Từ 1/7, áp dụng quy định mới khi chuyển tiền nhầm
Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán
Theo Điều 9 Nghị định 52/2024/NĐ-CP, việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật liên quan.
Theo Điều 10 Nghị định 52/2024/NĐ-CP, chủ tài khoản thanh toán được sử dụng tài khoản thanh toán của mình để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện các giao dịch thanh toán hợp lệ. Chủ tài khoản thanh toán có quyền yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp thông tin về giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán của mình theo thỏa thuận với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán noi mở tài khoản thanh toán.
Chủ tài khoản thanh toán được ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán. Việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản, phù hợp với quy định pháp luật về ủy quyền.
Chủ tài khoản thanh toán có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và tuân thủ các quy định về mở, sử dụng, ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và phải đảm bảo có đủ tiền (số dư Có) trên tài khoản thanh toán để thực hiện lệnh thanh toán đã lập trừ trường hợp có thỏa thuận cho vay thấu chi với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời lệnh thanh toán hợp lệ của chủ tài khoản thanh toán.
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có quyền từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản thanh toán khi lệnh thanh toán không hợp lệ hoặc có cơ sở pháp lý để xác định chủ tài khoản vi phạm các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Nghị định này hoặc khi tài khoản thanh toán không đủ tiền trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo lý do từ chối cho chủ tài khoản thanh toán.
4 trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt
Điều 11 Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:
Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.
Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng, số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Việc chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán được thực hiện theo thỏa thuận bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; Khi có quyết định chấm dứt phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn trong thanh toán chuyển tiền quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11 Nghị định 52/2024/NĐ-CP.
Khi có yêu cầu chấm dứt phong tỏa của tất cả các chủ tài khoản thanh toán chung hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chủ tài khoản thanh toán và cơ quan có thẩm quyền nếu thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện phong tỏa tài khoản thanh toán trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thanh toán thì chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đóng tài khoản thanh toán
Theo Điều 12 Nghị định 52/2024/NĐ-CP, việc đóng tài khoản thanh toán được thực hiện khi chủ tài khoản thanh toán có yêu cầu và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán; Chủ tài khoản thanh toán là cá nhân bị chết, bị tuyên bố đã chết; Tổ chức có tài khoản thanh toán chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật; Chủ tài khoản thanh toán vi phạm hành vi bị cấm về tài khoản thanh toán quy định tại khoản 5, khoản 8 Điều 8 Nghị định 52/2024/NĐ-CP; Các trường hợp theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán: Chi trả theo yêu cầu của chủ tài khoản thanh toán hoặc được thực hiện theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; trường hợp chủ tài khoản là người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, việc chi trả thực hiện theo yêu cầu người đại diện theo pháp luật, người giám hộ phù hợp với quy định pháp luật dân sự; hoặc chi trả cho người thừa kế, đại diện thừa kế hợp pháp trong trường hợp chủ tài khoản thanh toán là cá nhân bị chết, bị tuyên bố đã chết; Chi trả theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp người thụ hưởng hợp pháp số dư trên tài khoản thanh toán đã được thông báo mà không đến nhận.
Quy định về ví điện tử, thẻ trả trước
Theo đó, quy định về ví điện tử, thẻ trả trước như sau: Ví điện tử, thẻ trả trước là phương tiện lưu trữ tiền điện tử.
Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phát hành, cung cấp ví điện tử, thẻ trả trước. Việc cung ứng, phát hành và sử dụng ví điện tử, thẻ trả trước thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phải đảm bảo duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thấp hơn tổng số dư tất cả các ví điện tử đã phát hành cho khách hàng; chỉ cho phép sử dụng dịch vụ đối với các ví điện tử có liên kết với tài khoản thành toán, thẻ ghi nợ của chính khách hàng.
Bên cạnh đó, Nghị định 52/2024/NĐ-CP còn định nghĩa: Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng cho khách hàng để nạp tiền vào ví điện tử, rút tiền ra khỏi ví điện tử và thực hiện giao dịch thanh toán.
Hiện hành, theo Nghị định 101/2012/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP ) thì dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận