TTCK: Bán khống và giao dịch trong ngày, con dao hai lưỡi?
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn về giao dịch chứng khoán, trong đó 2 nội dung quan trọng được nhiều người quan tâm nhất là bán khống và giao dịch trong ngày T0.
Quy định giao dịch T+2 cho phép cổ phiếu mua vào đúng sau 2 ngày về tài khoản, nhưng thời gian về là gần cuối ngày, tức sau khi đã hết phiên giao dịch. Do đó, đến sáng ngày thứ 3 kể từ ngày mua vào, nhà đầu tư mới được quyền bán ra. Quy định T+0 sẽ khác, nhà đầu tư không vướng những rủi ro trong thời gian chờ, được quyền bán ngay để tăng thanh khoản, thị trường giao dịch sôi động hơn.
Nhà đầu tư mong đợi gì?
Khi nhà đầu tư nhận thấy giá cổ phiếu/thị trường đã rời xa giá trị thực, sẽ tìm cách bán khống, chờ sự điều chỉnh của thị trường nói chung hay cổ phiếu nói riêng để kiếm lợi nhuận. Điều này sẽ giúp thị trường giữ được điểm cân bằng tốt hơn vì nhà đầu tư có thể đối mặt với việc bán khống bất cứ lúc nào.
Các công cụ mới này cũng sẽ giúp các nhà đầu tư lướt sóng theo dõi các biến động trên thị trường để có thể kiếm lời từ một khoản đầu tư có độ rủi ro cao. Tuy nhiên, hoạt động đầu cơ trong ngày hay bán khống đòi hỏi tính toán, đánh giá thị trường và chỉ chấp nhận rủi ro khi cơ hội mang lại lợi nhuận lớn hơn rủi ro.
Còn đối với những nhà đầu tư dài hạn, bán khống còn là cách thức để phòng ngừa rủi ro khi họ tìm cách phòng vệ cho khoản đầu tư đang nắm giữ bằng cách bán khống một khoản tương tự để triệt tiêu rủi ro.
Hơn 1 năm qua, nhiều nhà đầu tư cũng đã tập làm quen với 2 cách thức giao dịch này thông qua sản phẩm hợp đồng tương lai VN30. Trong đó, nhiều người sau khi mua cổ phiếu trên thị trường cơ sở đã bán khống hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
Con dao 2 lưỡi
Dù vậy, kèm với lợi ích bao giờ cũng là rủi ro, các công cụ này được xem là con dao 2 lưỡi.
Thứ nhất, việc được giao dịch trong ngày và cho phép bán khống, thị trường sẽ chịu biến động nhiều hơn khi tâm lý các nhà đầu tư dễ bị tác động và giao dịch liên hồi mà ít có thời gian suy nghĩ. Đặc biệt, họ sẽ đối mặt với các tin đồn xuất hiện dày đặc hơn để dẫn dắt giao dịch của các nhà đầu tư, làm thị trường có thể rơi vào hỗn loạn do hiệu ứng giao dịch bầy đàn.
Nếu hoạt động bán khống quá đà do tâm lý sợ hãi của các nhà đầu tư, thị trường có nguy cơ đổ vỡ theo hiệu ứng domino. Thực tế này đã từng diễn ra tại nhiều thị trường làm cơ quan quản lý phải tạm ngừng giao dịch.
Ngoài ra, bán khống luôn có những rủi ro đặc thù, khi mà hầu hết nhiều người cho rằng bán khống chẳng khác nào đánh bạc. Bán khống là hành vi đánh cược, ngược lại xu hướng chung của thị trường. Nếu thị trường đi lên như thông thường, giữ vị thế bán khống quá lâu có thể trở nên cực kỳ rủi ro.
Với những nhà đầu tư bán khống, khi thấy giá cổ phiếu có dấu hiệu phục hồi, họ nhanh tay mua lại để trả hàng đã vay. Điều này sẽ đẩy giá cổ phiếu phục hồi nhanh hơn. Còn những người không mua hàng kịp sẽ chứng kiến mức thua lỗ lớn hơn trong thời gian ngắn.
Khi bán khống, nhà đầu tư sẽ mở một tài khoản ký quỹ để mượn tiền từ công ty môi giới bằng cách dùng khoản đầu tư làm thế chấp. Cũng như khi mua bằng tài khoản ký quỹ, rất dễ để khoản thua lỗ trở nên mất kiểm soát vì nhà đầu tư phải đáp ứng yêu cầu về mức ký quỹ. Nếu tài khoản của nhà đầu tư rơi xuống dưới mức yêu cầu ký quỹ, họ sẽ buộc phải nộp thêm tiền mặt vào tài khoản hoặc đóng vị thế đang nắm giữ, dẫn đến "cháy" tài khoản.
Ngoài ra, phép giao dịch trong ngày và bán khống sẽ tăng nguồn thu phí cho các công ty chứng khoán, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ mất phí giao dịch nhiều hơn nếu giao dịch ngoài tầm kiểm soát.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận