Từ 1/1/2020: Chọn bia rượu hoặc lái xe, không để vật nuôi nhìn đồng loại bị giết mổ
Đó là 2 trong những quy định có trong 5 luật mới sẽ được thi hành từ 1/1/2020.
Buộc phải chọn hoặc bia rượu, hoặc lái xe
Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
Một trong những nội dung đáng chú ý nằm tại Điều 5, quy định 13 nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia được đề cập đầu tiên.
Tiếp đến, Luật cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
Cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Đặc biệt, để phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, Luật cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Như vậy từ thời điểm trên, người tham gia giao thông chỉ được chọn hoặc uống rượu bia, hoặc lái xe.
Việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được xem là biện pháp cấp thiết góp phần hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội; bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá, các quy định cần thiết nhưng để thực thi, xử phạt được là điều rất khó. Như, thế nào là xúi giục, thế nào là lôi kéo, thế nào là ép buộc? Do vậy hi vọng cơ quan chức năng sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể để Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được thực thi có hiệu quả trong thực tiễn.
Phải đối xử nhân đạo với vật nuôi
Luật Chăn nuôi được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
Lần đầu tiên, Luật đưa vào các quy định về quản lý nhà nước đối với các vật nuôi như: Chim yến, ong mật, chó, mèo, hươu sao… đồng thời đặt ra các yêu cầu về kiểm soát mật độ, dịch bệnh, kiểm soát môi trường, cân bằng sinh thái xuất phát từ thực tiễn mức độ phổ biến cũng như vai trò quan trọng của những vật nuôi này.
Đáng chú ý, điểm mới nổi bật của Luật Chăn nuôi năm 2018 so với Pháp lệnh về giống vật nuôi năm 2004, nhằm góp phần xây dựng hình ảnh con người Việt Nam giàu nhân văn, thân thiện và đối xử nhân đạo với vật nuôi, tạo điều kiện cho việc hội nhập quốc tế trong chăn nuôi, đồng thời mở ra hành lang pháp lý cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Theo đó, Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng yêu cầu sau:
Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; không đánh đập, hành hạ vật nuôi (Điều 69).
Tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi (Điều 70).
Cơ sở giết mổ vật nuôi phải có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ (Điều 71).
Vật nuôi sử dụng trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác phải được đối xử nhân đạo theo quy định của pháp luật. Đối xử nhân đạo với vật nuôi phải tôn trọng, hài hòa với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống và được cộng đồng xã hội chấp thuận (Điều 72).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận