TS. Võ Trí Thành: Với RCEP doanh nghiệp Việt có thêm những lựa chọn về đối tác, thị trường
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ những lưu ý với doanh nghiệp khi nước ta tham gia RCEP.
TCCT: Thưa ông, với Hiệp định RCEP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận được những lợi ích nào?
Có thể kể mấy điểm sau:
Thứ nhất, đây là một hiệp định có quy mô rất lớn. Xét về lý thuyết và thực tiễn, khi sân chơi cho càng rộng, điều kiện tiếp cận thị trường rộng mở, thuận lợi hóa thương mại được quan tâm sẽ mang lại sự vận động các nguồn lực hiệu quả hơn.
Thứ hai, trước kia, với các Hiệp định ASEAN+1, nguyên tắc xuất xứ với mỗi một hiệp định ASEAN+1 có thể có những nguyên tắc xuất xứ khác nhau, điều kiện cộng gộp xuất xứ khác nhau. Nhưng với RCEP, điều kiện xuất xứ rộng mở hơn rất nhiều.
Thứ ba, khu vực Đông Á, Đông Bắc Á, ASEAN, Australia, New Zealand có một mạng sản xuất và chuỗi cung ứng năng động và phát triển nhất thế giới. Với quy mô rộng lớn, RCEP đem lại cơ hội phát triển hiệu quả hơn các mạng sản xuất, chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp nước ta có thêm cách chơi, lựa chọn đối tác, thị trường; chưa kể khu vực này còn kết nối với toàn cầu rất tốt. Điều đó đem lại cơ hội mới, lớn hơn cho doanh nghiệp.
Thứ tư, hiệp định RCEP cũng như nhiều FTA khác, đặc biệt là các FTA chất lượng cao CPTPP, EVFTA, Hiệp định RCEP cũng có những cái điều khoản liên quan đến thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, mua sắm Chính phủ, cạnh tranh.
Vì vậy, nó tác động tích cực đối với quá trình cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ví dụ ở Việt Nam, RCEP khi hoàn thiện chắc chắn đem lại những lợi ích cho doanh nghiệp, giúp giảm chi phí giao dịch.
Thứ năm, trước kia ASEAN đã như một thỏi nam châm hút đầu tư. Các nhà đầu tư tham gia vào khu vực này hưởng nhiều thuận lợi trong giao thương, trong kết nối với các thị trường bên ngoài nhờ các FTA mà các nước trong khu vực đã ký kết. Nay thêm RCEP, thỏi nam châm ngày càng tăng lực hút.
TCCT: Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng với RCEP, doanh nghiệp nước ta có nhiều lợi thế hơn do Trung Quốc, Hàn Quốc là những nguồn cung lớn về nguyên liệu về dệt may, da giày, linh kiện điện tử; Thái Lan, Hàn Quốc là nguồn cung linh kiện, phụ tùng ôtô?
Nhưng cũng phải nhấn mạnh mẽ là cơ hội không chỉ ở 4 ngành này, mà còn rất nhiều ngành khác, mang tính cạnh tranh quyết liệt hơn.
Một cái sân chơi rộng hơn, mình nghĩ ra trò chơi, mình nghĩ ra cơ hội thì các doanh nghiệp ở các nước thành viên cũng nghĩ ra như vậy.
Chưa kể trình độ phát triển của Việt Nam và một số nước hay một số mặt hàng mang tính tương đồng nên mức độ cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn.
Một cái nữa cần hết sức lưu ý, sân chơi rộng, vai trò, sức hút trung tâm của khu vực này đối với đầu tư trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, tầm nhìn không thể chỉ nhìn ngắn hạn hay dài hạn, mà quan trọng hơn, đối với những ngành này và các ngành khác cần lưu ý ở hai điểm:
Thứ nhất, Việt Nam bây giờ không chỉ nên tối đa hóa đầu tư nước ngoài, mà cần hướng tới thu hút FDI chất lượng.
Thứ hai, tất cả trò chơi trong khu vực này, Việt Nam cơ bản vẫn đang tận dụng nguồn đầu vào từ các nước khác, sản xuất những mặt hàng bán ra trong nội bộ khu vực RCEP, có thể là thị trường trong nước
Nhưng rất nhiều ngành của Việt Nam cơ bản hướng về xuất khẩu. Bên cạnh thị trường RCEP còn có các thị trường khác như EU, Bắc Mỹ...
Cho nên phải có cái nhìn rất tổng thể và chính cái chiến lược hội nhập của Việt Nam đã mang lại cái tổng thể ấy trong việc đem lại cơ hội cho doanh nghiệp.
Cho nên phải kết hợp để có cái nhìn tổng thể, nhìn theo các chuỗi giá trị, các chuỗi cung ứng từ A đến Z để có lựa chọn tối ưu cho kế hoạch phát triển của doanh nghiệp và đem lại lợi ích tốt nhất cho đất nước.
TCCT: Thưa ông, tiêu chuẩn của RCEP thấp hơn các FTA thế hệ mới khác mà Việt Nam đã tham gia, theo ông đó là cơ hội hay thách thức?
Nhìn chung RCEP chưa cao được như CPTPP và EVFTA, nhưng là một bước tiến quan trọng. Chúng ta phải hiểu rằng khu vực này, trình độ phát triển ở các nước rất khác nhau, không phải ngẫu nhiên hiệp định RCEP có tên gọi không mang dáng dấp phổ biến của một FTA (như Hiệp định thương mại tự do giữa….).
Bởi lẽ, bên cạnh cái chất tự do hóa, RCEP còn mở rộng thêm thuận lợi hóa và đặc biệt là hợp tác hóa, mang đậm tính chất hợp tác cho phát triển. Nên tên của nó nhấn mạnh đến hợp tác (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP)
Và như vậy, tầm quan trọng của Hiêp định nằm ở sự nhấn mạnh đến vấn đề hợp tác giữa các đối tác kinh tế.
Việt Nam bên cạnh các Hiệp định FTA còn là thành viên của nhiều Đối tác chiến lược; Đối tác toàn diện.
Cho nên chúng ta phải biết kết hợp ở cả tầm doanh nghiệp và Chính phủ, giữa việc thực thi hiệp định mang tình chất cam kết cao, mang tính chất pháp lý cao, tính chất thị trường cao, còn có vấn đề hợp tác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận