TS. Nguyễn Đức Độ: Chấp nhận đánh đổi lợi ích với lãi suất USD 0%
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), việc giữ trần lãi suất tiền gửi USD mức 0% trong ngắn hạn có thể khiến việc điều hành tỷ giá gặp khó, song đổi lại sẽ giữ được ổn định trong trung hạn.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, đến nay sau 9 năm thực thi chính sách áp dụng 0% đối với tiền gửi bằng USD, đã có nhiều đề xuất với NHNN về việc cần nâng trần lãi suất tiền gửi bằng USD. Tuy nhiên, trong cuộc họp gần đây nhất vào hôm 17-7, phía NHNN cũng chưa đồng ý thay đổi chính sách này. Theo ông đâu là lý do chính khiến cơ quan này còn băn khoăn chưa tính nâng lại trần lãi suất tiền gửi?
TS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ: - Nếu NHNN nâng trần lãi suất tiền gửi bằng USD, hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ sẽ có thêm cơ hội phát triển, đồng thời một số doanh nghiệp sẽ được vay tín dụng với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với mức lãi suất cho vay bằng VNĐ hiện nay. Tuy nhiên, khi đó tình trạng găm giữ USD của người dân và doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên, và lãi suất huy động cũng như cho vay VNĐ sẽ càng khó giảm hơn.
Ngược lại, nếu NHNN vẫn kiên trì với chính sách trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%, nhưng đồng thời đảm bảo sự ổn định của tỷ giá VNĐ/USD, thì nhiều người nắm giữ USD sẽ nản lòng, lượng USD găm giữ trong nền kinh tế sẽ giảm dần (điều này đang diễn ra), từ đó người dân và doanh nghiệp sẽ chuyển sang nắm giữ VNĐ nhiều hơn, với kỳ hạn dài hơn để gửi vào các ngân hàng thương mại (NHTM), tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất huy động và cho vay bằng VNĐ.
Khi lãi suất cho vay VNĐ giảm về mức hợp lý, tín dụng bằng VNĐ sẽ tăng và nhu cầu vay bằng ngoại tệ cũng sẽ giảm theo.
- Nhưng cũng có ý kiến lo ngại việc áp dụng chính sách trần lãi suất 0% đối với tiền gửi bằng USD, là nguyên nhân khiến lượng ngoại tệ chảy ra bên ngoài, nhất là khi Fed tăng lãi suất trong năm qua. Quan điểm của ông như thế nào?
- Chính sách áp dụng trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0% chủ yếu liên quan đến tình trạng găm giữ ngoại tệ và đầu vào của các NHTM. Trong khi đó, lượng tiền các NHTM gửi ra nước ngoài có lẽ chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố liên quan đến đầu ra.
Giả sử, lãi suất tiền gửi USD được nâng lên và lượng ngoại tệ chảy vào các NHTM nhiều hơn. Nếu vì nguyên nhân nào đó các NHTM không thể tăng cho vay bằng ngoại tệ, hay không thể bán lượng ngoại tệ này để lấy VNĐ, thì lượng tiền gửi ra nước ngoài có thể sẽ tăng lên chứ không giảm đi.
- Như vậy có nghĩa NHNN không có nhiều lý do để tăng lãi suất tiền gửi bằng USD trong thời gian tới?
- Tôi cũng đồng ý quan điểm này của NHNN. Bởi mục tiêu dài hạn của NHNN vẫn là làm nản lòng những người đang nắm giữ ngoại tệ bằng chính sách ổn định tỷ giá và lãi suất USD 0%. Điều này cũng triệt tiêu tình trạng “đô la hóa” lâu nay vẫn đang áp dụng. Tất nhiên, chính sách này cần có thời gian để phát huy hiệu quả, nhưng có lẽ NHNN sẽ không vì thế mà đưa ra các chính sách làm cho tình trạng “đô la hóa” gia tăng.
Nhìn lại quá khứ khoảng chục năm trước, từng có thời kỳ trong nền kinh tế tồn tại một lượng lớn USD được người dân và doanh nghiệp găm giữ, điều này gây lãng phí khi không thể đưa được lượng tiền này vào sản xuất kinh doanh. Nhưng thời điểm khi ấy, NHNN cũng chỉ muốn đưa lượng USD hiện có vào lưu thông, chứ không muốn lượng USD mà người dân và doanh nghiệp găm giữ ngày càng gia tăng.
Bởi vậy, khi ấy NHNN đã áp dụng chính sách chỉ mở đầu ra cho các NHTM, tức là chỉ cho phép hoạt động tín dụng ngoại tệ ở mức hạn chế nhằm tận dụng số USD hiện có trong nền kinh tế, nhưng không mở đầu vào, tức là không khuyến khích người dân và doanh nghiệp găm giữ thêm USD bằng cách giữ nguyên trần lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ ở mức 0%.
Ở đây có thể thấy có một sự đánh đổi giữa những lợi ích trong ngắn hạn với những lợi ích trong trung, dài hạn. NHNN muốn thực thi một chính sách linh hoạt trong ngắn hạn, nhưng vẫn giữ được tính nhất quán trong dài hạn với mục tiêu cuối cùng là chống “đô la hóa” trong nền kinh tế.
Và mục tiêu cuối cùng của NHNN là khi người dân nắm giữ USD ít đi, họ sẽ nắm giữ VNĐ nhiều hơn, tạo điều kiện cho hạ lãi suất huy động và cho vay bằng VNĐ. Lúc đó, nhu cầu vay USD sẽ yếu đi và NHNN sẽ quay trở lại chính sách cấm hoạt động tín dụng bằng ngoại tệ.
- Với lãi suất tiền gửi bằng USD vẫn 0%, vậy theo ông cần phải có thêm những giải pháp gì để tiếp tục duy trì và thực hiện chủ trương này nhưng cũng tận dụng được nguồn lực bằng USD trong nền kinh tế?
- Việc người dân và doanh nghiệp vẫn tiếp tục nắm giữ USD có lẽ chủ yếu do các động cơ phi lợi nhuận. Chẳng hạn như các doanh nghiệp xuất khẩu có nhu cầu giữ USD để thanh toán nguyên vật liệu nhập khẩu hay trả nợ. Một số tài sản có độ minh bạch không cao cũng có thể được cất giữ bằng USD. Tất nhiên, việc nắm giữ USD cũng có thể do thói quen hoặc do niềm tin vào VND chưa cao.
Tuy nhiên, nếu trong 10 năm tới NHNN vẫn tiếp tục kiểm soát tốt được lạm phát và tỷ giá như trong 10 năm qua, niềm tin vào VND sẽ tăng lên và tình trạng đô la hóa sẽ tiếp tục giảm, khi nhiều người thấy rằng việc nắm giữ USD với lãi suất 0% không đem lại lợi nhuận như các tài sản khác. Niềm tin vào VND sẽ được cũng cố mạnh mẽ hơn, nếu NHNN đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn về kiểm soát lạm phát hay tỷ giá theo mục tiêu.
Cũng cần khẳng định rằng, việc huy động nguồn lực tài chính, trong đó có USD, không nên chỉ dựa vào các chính sách của NHNN. Việc cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng mới là các giải pháp căn cơ để người dân không cất giữ tiền mà đưa vào sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, việc phát triển các thị trường vốn như trái phiếu, cổ phiếu cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm đô la hóa nền kinh tế.
- Xin cảm ơn ông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận