TS Vũ Thành Tự Anh: TP.HCM cần phát triển theo hình thái một xã hội "hậu công nghiệp”
Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam đề xuất, TP.HCM không nên theo hướng phát triển công nghiệp mà cần chuyển dần sang phát triển dịch vụ, theo hình thái "hậu công nghiệp”.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng, sẽ là chưa đủ nếu chỉ xem TP.HCM là đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước.
TP.HCM cần đặt cho mình mục tiêu trở thành một siêu đô thị toàn cầu, một trung tâm kinh tế- tài chính- văn hóa của khu vực Đông Nam Á, sau đó là của châu Á.
Để đạt được vị thế trên, tại hội thảo khoa học "Định hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045" vừa được tổ chức, vị này kiến nghị, TP.HCM đề ra một số ưu tiên chiến lược thay vì ôm đồm nhiều mục tiêu, bởi “các công việc của một Thành phố 13 triệu dân là rất phức tạp và bề bộn”.
Thêm vào đó, sự thiếu hụt nguồn lực, thời gian, sự tập trung,…sẽ xảy ra nếu không có sự lựa chọn về mức độ ưu tiên.
“Tôi và Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài có trao đổi với nhau rằng, nếu TP.HCM tiếp tục định vị là Thành phố phát triển công nghiệp thì điều đó không chỉ bất khả thi mà còn đánh mất cơ hội của mình trong 10 đến 20 năm tới”, TS Vũ Thành Tự Anh chia sẻ.
Và khi mục tiêu thay đổi thì hành động, động lực phát triển cũng phải thay đổi.
Giai đoạn trước đây, kinh tế Thành phố phụ thuộc vào chi phí rẻ, thu hút các dự đầu tư và dân nhập cư nhưng mức tăng về năng suất chưa cao.
Vì thế, vị này chọn "năng suất" sẽ là động lực phát triển TP.HCM trong một thập kỷ tới.
Năng suất cao có thể đạt được nếu tập trung vào phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, tăng cường sức cạnh tranh nội địa, mở cửa thị trường với nền kinh tế quốc tế, phát triển cơ sở hạ tầng và hình thành một số cụm ngành then chốt.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân nội địa được đánh giá là thế mạnh nổi bật của TP.HCM so với cả nước nói chung và so với Hà Nội hay Đà Nẵng nói riêng.
Cùng với đó, để chuyển sang nền kinh tế có tính đổi mới, sáng tạo thay vì thuần túy chỉ dựa vào đầu tư lại đặt ra bài toán về chất lượng nguồn nhân lực từ chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo ra được các cụm ngành có năng lực cạnh tranh vượt trội.
TS Tự Anh nhận định, dù cởi mở, hồ hởi hội nhập kinh tế với khu vực, với quốc tế nhưng “chúng ta lại đánh mất một điều rất quan trọng là thị trường trong nước từ năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa”.
Hội nhập là quan trọng nhưng nội lực mới là yếu tố then chốt, bởi không có một đô thị lớn nào chỉ nhờ vào ngoại lực mà phải trau dồi nội lực.
Với tốc độ phát triển như hiện nay, đến năm 2035, sẽ có hơn 50% dân số Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu.
Từ đó kéo theo nhu cầu lớn về tiêu dùng nội địa. Song, doanh nghiệp nội địa không khai thác được thì "miếng bánh" ấy sẽ được dâng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Và để phát triển nội lực, cần quay lại 3 nút thắt lớn với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, liên quan đến cơ sở hạ tầng, thể chế và chất lượng nguồn nhân lực.
Cùng với đó, cần cải cách thể chế về môi trường kinh doanh và đầu tư.
Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam nhận định, 10 năm qua, các địa phương khác không đến TP.HCM để học kinh nghiệm cải cách. Thành phố không còn là niềm cảm hứng về cải cách thể chế của quốc gia.
"Nếu muốn sánh ngang các đô thị lớn như Seoul hay Singapore mà không làm được điều này thì đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi”, TS Tự Anh nói và lý giải, cải cách thể chế trong trường hợp này cần tập trung vào cải cách để quản lý và phát triển trong một siêu đô thị hiện đại. Ví dụ như vấn đề cái cách thể chế ở Thành phố Thủ Đức.
Trước đây, TP.HCM chỉ thu hút được các lao động với mức thu nhập thấp, kỹ năng trung bình thì bây giờ cần tạo ra môi trường phát triển theo hướng “đất lành chim đậu” để các tập đoàn lớn nhất khu vực, thế giới đến “làm tổ”.
Nút thắt thứ ba để phát triển nội lực là chất lượng nguồn nhân lực.
Thay vì chỉ tập trung đào tạo bậc phổ thông, đại học, TP.HCM cần tính đến việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển các trung tâm nghiên cứu gắn với thực tiễn.
Không phải mục tiêu ngoài tầm với, TP.HCM có thể làm được các công việc này. Nhưng TS Vũ Thành Tự Anh lo ngại về tính hiệu quả khi thực thi.
“Khi đã quyết công việc gì thì phải làm cho bằng được là bài toán cực kỳ nan giải và tôi hy vọng đây sẽ là vấn đề trọng yếu trong công tác điều hành, quản lý ở nhiệm kỳ này của các lãnh đạo”, Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận