Từ 1/1/2022: Thẻ từ xuất hiện giao dịch giả mạo, ngân hàng sẽ không chịu trách nhiệm?
Quy định mới ban hành được cho là nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip và đảm bảo công bằng cho các ngân hàng, các tổ chức tài chính đã thực hiện chuyển đổi.
Tỷ lệ chuyển đổi của thẻ chip nội địa đạt khoảng 25% mặc dù các ngân hàng thương mại thúc giục khách hàng chuyển đổi mấy năm nay, đồng thời NHNN quy định từ 31/3/2021 các tổ chức phát hành thẻ thực hiện phát hành thẻ nội địa đang lưu hành phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, mới đây, Chi hội Thẻ - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã phối hợp ban hành Quy định chuyển đổi trách nhiệm rủi ro đối với giao dịch giả mạo.
Quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 nhằm bảo vệ quyền lợi của các ngân hàng và tổ chức tài chính đã thực hiện nâng cấp và chuyển đổi đáp ứng Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa (TCCS) đồng thời thúc đẩy chuyển đổi thẻ/ thiết bị chấp nhận thẻ.
Theo NAPAS, thẻ từ với công nghệ bảo mật thấp, dễ bị kẻ gian giả mạo, lấy cắp thông tin để thực hiện các giao dịch gian lận giả mạo; việc không đồng bộ chuyển đổi thẻ chip và nâng cấp thiết bị chấp nhận thẻ chip có thể dẫn đến việc các giao dịch thanh toán được thực hiện bằng thẻ từ và phát sinh rủi ro của các giao dịch thẻ giả mạo.
Về nguyên tắc, Tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) khi cấp phép thực hiện giao dịch sẽ chịu mọi trách nhiệm trong trường hợp phát sinh rủi ro của các giao dịch thẻ giả mạo.
Tuy nhiên, theo quy định Chuyển đổi trách nhiệm, khi phát sinh giao dịch giả mạo liên quan đến thẻ, TCPHT chuyển rủi ro sang Tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) trong trường hợp TCTTT chưa thực hiện nâng cấp, chuyển đổi các thiết bị chấp nhận thẻ chip.
Căn cứ tình hình thực tế nâng cấp hạ tầng kỹ thuật của thiết bị chấp nhận thẻ (ATM/POS) và chuyển đổi thẻ chip nội địa trên thị trường cũng như thông lệ quốc tế và các nước trong khu vực ASEAN, Chi hội thẻ và Napas ban hành Quy định chuyển đổi trách nhiệm nhằm quy định nguyên tắc chung về trách nhiệm đối với tổn thất phát sinh của giao dịch thẻ giả mạo thuộc về TCPHT, TCTTT chưa thực hiện chuyển đổi hoặc xử lý giao dịch không tuân theo Bộ TCCS về thẻ chip nội địa do NHNN ban hành. Quy định được áp dụng cho tất cả TCPHT, TCTTT và bao gồm cả thẻ chip có giải từ (thẻ lai) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về việc chuyển đổi trách nhiệm.
Theo lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, đến thời hạn 31/12/2021, 100% thiết bị chấp nhận thẻ (ATM/POS) đang hoạt động tại Việt Nam và 100% thẻ thanh toán đang lưu hành phải tuân thủ Bộ TCCS về thẻ chip nội địa do NHNN ban hành.
Theo số liệu từ các ngân hàng, tính đến hết Quý III/2021, trên toàn thị trường, tỷ lệ chuyển đổi của thẻ chip nội địa đạt khoảng 25% và tỷ lệ chuyển đổi thiết bị chấp nhận thẻ chip (ATM/POS) đạt khoảng 90%.
Do đó, Quy định chuyển đổi trách nhiệm kịp thời được ban hành nhằm bảo vệ lợi ích của các ngân hàng, các tổ chức tài chính đã thực hiện chuyển đổi đáp ứng Bộ TCCS về thẻ chip nội địa, đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển đổi của các ngân hàng diễn ra nhanh hơn.
Ông Nguyễn Đăng Hùng – PTGĐ phụ trách kinh doanh NAPAS cho biết: “Trên cơ sở đồng thuận của các ngân hàng và tổ chức thành viên, Chi hội thẻ và Napas đã ban hành Bộ quy định chuyển đổi trách nhiệm nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip theo quy định tại Thông tư 41 của NHNN cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng thẻ. Với vai trò là đơn vị Chuyển mạch, Napas có trách nhiệm vận hành hệ thống chuyển mạch hoạt động liên tục, thông suốt và phát triển hạ tầng thanh toán thẻ đa dịch vụ, đồng bộ và an toàn”.
Hiện tại, 43 tổ chức thành viên của Hiệp hội thẻ đã sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật chấp nhận và phát hành thẻ tuân thủ Bộ TCCS về thẻ chip nội địa do NHNN ban hành, trong đó 7 ngân hàng đầu tiên đã hoàn thành 100% công tác chuyển đổi theo quy định của NHNN là MB, LienVietPostBank, VietBank, Standard Chartered, Hongleongbank, IBK Hồ Chí Minh, IBK Hà Nội.
Theo ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Thẻ, lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp thời gian qua gặp khó khăn do dịch bệnh.Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng đơn vị chấp nhận thẻ không tuân thủ quy trình đã được hướng dẫn, thực hiện giao dịch giả mạo, thanh toán khống mà không có giao dịch mua bán sản phẩm/dịch vụ nhằm rút tiền từ thẻ tín dụng hoặc rửa tiền; cung cấp thông tin về thẻ cho bên thứ ba để thực hiện hành vi giả mạo. Ngoài ra, rủi ro trong việc thông tin của chủ thẻ bị đánh cắp, thẻ giả sử dụng bất hợp pháp, đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp mà các ngân hàng đang khó kiểm soát và chưa có chế tài xử lý, gây tổn hại khôn lường về tài chính cũng như uy tín cho ngân hàng, chủ thẻ…
Tính đến 30/6/2021, cả nước có 110 triệu thẻ các loại đang lưu thông, tăng 28% so với cuối năm 2018; trong đó thẻ nội địa đạt 90,4 triệu thẻ chiếm tỷ trọng 82%, dẫn đầu là VietinBank, BIDV và Vietcombank.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận