TS. Trần Khắc Tâm: 'Ước một không gian đủ rộng để doanh nhân thực hiện sứ mệnh của mình'
Chúng tôi chỉ ước có một hành lang pháp lý thông thoáng, mạnh mẽ và một không gian đủ rộng để doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện đúng sứ mệnh, trách nhiệm của mình TS. Trần Khắc Tâm chia sẻ.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10),TS. Trần Khắc Tâm, Chủ tịch HĐTV Công ty Trần Liên Hưng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI, đã chia sẻ về những triết lý kinh doanh, cũng như những kỳ vọng, mong ước của cộng đồng doanh nhân.
Là một doanh nhân, ông nhìn nhận thế nào về vai trò cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước?
Tháng 5/2019, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng nhận định sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, chỉ trong 2 năm đã cho thấy sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực này.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Trung ương 10 (tháng 5/2019), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đánh giá kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt. Người đứng đầu Đảng, Nhà nước còn lưu ý “đừng kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng”. Đồng thời, đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân.
Dẫn chứng như vậy để thấy rằng, chưa bao giờ kinh tế tư nhân lại được Đảng, Nhà nước quan tâm như bây giờ. Việc lần đầu tiên có một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân, theo tôi, là một dấu ấn lớn, là kết quả của quá trình thay đổi nhận thức, đột phá tư duy qua nhiều thời kỳ.
Từ chỗ bị kìm hãm, đến nay, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Để phát triển kinh tế tư nhân, đưa kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp đều có vai trò và trọng trách rất lớn lao.
Trách nhiệm của doanh nghiệp phải được thể hiện rõ qua các mặt như nộp thuế vào ngân sách, bảo vệ môi trường, đóng góp cho cộng đồng, bảo đảm an toàn và lợi ích cho người tiêu dùng và cả người lao động... Không chỉ là tạo ra công ăn việc làm, nuôi sống người lao động, đóng thuế cho ngân sách, trong mỗi thời điểm đất nước khó khăn, doanh nghiệp luôn sẵn sàng đồng hành, ủng hộ.
Ngay trong đại dịch COVID-19 vừa qua, khi MTTQ Việt Nam kêu gọi ủng hộ nguồn lực để chống dịch, rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ đã cùng chung tay đóng góp. Điều đó cho thấy họ luôn có trách nhiệm với xã hội, với đất nước.
Doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội không chỉ giúp họ kinh doanh tốt, tạo được lòng tin, mà còn có thể giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược liên quan đến kinh doanh và các vấn đề xã hội.
Vậy còn vai trò, vị thế của người doanh nhân trong thời đại mới, ông nghĩ sao?
Cuối năm 2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo và mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Bộ Chính trị khẳng định đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật, khuyến khích doanh nhân làm giàu cho mình và cho đất nước. Đó chính là những động lực để mỗi doanh nhân có thể đương đầu với khó khăn, thử thách, chèo lái con thuyền doanh nghiệp đi đến thành công, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Đội ngũ doanh nhân có vai trò, vị trí rất quan trọng, là đội quân chủ lực của quốc gia trong thời đại hội nhập, làm cho quốc phú, gia tăng vị thế quốc gia. Trong nước, họ tạo ra nhiều công ăn việc làm, bảo đảm đời sống và sự phát triển của người lao động, không ngừng gia tăng quy mô của nền kinh tế và thu nhập quốc dân. Khi hợp tác làm ăn với bên ngoài, doanh nhân là những sứ giả của đất nước, làm cho bên ngoài hiểu biết hơn, quan tâm hơn đến Việt Nam.
Thời nào cũng vậy, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân đều rất quan trọng. Nhìn ra thế giới có thể thấy không có quốc gia hay cường quốc kinh tế nào có thể phát triển mà thiếu vắng các doanh nghiệp, doanh nhân tài giỏi, bản lĩnh.
Doanh nhân nếu thiếu tinh thần kinh doanh, thiếu khát vọng sẽ không thể đưa doanh nghiệp tiến xa. Nhưng doanh nhân không thể chỉ biết kiếm tiền, mà cao hơn, mục tiêu chúng tôi hướng tới là tạo ra những thương hiệu, giá trị cho xã hội, cho cộng đồng và cho đất nước.
Đóng góp cho xã hội lớn như vậy, nhưng khi đứng từ góc độ của doanh nghiệp, doanh nhân, ông cũng như cộng đồng doanh nhân mong muốn, kỳ vọng điều gì từ Nhà nước?
Tôi rất ấn tượng với câu nói của Chủ tịch VCCI khi đó, rằng: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn, thì lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ chẳng có ích gì”.
Với chúng tôi, là doanh nhân, doanh nghiệp, chúng tôi không xin tiền mà chỉ xin cơ chế thông thoáng, thuận lợi để kinh doanh. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ tập trung tháo gỡ ngay các thủ tục phiền hà để rút ngắn thời gian thực hiện chính sách, đó mới là cứu cánh cho các doanh nghiệp.
Nếu nói về mong muốn hay kỳ vọng, thì quan trọng nhất vẫn nằm ở cơ chế, chính sách. Chúng tôi chỉ ước có một hành lang pháp lý thông thoáng, mạnh mẽ và một không gian đủ rộng để doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện đúng sứ mệnh, trách nhiệm của mình.
Trong những năm gần đây, các nghị quyết Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, cắt giảm điều kiện, thủ tục kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hay các kế hoạch hành động của chính quyền địa phương đã tạo thêm động lực, thổi luồng sinh mới vào tinh thần làm việc, cống hiến của doanh nhân, doanh nghiệp. Sự đồng hành của Chính phủ giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin và sức mạnh vào một chính quyền, Chính phủ phục vụ, luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Tôi tin rằng nếu các cơ quan, ban ngành, địa phương từ Trung ương xuống địa phương đều thực thi theo đúng tinh thần “kiến tạo”, “phục vụ”, sẽ tạo ra cú hích lớn, giúp các doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh và không ngừng phát triển.
Vì mọi quyết định, chiến lược đầu tư khó có thể thành công nếu thiếu sự quan tâm của chính quyền, sự thông thoáng, cởi mở từ các chính sách của Chính phủ. Trong một môi trường đầu tư thuận lợi, những doanh nghiệp, doanh nhân như chúng tôi không có lý gì không dốc sức cống hiến cho đất nước.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang gây tác động nặng nề đến mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế, theo ông, cần làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này?
Vấn đề lớn nhất các doanh nghiệp luôn hướng tới, đó là cải cách thể chế, tháo gỡ nút thắt, khơi thông thị trường... Chúng tôi kỳ vọng những nghị quyết của Chính phủ sớm được thực thi chứ không chỉ nằm trên giấy, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” sẽ sớm được chấm dứt, các điều kiện kinh doanh được cắt giảm thực chất chứ không phải “núp bóng” trong câu chữ nào đó.
Chỉ cần được tạo điều kiện những vấn đề đó, doanh nghiệp tự khắc sẽ có hướng đi để vượt qua khó khăn. Trước mắt, doanh nghiệp có thể sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” để tái cơ cấu sao cho phù hợp với giai đoạn mới, bối cảnh mới.
Thủ tướng nhiều lần từng nói “trong nguy có cơ”. Đại dịch COVID-19 khiến chúng ta tổn thất nặng nề, nhưng tôi nghĩ rằng nó cũng cho chúng ta cơ hội suy nghĩ, nhìn nhận lại về tương lai, cho ta cơ hội thay đổi để phát triển mạnh mẽ hơn.
Là doanh nhân, là người đứng đầu doanh nghiệp, đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp của một địa phương, ông hướng tới triết lý kinh doanh như thế nào?
Tôi nghĩ rằng, doanh nhân thời nào cũng vất vả. Không ai dám khẳng định mình là một doanh nhân thành đạt, vì chỉ cần thiếu tỉnh táo hay bản lĩnh một chút thôi, lằn ranh giữa thành công và phá sản rất mong manh.
Song tôi luôn quan niệm, phát triển bền vững là phát triển từ con người và vì con người, từ xã hội và vì xã hội. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải có triết lý kinh doanh nhân bản, lấy con người làm động lực và mục tiêu phát triển, không ngừng nỗ lực để hiện thực ý tưởng mới, chinh phục công nghệ mới, không ngừng nâng cao tay nghề và chất lượng cuộc sống của người lao động, làm ăn chân chính trong khuôn khổ pháp luật, bảo vệ môi trường và không ngừng sáng tạo.
Đặc biệt, doanh nghiệp phát triển nhưng phải có yếu tố bền vững, vì chỉ khi phát triển bền vững mới có thể tham gia vào cuộc chơi lớn của toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận