TS Trần Đình Thiên: Ngoài hỗ trợ doanh nghiệp cần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
Thực lực của các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là SME còn yếu. Do đó, theo TS Trần Đình Thiên, ngoài hỗ trợ doanh nghiệp, cần thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Chính phủ, Nhà nước phải là “người mua hàng lớn nhất” đối với các sản phẩm “made in Việt Nam”
Tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, các chuyên gia nhận định cứu trợ doanh nghiệp là việc cần làm; đồng thời, đẩy mạnh gia tăng sức sống cho doanh nghiệp. Ngoài cơ chế hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của Covid-19, cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh hơn, không chỉ tái cơ cấu thị trường đầu vào, đầu tư mà cả lao động, tăng sức chống chịu của nền kinh tế.
Bình luận về vấn đề này, theo TS Trần Đình Thiên, thực lực của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Do đó, “không chỉ cứu cái cũ mà còn cần tạo cả cái mới”, tức là bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Trong tình thế khó khăn này, cần tính tới các biện pháp xử lý nợ xấu. Theo vị chuyên gia, Chính phủ, Nhà nước phải là “người mua hàng lớn nhất” đối với các sản phẩm “made in Việt Nam”.
Còn TS. Võ Trí Thành cho rằng cần phải thực hiện thật nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành gồm gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài chính hơn 180.000 tỷ đồng…
Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch nhìn nhận, việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, cần đẩy mạnh hơn. Các gói chính sách phải mang tính dài hạn bởi có dự báo một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động phải sang quý III/2020 mới “thấm đòn” do đứt gãy các hợp đồng.
Việt Nam không đi sau trong việc thu hút FDI
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần “Đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong khu vực và quốc tế nhằm mục tiêu thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đặc biệt là không để đi sau thu hút nguồn dịch chuyển đầu tư khu vực quốc tế, đang có sự dịch chuyển lớn trên toàn cầu”.
“Chúng tôi cho rằng nếu bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn vốn xã hội, nguồn vốn FDI khu vực và toàn cầu trong lúc dịch chuyển các dòng vốn thì là khuyết điểm, sai lầm lớn”, Thủ tướng nói.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho rằng, cần làm mạnh mẽ hơn và nhắc lại yêu cầu cần họp giao ban nửa tháng một lần, đi kiểm tra trực tiếp, điều chuyển vốn của những đơn vị, địa phương không giải ngân được sang các công trình khác. “Lần này phải làm cương quyết”, không để tình trạng chậm trễ như vừa qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận