24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đinh Thị Ngân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

TS. Vũ Thành Tự Anh: TP.HCM cần sự hậu thuẫn tối đa từ Trung ương

Các chuyên gia kinh tế, hoạch định chính sách đều khẳng định, TP.HCM là thành phố có ưu thế lớn nhất để phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, phải có những chính sách để “cởi trói” cho TP, nếu muốn có trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế trong 15-20 năm tới…

Đánh giá về tiềm năng cũng như những rào cản để trở thành trung tâm tài chính của TP.HCM, TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, thăng thắn, mặc dù TP.HCM có một vị thế kinh tế nổi trội để có thể trở thành một trung tâm tài chính (TTTC) nhưng hiện vẫn chưa có tên trong bảng xếp hạng trung tâm tài chính khu vực năm 2019, bởi quy mô vẫn rất nhỏ so với các trung tâm đã hình thành tại nhiều nước trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc đã nổi lên như một quốc gia có 7 trung tâm tài chính khu vực và quốc tế một phần nhờ quy mô kinh tế cũng như tận dụng được sự phát triển các thị trường ngách. Do đó, theo TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng, TP cần thay đổi trong tiếp cận, nương theo biến động và xu thế của khu vực và thế giới.

“TP.HCM phải đi theo những con đường mới, tìm ra những ngách để bức phá. Trong đó, theo tôi thì có hai gợi ý, một là Fintech, hai là TP.HCM là giao điểm giữa Đông và Tây Nam bộ nên giao dịch về hàng hóa cũng là một ngách để phát triển. Nếu tận dụng tốt hai ưu thế này, TP.HCM có thể lọt vào danh sách trung tâm tài chính của quốc tế, dần dần khẳng định vị thế trên thế giới”, ông Tự Anh, chia sẻ.

Dù vậy, Giám đốc trường Đại học Fulbright Việt Nam, cũng khẳng định: TP chỉ phát triển nếu được sự hậu thuẫn tối đa từ Trung ương, Chính phủ. Nói cách khác là Trung ương phải tạo điều kiện về cơ chế chính sách đặc thù riêng cho TP.HCM - mở ra “thể chế” mới cho TP.HCM.

“Thực tế, tỉ lệ ngân sách được giữ lại ngày càng giảm đã làm giảm động lực phát triển của địa phương, trong đó có vai trò và vị thế của các đô thị lớn như TP.HCM ngày càng giảm. Chưa kể, TP.HCM đang đối mặt với khó khăn từ chính sách vĩ mô và pháp luật, do đặc trưng của hệ thống tài chính Việt Nam là các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước... Đây đều là những vấn đề cần phải tháo gỡ nếu muốn phát triển TTTC quốc tế và khu vực”, ông Tự Anh nói thêm.

TS. Vũ Thành Tự Anh: TP.HCM cần sự hậu thuẫn tối đa từ Trung ương

TS Trần Du Lịch - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, tham quan các mô hình phát triển kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 (Ảnh: Quốc Hải)

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế không phải vấn đề riêng của TP, mà chính là một bộ phận trong chiến lược kinh tế của quốc gia; với định hướng phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Ông Lịch đặt câu hỏi, ý tưởng xây dựng TP.HCM thành một trung tâm tài chính của khu vực đã có từ 15 năm trước, nhưng chưa thể thành hiện thực. Vì sao?

Theo ông Lịch, từ năm 2002, Nghị quyết 20/ BCT của Bộ chính trị về Thành phố đã xác định việc xây dựng và phát triển TP. HCM thành trung tâm tài chính của cả nước và từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực (Asean). Nội dung này được tái khẳng định tại NQ 16/ BCT về Thành phố năm 2012. Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 9 (tháng 12/2005) cũng xác định Thị trường tài chính là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực của Thành phố và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tuy nhiên, cho đến nay mọi ý tưởng xây dựng TP.HCM thành một trung tâm tài chính vẫn còn đang dang dở, thậm chí vai trò còn giảm dần, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước (ví dụ tổng vốn huy động qua các định chế tài chính - tín dụng trên địa bàn TP.HCM so với cả nước đã giảm từ khoảng 40% của những năm đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 24% năm 2018; xếp sau Hà Nội - 34%) .

Câu hỏi được đặt ra là, liệu TP.HCM có còn đóng vai trò đầu tàu trong việc phát triển thị trường tài chính của nước ta và khẳng định vị thế đối với khu vực trong dài hạn hay không?

“Dường như ý tưởng xây dựng Trung tâm tài chính TP.HCM theo định hướng của Bộ Chính trị đến năm 2020 ít được nhắc đến trong những năm gần đây và càng mờ nhạt về phương diện chính sách khi Chính phủ quyết định sáp nhập 2 sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội thành Sở Giao dịch Chứng khoán Viêt Nam, đặt trụ sở tại Hà Nội (QĐ số 32/QĐ-TTg ngày 07.01.2019). Do đó, Đề án cần làm rõ: Phải chăng chủ trương của UBND Thành phố xây dựng Đề án “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế” là sự nối tiếp công việc trước đây bị gián đoạn - trong điều kiện mới hay nâng vị trí vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh với một tầm nhìn mới trong bối cảnh quốc tế hiện nay?”, ông Lịch nêu.

Đóng góp về lộ trình và điều kiện để xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế, TS Trần Du Lịch tóm tắt qua 3 bước như sau: Muốn xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thì phải là chủ trương của Trung Ương, phải được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 sẽ thông qua Đại hội Đảng XIII đầu năm 2021. Cần xem đây là Chiến lược kinh tế của Quốc gia. Đây là điều kiện để Quốc hội, Chính phủ có thể triển khai các chính sách và cơ chế cụ thể để thực thi, bao gồm việc thí điểm các chính sách mới, nhất là các sản phẩm tài chính…

TP.HCM cần tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam theo tư duy “ kinh tế Vùng”; khẳng định là Trung tâm thương mại quốc tế; đi đầu trong chính sách khởi nghiệp, sáng tạo; phát huy vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế. Từ Năm 2002, với NQ 20/BCT đã xác TP.HCM phấn đầu trở thành Trung tâm công nghiệp; trung tâm thương mại dịch vụ của khu vực. Cần xác định địa bàn TP.HCM chính là Vùng đô thị TP.HCM, chứ không giới hạn trong địa giới hành chính của TP.HCM.

Xây dựng hạ tầng đô thị, trong đó có khu đô thị mới Thủ Thiêm, trung tâm tài chính trong khu đô thị mới này thuận lợi để thu hút các tập đoàn đầu tư tài chính; Chính quyền Thành phố phải thể hiện vai trò “ bà đỡ “ cho các nhà đầu tư; xây dựng hệ sinh thái mà TTTC có thể vận hành tốt. Nhìn chung lộ trình xây dựng TTTC khu vực và quốc tế TP. HCM phải qua nhiều giai đoạn và tùy thuộc một phần vào chất lượng sống của đô thị và khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả