảm bảo. Các tổ chức phát hành tiền ảo cũng không chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của NHTW. Đồng thời, phạm vi hoạt động của tiền ảo thường khá hẹp chỉ trong phạm vi một cộng đồng và sử dụng cho mục đích nhất định (thí dụ, game online).
Cũng chính bởi vậy, việc đầu tư vào tiền ảo tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Thứ nhất, các loại tiền ảo không phải là đồng tiền pháp định của bất cứ quốc gia nào, không được bất cứ NHTW nào đảm bảo nên các nhà đầu tư tiền ảo sẽ không được pháp luật bảo vệ mỗi khi gặp rủi ro.
Thứ hai, giá của các tiền ảo biến động liên tục với biên độ lớn, thậm chí nhiều thời điểm giá các loại tiền ảo tăng chóng mặt, ẩn chứa nguy cơ bong bóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.
Thứ ba, tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn.
Theo các công ty công nghệ, mỗi tháng các sàn giao dịch tiền ảo có hàng triệu USD đang là miếng mồi ngon của tội phạm mạng. Chúng thường thu thập thông tin của nhà phát triển và nhà đầu tư, sau đó sử dụng các phần mềm lừa đảo, thông báo giả mạo, điều hướng người giao dịch tiền ảo đến các website giả đánh cắp khóa bảo mật của các ví điện tử.
Các nhóm tội phạm mạng như Lazarus, BlueNoroff chuyên tấn công vào các mảng tài chính đã từng xuất hiện lâu nay nhưng nhà đầu tư tiền ảo vẫn dễ bị mắc phải những chiêu lừa cũ của chúng. Những băng nhóm tội phạm này ở Đông Nam Á có vỏ bọc dưới tên gọi SnatchCrypto còn nhắm đến các ngân hàng và cũng bị cáo buộc tham gia vào vụ trộm 81 triệu USD của Ngân hàng Bangladesh nổi tiếng trên mạng trước đó.
Tại Việt Nam, NHNN Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Do việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ, nên NHNN Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo.
Bộ Tài chính cũng khẳng định, hiện tại chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) TP.HCM và Sở GDCK Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Theo pháp luật chứng khoán, tiền ảo không phải là một loại chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã có thông báo trên Cổng thông tin điện tử của UBCKNN khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra và đề nghị các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới tiền ảo trái pháp luật.
Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng một lần nữa cảnh báo, nêu rõ, tiền ảo là sản phẩm ảo được mã hóa, không phải tiền pháp lệnh hay phương tiện thanh toán, pháp luật không cho phép sử dụng có chức năng như đồng tiền pháp lệnh hiện nay. "Pháp luật không bảo hộ cho những rủi ro về tiền ảo, do đó người dân phải rất thận trọng, nhất là với những mời chào hưởng phần trăm lợi nhuận cao. Đó là dấu hiệu của sự lừa đảo", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận