TS. Vũ Thành Tự Anh: “TP.HCM tăng thu ngân sách 100 đồng, chỉ được giữ 18 đồng”
“Thặng dư ngân sách cao thì tỷ lệ bị điều chuyển về Trung ương sẽ cao. Đây là lý giải tại sao TP.HCM, Hà Nội không tăng trưởng cao hơn trung bình của các nước vì các thành phố đó không có động lực để tăng thu ngân sách. Như TP.HCM tăng ngân sách 100 đồng, phải nộp 82 đồng, chỉ được giữ 18 đồng”, TS. Vũ Thành Tự Anh nhận xét.
Một góc đô thị TP.HCM nhìn từ trên cao. (Ảnh minh hoạ).
34 năm sau đổi mới, TP.HCM đã đạt được những thành tựu rất đáng kể và luôn giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước với khoảng cách phát triển tương đối so với Hà Nội. Song trên bình diện quốc tế, dù là khoảng cách về phát triển hay năng lực cạnh tranh của TP.HCM vẫn còn rất xa so với các thành phố trong khu vực cũng như nhiều thành phố đang phát triển khác. Nhiều thành phố cách đây 45 năm họ chỉ tương đương hoặc đi sau, nhưng hiện đang đi trước TP.HCM một khoảng cách xa.
Vậy nên, câu chuyện đoàn ĐBQH TP.HCM thay mặt cử tri thành phố, gửi kiến nghị tới Trung ương, đề xuất xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách phần giữ lại cho TP.HCM, tạo điều kiện tốt hơn cho thành phố trong đầu tư phát triển chỉ là một trong số nhiều câu chuyện phản ánh tình hình ngân sách và nhu cầu phát triển tại ở thành phố hơn 9 triệu dân.
Ông Nguyễn Xuân Thành tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM vào năm 2015 về định hướng chiến lược phát triển thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2045.
Bởi trong đề tài nghiên cứu “Đánh giá sức mạnh cạnh tranh của TP.HCM và gợi ý định hướng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2045” được công bố năm 2015 của 4 chuyên gia: Huỳnh Thế Du, Nguyễn Xuân Thành, Đỗ Thiên Anh Tuấn, Huỳnh Trung Dũng, nhóm tác giả đã đưa ra luận điểm về việc cơ chế phân bổ ngân sách cho TP.HCM lúc đó khiến thành phố không có đủ nguồn lực cần thiết để tạo các tiền đề cất cánh.
Theo nhóm tác giả, các quốc gia đã trở nên phát triển, trong giai đoạn đầu họ đã dành nhiều nguồn lực cho những vùng đô thị có khả năng phát triển, tạo ra nhiều giá trị gia tăng và việc làm hơn. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore là những điển hình. Trong giai đoạn đầu, họ đã dành nguồn lực rất nhiều cho các trung tâm, đặc biệt là các siêu đô thị và sự thần kỳ đã xảy ra. Động lực của các nền kinh tế này chính là các vùng siêu đô thị như Tokyo, Osaka ở Nhật, Seoul và Busan ở Hàn Quốc, Đài Bắc và Cao Hùng ở Đài Loan. Sự bùng nổ của Trung Quốc trong thời gian qua cũng theo công thức này.
Tuy nhiên, có một sự tương phản rất rõ ở Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM - trung tâm kinh tế, thương mại quan trọng nhất của cả nước. Trong khoảng hai thập kỷ qua, cho dù đã tạo ra gần 20% GDP và khoảng 30% ngân sách quốc gia, nhưng TP.HCM chỉ được giữ lại khoảng 1/4 nguồn thu. Theo tính toán, con số này chưa đến 7% GDP, chỉ bằng khoảng 30% của Thượng Hải hay Hong Kong và bằng một nửa Singapore, trong khi chi ngân sách quốc gia bình quân của Việt Nam trong cùng giai đoạn lên đến 29% GDP, gấp hai lần Singapore, 1,5 lần Trung Quốc và Hong Kong.
TS. Vũ Thành Tự Anh.
Trải qua nhiều năm đề xuất, kiến nghị, thảo luận, câu chuyện về tỷ lệ điều tiết ngân sách phần giữ lại cho TP.HCM gần đây được tiếp nối bởi ý kiến của TS. Vũ Thành Tự Anh.
Tỷ lệ điều tiết ngân sách của TP HCM là 18%, thấp hơn so với các tỉnh, thành phố khác, như Hà Nội (35%), Đà Nẵng (68%), hay Bình Dương (36%)... Hiện tại, TP.HCM phố đang triển khai xây dựng đề cương chi tiết đề xuất tiến độ tăng tỷ lệ để lại tổng ngân sách là 33% theo lộ trình trong vòng 10 năm. Theo đó, tỷ lệ điều tiết là giữ nguyên 18% đến năm 2020; sau đó tăng lên 24% vào 2021 - 2025. Tỷ lệ điều tiết này sẽ là 33% vào 2030. Đây cũng là mức điều tiết bằng với năm 2003.
Trong khuổn khổ một hội thảo với chủ đề thúc đẩy đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, xu hướng dân số dân số tăng thêm tập trung ở Đông Nam Bộ, Hà Nội và Đà Nẵng nhưng nguồn lực lại không chảy về đây. Và điều này thể hiện mâu thuẫn bắt nguồn từ lựa chọn đánh đổi giữa công bằng và hiệu quả của Chính phủ, khi phân bổ nguồn lực cưỡng bức các địa phương.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, lựa chọn giữa phát triển hiệu quả và phát triển công bằng, Việt Nam thiên về hướng công bằng hơn. Các địa phương có nguồn thu ngân sách cao thì tỷ lệ thu được điều chuyển về ngân sách trung ương sẽ lớn.
"Thặng dư ngân sách cao thì tỷ lệ bị điều chuyển về Trung ương sẽ cao. Đây là lý giải tại sao TP.HCM, Hà Nội không tăng trưởng cao hơn trung bình của các nước vì các thành phố đó không có động lực để tăng thu ngân sách. Như TP.HCM tăng ngân sách 100 đồng, phải nộp 82 đồng, chỉ được giữ 18 đồng. Còn các tỉnh chưa tự chủ ngân sách cũng không có động cơ để tăng ngân sách vì tăng ngân sách đồng nào, sẽ bị giảm trợ cấp đồng đó. Đồng với nhóm ngấp nghé tự chủ ngân sách dù có tăng cũng không có đóng góp được gì cho trung ương", TS. Vũ Thành Tự Anh nhận xét.
Theo ông Tự Anh, sự phân bố tài khóa có tính cưỡng bức tạo ra sự thiếu động lực khiến các đô thị thiếu nguồn lực phát triển.
“Nếu như không làm gì thì an toàn, nhưng địa phương không phát triển. Nếu làm gì đó thì có thể phát triển, nhưng rủi ro pháp lý rất cao vì khung khổ pháp lý không hỗ trợ cho việc đó”, TS. Vũ Thành Tự Anh cho hay.
Ở chiều ngược lại, nếu Việt Nam thực sự biến các đô thị thành động lực tăng trưởng, tăng hiệu quả của các thành phố trung ương sẽ có thêm nguồn lực để tái phân bổ.
Cũng theo TS. Vũ Thành Tự Anh cũng cho biết, trên phạm vi thế giới, các đô thị là động lực tăng trưởng nhưng ở Việt Nam chưa đáp ứng được điều này. Tỷ lệ đóng góp của 5 thành phố trực thuộc trung ương không thay đổi trong suốt 15 năm qua. Các thành phố trực thuộc trung ương đang đang chạm tới ngưỡng không vượt lên được nữa, thậm chí mức đóng góp cho GDP còn giảm đi nếu không bước qua được ngưỡng này.
Về giải pháp, ông Tự Anh cho rằng, đã tới lúc phải thay đổi cơ chế thu - chi ngân sách và phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương.
"Chắc chắn phải thay đổi lại, nếu như vẫn để các tỉnh không có thặng dư ngân sách, không đủ nguồn thu được giữ lại 100%, còn các tỉnh khác có thặng dư phải chia theo tỷ lệ sẽ là phi kinh tế. Muốn tăng hiệu quả thì đây không phải là cách, chúng ta phải thu theo sắc thuế. Thực tế chúng ta có Luật thuế nhưng không thu theo sắc thuế. Thu theo sắc thuế thì được bao nhiêu là bấy nhiêu, song chúng ta lại chọn cách gói tất cả lại thành một khối, rồi phân chia tỷ lệ 82% và 18%", TS. Vũ Thành Tự Anh nói.
Bitexco Financial Tower từng là biểu tượng cho sự phát triển nhanh chóng của TP.HCM.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được phân cấp các nguồn thu riêng, thực hiện phân chia một số nguồn thu nhất định.
Đồng thời, NSNN đảm bảo mỗi địa phương có đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo phân cấp, tính trên cơ sở hệ thống nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách nhà nước do UBTVQH quyết định.
Căn cứ vào khả năng thu và nhu cầu chi ngân sách địa phương, tính theo hệ thống nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ do UBTVQH quyết định, có địa phương phải nhận bổ sung cân đối (từ nguồn của ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách địa phương để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định), có địa phương điều tiết (chia sẻ) một phần nguồn thu về ngân sách Trung ương. Tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia được ổn định 5 năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Luật Ngân sách nhà nước cũng quy định, đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, việc xác định dự toán ngân sách của từng địa phương, trong đó có TP.HCM, căn cứ vào khả năng thu và nhu cầu chi ngân sách địa phương tính theo hệ thống nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ do UBTVQH ban hành. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương, trong đó có TP.HCM để tính toán, xác định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thời kỳ ổn định ngân sách mới, trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định.
Căn cứ các quy định hiện hành và để thành phố có thêm nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, Bộ Tài chính đề nghị TP.HCM triển khai quyết liệt các quy định tại Nghị quyết số 54/2017/NQ-QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Trong đó cần tập trung phát triển nguồn thu cho ngân sách thành phố như đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố quản lý, đại diện chủ sở hữu; ban hành các khoản phí, lệ phí ngoài danh mục quy định tại Luật Phí và lệ phí; sắp xếp lại nhà, đất của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố quản lý; phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương sắp xếp nhà, đất trên địa bàn...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận