TTCK sẽ phản ứng ra sao nếu chính phủ Mỹ đóng cửa?
Chính phủ Mỹ có vẻ sắp phải đóng cửa khi các nhà hoạch định chính sách rơi vào tình trạng bế tắc về ngân sách quốc gia cho năm tài chính tiếp theo. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, các chiến lược gia hàng đầu của thị trường chứng khoán không mấy lo lắng trước khả năng đó và có khả năng cao là các nhà đầu tư có thể thoát khỏi tình trạng này mà vẫn ổn.
Để ngăn chính phủ đóng cửa, Quốc hội cần thông qua toàn bộ 12 dự luật chi tiêu cho năm sau chậm nhất vào ngày 30/9. Lịch sử cho thấy Quốc hội khá kém trong việc hoàn thành công việc đúng hạn. Theo bản phân tích của Charles Schwab, lần cuối cùng Quốc hội thông qua toàn bộ dự luật chi tiêu kịp thời hạn là năm 1997.
Theo nhà kinh tế chính trị Alec Phillips, nhà kinh tế chính trị trưởng của Goldman Sachs Research, khả năng đóng cửa đã vượt quá 50%, cho đến nay vẫn chưa có dự luật chi tiêu nào được thông qua khi các nhà hoạch định chính sách tranh cãi về những hạn chế ngân sách của chính phủ.
Tình trạng trên có thể gây rắc rối cho chứng khoán Mỹ. Trong trường hợp chính phủ thực sự đóng cửa, thị trường có thể sẽ phải chịu đòn giáng ngay lập tức. Chứng khoán Mỹ đang trên đà ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2023. Lần cuối cùng Quốc hội không đạt thỏa thuận về ngân sách kịp thời, chỉ số S&P 500 đã giảm 2,7% ngay ngày đầu chính phủ ngừng hoạt động, theo dữ liệu của Renaissance Macro.
Nhưng một số dấu hiệu đầy hứa hẹn cho thấy các nhà đầu tư sẽ có thể nhanh chóng phục hồi mọi tổn thất. Trong 20 lần chính phủ đóng cửa, chỉ số S&P 500 gần như đi ngang.
Theo phân tích của Reuters dựa trên dữ liệu của CFRA Research, trung bình S&P 500 chỉ giảm 0,4% trong tuần trước khi chính phủ đóng cửa. Trong toàn bộ khoảng thời gian chính phủ ngừng hoạt động, chỉ số này thậm chí còn tăng nhẹ 0,1%.
Và trong một số trường hợp, chứng khoán Mỹ thậm chí còn diễn biến khả quan. Sau đợt đóng cửa năm 2018-2019, thị trường đã tăng ròng 10%.
Theo phân tích của Dow Jones năm 2021, thị trường luôn nhanh chóng phục hồi sau mỗi lần chính phủ ngừng hoạt động từ 5 ngày trở lên. Tính trung bình, S&P 500 chuyển sang vùng tích cực trong vòng một tháng kể từ khi chính phủ đóng cửa.
Các giai đoạn bất ổn cũng thường kết thúc tương đối nhanh. Kỷ lục về khoảng thời gian chính phủ Mỹ đóng cửa là 35 ngày, diễn ra từ tháng 12/2018 đến tháng 1/2019.
Lưu ý của các chuyên gia Wells Fargo có viết: “Theo quan điểm của chúng tôi, [nếu thị trường chứng khoán phản ứng], bất kỳ đợt giảm điểm nào cũng sẽ không đáng kể do chúng ta đều biết rằng tác động trực tiếp của những lần chính phủ đóng cửa trong quá khứ đều bị đảo ngược nhanh chóng khi chính phủ hoạt động trở lại”.
Nguy cơ suy thoái gia tăng
Chính phủ đóng cửa có lẽ sẽ không phải là lực cản lớn lên thị trường, nhưng các nhà phân tích lo ngại rằng sự kiện này sẽ khuếch đại những rủi ro đè nặng lên nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn cuối năm.
Các yếu tố này bao gồm thị trường lao động suy yếu, lãi suất gia tăng và chương trình thanh toán nợ vay sinh viên được khôi phục. Khi kết hợp lại, cả 4 mối họa này có thể làm giảm khả năng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ và làm tăng nguy cơ suy thoái.
Goldman Sachs ước tính rằng cứ mỗi tuần diễn ra, việc chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ khiến tăng trưởng GDP hàng quý giảm 0,2 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Và ngân hàng này dự kiến chính phủ Mỹ sẽ ngừng hoạt động trong hai đến ba tuần.
Ông Keith Lerner, Giám đốc đầu tư của Truist, nói với CNBC hôm 25/9: “Từ góc độ của thị trường chứng khoán, tôi nghĩ việc chính phủ đóng cửa không phải là vấn đề lớn. Nhưng thách thức của thị trường hiện nay không phải là một sự kiện đơn lẻ, mà là toàn bộ những vấn đề hiển nhiên mà chúng ta đang nói đến”.
Các chuyên gia Wells Fargo đưa ra lời khuyên: “Chúng tôi khuyến khích các nhà đầu tư nhìn xa hơn những biến động của thị trường trong những tuần trước, trong và ngay sau khi chính phủ ngừng hoạt động bằng cách điều chỉnh danh mục đầu tư theo hướng phòng thủ, chuẩn bị cho kịch bản nền kinh tế hướng đến suy thoái”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận