TS. Trần Du Lịch: “Không gì làm mất niềm tin bằng phá giá đồng tiền”
“Đừng để mất niềm tin. Không gì làm mất niềm tin bằng phá giá đồng tiền”, TS. Trần Du Lịch trao đổi với BizLIVE, trước diến biến mới của đồng Nhân dân tệ.
Cuối tuần qua, một lần nữa diễn biến của đồng Nhân dân tệ (CNY) trong cặp tỷ giá với đồng đô la Mỹ (USD) được chú ý. Một phần nó gợi nhớ lại đúng một năm trước, mức độ phá giá kỷ lục của CNY từng khiến thế giới chao đảo, và Việt Nam với cặp tỷ giá USD/VND cũng biến động mạnh khi đó.
Sau khi ổn định nhiều tháng cuối 2018 đến hết quý 1/2019 với 1 USD đổi quanh 6,72 CNY, thì cuối tháng 4 vừa qua đồng CNY bắt đầu có đợt mất giá mới và mạnh. Biểu hiện phá giá đồng CNY tiếp tục thể hiện, chốt tuần qua phải cần tới gần 6,92 CNY để đổi 1 USD.
Biến động trên thể hiện tức thì và bám sát chuyển động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi bất đồng và các quyết định đánh thuế lần lượt đưa ra thêm từ hai bên.
Với Việt Nam thì sao, ứng xử thế nào khi diễn biến một năm trước đối với tỷ giá USD/VND vẫn còn tươi mới?
KHÔNG CHỈ NHÌN VÀO TỶ GIÁ ĐỂ XỬ LÝ VẤN ĐỀ NGOẠI THƯƠNG
Trò chuyện với BizLIVE cuối tuần qua, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói:
“Bối cảnh quốc tế và thị trường bên ngoài, các yếu tố tác động bên ngoài ngày đang phức tạp. Nói gì thì nói, hiện nay người ta lo ngại cái gì, lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Trung Quốc phá giá đồng tiền, trước nữa thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có giai đoạn liên tục tăng lãi suất. Năm nay FED cho thấy đã tạm ngừng, và cái này tốt rồi.
Còn cái chuyện phá giá đồng Nhân dân tệ thì mức độ thôi, chắc nó không xẩy ra quá lớn”.
Nhưng với diễn biến mới của đồng Nhân dân tệ, trong các dòng chảy thông tin hiện nay nó bắt đầu có biểu hiện quan ngại khi gắn với ứng xử của Việt Nam, thưa ông.
Đúng là vấn đề này ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, nhưng quan điểm của tôi thì chúng ta không vì cái việc phá giá đồng Nhân dân tệ mà phá giá đồng Việt Nam. Chúng ta dùng các biện pháp khác chứ không bằng tỷ giá để kiểm soát vấn đề ngoại thương.
Tôi nói lại là bằng các biện pháp khác chứ không phải bằng tỷ giá để xử lý các vấn đề ngoại thương. Bởi vì Việt Nam đã phấn đấu để duy trì được niềm tin của người gửi tiền, niềm tin vào VND, tạo lập và giữ được như hiện nay là quá tốt.
Đừng để mất niềm tin. Không gì làm mất niềm tin bằng phá giá đồng tiền. Mà chưa kể đối với Việt Nam, phá giá đồng tiền nó có hai hậu quả lớn: đầu tiên là tăng nợ, mà hiện nay nợ quốc gia đã ở mức cao, đùng một cái sẽ tăng lên trên bảng cân đối; thứ hai, khi mà phá giá đồng tiền thì khuyến khích dòng vốn đi ra chứ không phải đi vào, mà chúng ta đang thu hút vào.
Thành ra tôi nói, trong mọi tình huống đối với đồng Nhân dân tệ, để xử lý vấn đề ngoại thương thì nên dùng các biện pháp khác chứ không chỉ nhìn vào biện pháp tỷ giá và không neo VND vào đồng Nhân dân tệ. Quan điểm của tôi là vậy.
Diễn biến cặp tỷ giá USD/CNY trong một tháng gần đây.
Vậy để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu thì chi phí lãi vay và tăng trưởng tín dụng cũng là những biện pháp liên quan. Ông nhìn nhận thế nào về những điểm này?
Dù sao thì hai năm gần đây cũng đã kiềm chế được lãi suất cho vay, dù vẫn ở mức cao. Ví dụ lãi suất cho vay VND ngắn hạn ở 6 - 7%/năm, trung dài hạn 9 - 11%/năm, nhưng so với lạm phát dưới 4% là cao.
Nhưng mà với điều kiện cung cầu về nguồn vốn hiện nay, như năm nay dùy trì được vậy là chấp nhận được. Còn trong trung hạn phải tính toán một trong những cái phải làm được để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh là giảm lãi suất.
Chúng ta cũng phải nhìn vào thực tế, tình trạng của ta hiện nay là người dân gửi tiền vào ngân hàng như một kênh để kiếm lãi. Đấy là cái rất khó cho vấn đề kinh doanh. Người ta thấy gửi ngân hàng tốt hơn là đi đầu tư, cái đó nó ảnh hưởng đến đầu tư trong nền kinh tế và tác dụng ngược…
TĂNG TỰ CHỦ CHO NGÂN HÀNG TỐT, LÀNH MẠNH
Còn với chính sách tín dụng, hai năm gần đây và hiện nay Ngân hàng Nhà nước có định hướng siết lại?
Theo tôi, chính sách tín dụng hay chính sách tiền tệ thì cần phải nhìn cả quá trình chứ không phải hiện nay. Cần nhìn lại quá trình điều hành chính sách tín dụng để thoát cho được tình trạng nguy cơ đổ vỡ 2011 - 2013, khi mà nợ xấu có lúc lên tới 17-18% tổng dư nợ, nguy cơ một số tổ chức tín dụng mất thanh khoản.
Phải nói là đây là một giai đoạn điều hành chính sách tín dụng khá đặc thù, nói nôm na là vai trò can thiệp của nhà nước rất mạnh, để tránh đổ vỡ, thậm chí tôi còn gọi là nhà nước bảo đảm cho người gửi tiền, để tạo trấn an. Đó là một điểm rất quan trọng để người ta không tạo ra hiệu ứng rút tiền, rất đặc biệt. Hệ thống các tổ chức tín dụng giống như một bức tường xếp lên mà rút một vài viên gạch thì nó có thể đổ.
Đấy là quá trình tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại giai đoạn 2011 - 2015, trong đó có nhiều mục tiêu, mà mục tiêu quan trọng là xử lý nợ xấu, thanh khoản và kiểm soát được tín dụng mà có những giai đoạn không kiểm soát nó mà tạo nên bong bóng nọ, bong bóng kia.
Tới giai đoạn 2016 đến giờ thì đã có những thành tựu đạt được. Nguy cơ đổ vỡ thanh khoản đã vượt qua. Thứ hai, từ ngày lập VAMC và sau này có Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, thì đến nay theo tôi biết đã có 800.000 - 900.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý.
Cho đến thời điểm này, nợ xấu nội bảng của các ngân hàng theo báo cáo là dưới 2%. Nếu tính nợ bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu thì con số này hơn 5%. Rõ ràng quá trình này phải tiếp tục.
Trong giai đoạn vừa qua, có vấn đề nữa là sở hữu chéo cũng được xử lý. Rồi mục tiêu hướng tới là Basel 2, một số ngân hàng đã đạt được tiêu chuẩn này trước thời hạn dù sau nhiều lần trì hoãn và thúc ép việc tăng vốn chủ sở hữu lên, thúc ép sáp nhập hợp nhất để cơ cấu lại.
Quá trình này Ngân hàng Nhà nước can thiệp khá mạnh, trong đó có trần lãi suất huy động, quota cho vay. Nói nôm nay, xét về hình thức thì những biện pháp hành chính như vậy trái với tính thị trường, nhưng không thể không làm, nhất là trong tình hình đó.
Và một thành công rất đáng kể, chúng ta thấy giai đoạn trước đây để kinh tế tăng trưởng 6 - 7% thì năm đó phải có 23 - 24 - 25% tăng trưởng tín dụng, thậm chí trên 50% như năm 2007. Nhưng những năm gần đây, như năm 2018 tăng trưởng kinh tế trên 7% nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ 14%. Chứng tỏ hiệu quả, chất lượng tín dụng đã tốt hơn. Dĩ nhiên ở đây còn có vai trò của thị trường vốn phát triển nữa.
Còn với điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, theo ông có những điểm gì cần chú ý?
Đến nay, tôi thấy rằng đến lúc xem xét giảm dần các biện pháp hành chính, tăng tính thị trường.
Ví dụ như nói ở trên, một số ngân hàn thương mại đã tốt lên rồi thì chúng ta tính tới việc để họ tự chủ hơn về huy động và cho vay, Ngân hàng Nhà nước dùng các công cụ gián tiếp.
Hiện nay công cụ gián tiếp có dùng nhưng không nhiều, như điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn… Tôi nghĩ đến lúc chúng ta tính toán sử dụng thêm những công cụ gián tiếp, bớt đi giải pháp hành chính trong giai đoạn sắp tới.
Và làm sao thúc đẩy những ngân hàng thương mại cổ phần lành mạnh và tốt tăng tính tự chủ hơn, và ngược lại anh làm không tốt thì tôi kiểm soát anh kỹ hơn. Anh đang tốt, tôi cho anh tự chủ, thị trường hơn. Còn anh kém, tôi kiểm soát anh kỹ và anh phải phấn đấu để tốt lên.
Tôi thấy Ngân hàng Nhà nước cũng đang hướng theo như vậy.
Gút lại, nhìn lại cả quá trình những cái Ngân hàng Nhà nước làm được và những cái không được thì ta đặt trong bối cảnh liên tục xử lý các vấn đề từ 2011 - 2012 đến giờ chứ không phải cắt ra một thời điểm được. Nếu nhìn như vậy thì cơ bản việc điều hành chính sách tiền tệ thành công.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận