24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lưu Duy Quang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Từ 1/7 dùng tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện dịch vụ hành chính công

Bộ Công an đã hoàn thành, vượt chỉ tiêu triển khai 12 tiện ích trên VNeID, với hơn 1,5 triệu lượt truy cập, sử dụng các tiện ích VNeID hằng ngày.

Tổng số lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử trên các Cổng dịch vụ công đến nay là trên 29,37 triệu, số lượt đăng nhập trên ứng dụng Etax của Tổng cục Thuế là gần 2,1 triệu lượt, số lượt đăng nhập trên ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là hơn 10,4 triệu lượt; tổng số tiền tiết kiệm được cho Nhà nước ước tính 469 tỷ đồng.

Thông tin trên được Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết tại Phiên họp thứ tư của Tổ công tác, diễn ra sáng 3/5.

Tại Phiên họp này, Tổ công tác tổ chức Hội nghị chuyên đề về giải pháp chuyển đổi sang sử dụng một loại tài khoản duy nhất VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP. Hội nghị do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì.

Kích hoạt trên 53,1 triệu tài khoản định danh điện tử

Theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phải hoàn thành việc chuyển đổi để kể từ ngày 1/7/2024 sử dụng tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử.

Đây là một nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp.

Phiên họp chuyên đề nhằm đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện VNeID và giải pháp chuyển đổi sử dụng một loại tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử theo Nghị định số 59.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết đến nay, 100% công dân đã được cấp số định danh cá nhân. Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn; thu nhận trên 74,7 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,1 triệu tài khoản định danh điện tử, tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận 71,3%; có 47 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử. Hiện tại có 2,8 triệu chữ ký số thường xuyên được sử dụng.

Bộ Công an đã hoàn thành, vượt chỉ tiêu triển khai 12 tiện ích trên VNeID, với hơn 1,5 triệu lượt truy cập, sử dụng các tiện ích VNeID hàng ngày. Một số tiện ích đã mang lại giá trị, như triển khai Lý lịch tư pháp trên VNeID tại Hà Nội và Huế bắt đầu từ ngày 22/4 vừa qua, hằng năm giúp tiết kiệm cho người dân, xã hội 637 tỷ đồng; tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia và các ứng dụng của các bộ, ngành, dự kiến tiết kiệm được 32 tỷ đồng mỗi tháng.

Từ 1/7 dùng tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện dịch vụ hành chính công

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ Phó Tổ công tác phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tuy nhiên, theo Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, còn một số khó khăn, vướng mắc như chưa quy định rõ các tiện ích của ứng dụng định danh quốc gia, chưa có sự đồng nhất giữa mã định danh điện tử của tổ chức và mã số thuế, gây khó khăn cho công tác quản lý. Mức độ xác thực tài khoản định danh điện tử chưa bổ sung yếu tố xác thực theo quy định của Luật Căn cước như sinh trắc giọng nói, mống mắt. Còn 11 bộ, ngành chưa đảm bảo an ninh, an toàn…

Bảo đảm hệ thống hoạt động 24/7

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã nêu lên những tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân trong quá trình thực hiện, đề xuất, kiến nghị các giải pháp, cách làm hay mang tính đổi mới, đột phá, sáng tạo, khả thi cao trong việc chuyển đổi sử dụng một loại tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tuyến, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chuyển đổi số, phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, hình thành công dân số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay Văn phòng Chính phủ đã thực hiện thông báo cho người dùng và triển khai giải pháp kỹ thuật chuyển đổi từ tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia sang sử dụng tài khoản VNeID đối với hơn 10 triệu tài khoản công dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ từ tháng Một vừa qua, sẵn sàng chuyển đổi từ tháng 7/2024 theo quy định tại Nghị định số 59.

Cho biết quy định pháp luật chưa thống nhất gây khó khăn cho việc triển khai của Văn phòng Chính phủ nói riêng và các bộ, ngành, địa phương nói chung, Bộ trưởng Trần Văn Sơn đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát các văn bản pháp quy có liên quan để các bộ, ngành, địa phương triển khai thống nhất, theo đúng quy định.

Ông cũng đề nghị Bộ Công an sớm cung cấp phương thức định danh, xác thực đối với đối tượng là tổ chức, doanh nghiệp, người nước ngoài và ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương chuyển đổi sang sử dụng tài khoản VNeID để thực hiện dịch vụ công theo yêu cầu của Chính phủ.

Bộ Công an bảo đảm hệ thống hoạt động 24/7 và có phương án hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp trong quá trình đăng ký, đăng nhập tài khoản để thực hiện dịch vụ công liên tục, thông suốt, hiệu quả.

Từ thực tế vướng mắc của địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường hỗ trợ người dùng để đảm bảo người dân có thể sử dụng ứng dụng một cách dễ dàng, hiệu quả; tiếp tục tổ chức các buổi đào tạo về việc sử dụng tài khoản VNeID, nhất là các tiện ích mới dành cho cán bộ, nhân viên các cơ quan; xây dựng hệ thống phản hồi của người dân về chất lượng và trải nghiệm khi sử dụng tiện ích này; thống nhất quy định danh tính điện tử và danh tính số…

“Hai chưa và hai chậm”

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án 06, với nhận định “những việc chúng ta làm thu hái được những kết quả cụ thể.”

Từ 1/7 dùng tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện dịch vụ hành chính công

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phó Thủ tướng chia sẻ thời kỳ đầu mới triển khai, ông thấy “cũng không tin lắm, nhưng khi chạy rồi, ra được sản phẩm rồi, mới thấy giá trị của nó.” Giá trị ấy, được Phó Thủ tướng dẫn ra, là “một hình ảnh rất đẹp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cam kết, không có trường hợp phụ huynh xếp hàng đến 3-4 giờ sáng để nộp đơn cho con mình, bởi trên mạng thứ tự rất minh bạch, không thể đem ông này lên trước ông kia.” Hay như việc Hà Nội và Thừa Thiên Huế triển khai lý lịch tư pháp trên VNeID.

Nêu con số Sở Tư pháp Hà Nội một ngày 900 người chen nhau trước cửa để xin cấp phiếu lý lịch tư pháp, “tắc luôn một đoạn đường,” Phó Thủ tướng cho biết giờ ở nhà người dân vẫn đăng ký xác nhận lý lịch tư pháp được, không tốn tiền xe cộ.

Cũng theo Phó Thủ tướng, việc phối hợp các bộ, ngành, địa phương tốt hơn. Việc đầu tư, thuê hạ tầng công nghệ thông tin cũng tốt hơn. 100% công dân đã có số định danh cá nhân, cơ quan chức năng cần gì gõ là có thông tin ngay. Đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều sáng kiến của các địa phương, bộ, ngành. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt chưa được như cơ sở pháp lý có “2 chưa và 2 chậm.”

Cụ thể là chưa thống nhất trong việc sử dụng VNeID, chưa quy định rõ tiện ích nào được sử dụng; chậm tổ chức thực hiện 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, chậm xử lý kiến nghị của các cơ quan, bộ, ngành trong thực hiện Đề án 06.

Bản thân hệ thống VNeID cũng phải hoàn thiện hơn, như về mức độ định danh, các đối tượng yếu thế, các đối tượng nước ngoài, yêu cầu đảm bảo hệ thống hoạt động 24/7. Vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật hệ thống việc loạn sóng, tốc độ, dung lượng cũng là những nội dung quan trọng cần lưu ý.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý, thái độ của lãnh đạo và cán bộ trực tiếp tham gia trong công việc này không phải nơi nào cũng tốt; vẫn có nơi ngại khó, vẫn làm theo cách cũ, theo thói quen sử dụng giấy viết.

Nhấn mạnh nguyên tắc từ ngày 1/7/2024 phải chạy trên một loại cơ sở dữ liệu VNeID, “không có cách khác, không có phương án khác và không có thời hạn khác,” Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương cố gắng, quyết tâm thực hiện cho được; phải tuyên truyền tốt, tới tận người dân, để người dân phải thấy bằng những ví dụ cụ thể; không chỉ truyền thông theo phương pháp truyền thống, mà còn trên cả các nền tảng mạng xã hội với hình thức hấp dẫn.

Về cơ sở dữ liệu, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát các quy định liên quan, hướng dẫn cụ thể các việc cần thiết. Bộ Công an rà soát lại giải pháp về hạ tầng.

Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Thông tin và Truyền thông kiểm tra lại về cơ sở pháp lý. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng làm sạch dữ liệu thuê bao di động, 100% sim phải có chính chủ, nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, xóa "vùng lõm" sóng. Đối với địa phương, Phó Thủ tướng lưu ý đầu tư hạ tầng, trong có cả việc thuê hạ tầng, chú trọng trao đổi kinh nghiệm với các địa phương khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả