TS Nguyễn Đình Cung: ‘Vốn cho doanh nghiệp đang khô cạn’
Hơn 83% số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và cực kỳ khát tín dụng.
Tuần Việt Nam trao đổi với TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tiếp cận tín dụng cực kỳ khó khăn
Thưa ông, gần đây doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đều than về khó khăn trong kinh doanh. Là người gắn bó với cộng đồng này, ông nhìn nhận ra sao về thực tế này?
TS Nguyễn Đình Cung: Vốn cho doanh nghiệp đang khô cạn, hoạt động sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn.
Kết quả khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đến cuối tháng 2/2023 cho thấy 83% số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Trong đó, các khó khăn chủ yếu bao gồm lãi suất cao và biến động tỷ giá mạnh, thị trường bị thu hẹp, khó tiếp cận vốn, thủ tục vay vốn phức tạp, mất nhiều thời gian, hàng tồn kho nhiều, giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí nhân công tăng.
Trước những khó khăn nói trên, doanh nghiệp đang kinh doanh cầm chừng, tái cấu trúc ngành nghề kinh doanh, cố duy trì ở mức có thể nhất để hy vọng vượt qua. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ huỷ bỏ các kế hoạch đầu tư mới hay mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ý ông là tiếp cận tín dụng đang là khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp?
Thực tế cho thấy nền kinh tế nước ta, nhất là hệ thống doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu dựa vào cung cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Nhiều năm nay, ngân hàng nhà nước đã kiểm soát trần tín dụng của nền kinh tế và của từng tổ chức tín dụng để kiểm soát lạm phát. Do yêu cầu vốn ngày càng gia tăng và không thể đáp ứng được bằng tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, đã phải tìm cửa khác bằng phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Năm 2022, khi thị trường trái phiếu bị đứt gãy, tín dụng khô cạn, hàng loạt các doanh nghiệp có liên quan đã mất thanh khoản. Họ không thanh toán được các khoản nợ đến hạn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. Tuy vậy, trước sức ép lạm phát gia tăng, Chính phủ không thể mở rộng thêm tín dụng vượt quá 15%.
Thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn giảm sâu, chưa phục hồi; thị trường trái phiếu đứt gãy và khô cạn; vì thế tín dụng ngân hàng là nguồn vốn duy nhất cho các doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay.
Nhưng, như tôi đã nói, tín dụng cũng bị khống chế, nên tiếp cận tín dụng đang cực kỳ khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất, dù lãi suất cho vay đã ở mức rất cao.
Nhu cầu tín dụng cao nhưng cung tín dụng hạn chế. Do đó, các ngân hàng đã yêu cầu doanh nghiệp phải mua thêm bảo hiểm khi vay vốn làm cho chi phí vốn đã cao, lại còn tăng thêm; doanh nghiệp đã khó khăn lại còn khó khăn hơn trong sản xuất kinh doanh.
Tóm lại, tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp đang hết sức khó khăn; nguồn vốn khan hiếm, chi phí cao; tiếp cận vốn đối với không ít doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp sản xuất, gần như là không thể.
Khơi thông lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ông nhận xét thế nào về các kênh vốn như trái phiếu và chứng khoán đối với họ?
Như tôi đã nói, có điều kỳ lạ là biến động của thị trường tài chính, nhất là thị trường chứng khoán, là lệch pha với số liệu thống kê nền kinh tế thực.
Năm 2022 được coi là một năm thành công của kinh tế Việt Nam với tăng trưởng cao, lạm phát thấp, vậy mà thị trường chứng khoán biến động và suy giảm mạnh; từ đỉnh cao đầu năm với khoảng 1.520 điểm đã “rơi” xuống vực sâu giữa tháng 11/2022 còn hơn 900 điểm.
Kết quả là, năm 2022 thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm, mất khoảng 34%; tức hơn 1/3 vốn hoá thị trường. Phần lớn công ty niêm yết đã bị giảm giá trị vốn hoá, hàng triệu nhà đầu tư thua lỗ, mất khoản thu nhập lớn.
Diễn biến hai tháng đầu năm 2023 cho thấy thị trường vẫn còn dao động mạnh. Hiện thị trường dao động khoảng trên 1000 điểm và chưa có dấu hiệu phục hồi vững chắc.
Thị trường trái phiếu phát triển nhanh chóng giai đoạn 2017 - 2021 với lượng phát hành tăng liên tục hàng năm; đạt đỉnh vào năm 2021. Sang năm 2022, thị trường suy giảm mạnh với lượng phát hành chỉ bằng 39% lượng phát hành năm 2022 (giảm 61%).
Đáng lưu ý, kể từ tháng 11/2022 lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới, phát hành riêng lẻ gần như không có. Trái phiếu doanh nghiệp như một kênh huy động vốn đã bị đứt gãy và không thể tiếp tục sử dụng; người đầu tư mất niềm tin; thị trường mất thanh khoản nghiêm trọng.
Điều đáng lưu ý, số trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 là khá cao, gần 303 nghìn tỷ đồng, tương đương 12,6 tỷ đô la Mỹ. Tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong 2023 - 2025 khoảng 697 nghìn tỷ đồng, tương đương 29 tỷ đô la Mỹ.
Trong bối cảnh, thị trường chứng khoán đóng băng, khô cạn thanh khoản; tín dụng ngân hàng bị khống chế và khó tiếp cận; phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp cũng không khả thi, thì việc hoàn thành nghĩa vụ trả các khoản nợ nói trên đúng hạn đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản là thách thức khó vượt qua.
Khó khăn của một số doanh nghiệp bất động sản sẽ có nguy cơ tác động dây chuyền đến hệ thống tài chính, nhất là các ngân hàng thương mại có liên quan.
Cần phải khơi thông lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tránh rủi ro đối với thị trường tài chính và giảm áp lực đối với phát triển kinh tế xã hội năm nay và các năm tiếp theo.
Cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc
Ông nhận xét ra sao về môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp hiện nay. Có vẻ những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh đang trùng xuống?
Về môi trường kinh doanh, chúng ta thiếu chương trình hay kế hoạch riêng về cải thiện môi trường kinh doanh mà lồng ghép vào các hoạt động, chương trình khác.
Trong khi đó, đây là giai đoạn cần cải cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ nhất để phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ngay trong chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, các nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh là quá sơ sài và hình thức.
Chúng ta đang thiếu chương trình cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: Hoàng Hà
Trên thực tế, chúng ta lại chứng kiến hàng ngày các sự việc và hiện tượng làm xấu đi chất lượng môi trường kinh doanh. Đó là, các văn bản pháp luật đang soạn thảo hoặc ban hành trong mấy năm gần đây đã phục hồi lại không ít rào cản đã được bãi bỏ trước đây, hoặc dễ dàng đặt ra các quy định tạo rào cản mới theo hướng gây thêm khó khăn và tăng thêm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, cần phải thay đổi thực trạng trên để lấy lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp.
Ông nhìn nhận ra sao về những đứt gãy hiện nay trong nền kinh tế? Tác động của nó đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh là gì?
Nền kinh tế đang chứng kiến những điều rất kỳ lạ.
Sự sụt giảm nhanh và mạnh nhất thế giới của thị trường chứng khoán. Sự đứt gãy và mất thanh khoản nghiêm trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Sự đứt gãy nghiêm trọng và kéo dài chưa từng có của thị trường xăng dầu.
Bên cạnh đó, sự đứt gãy kéo dài về cung cấp thiết bị và vật tư y tế làm giảm sút nghiêm trọng số lượng và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đối với người dân. Cuộc khủng hoảng dịch vụ kiểm định xe cơ giới và nhiều sự việc tương tự khác ở các địa phương.
Điều đáng nói, cách ứng xử và xử lý vấn đề của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Lẽ ra các cơ quan này cần phối hợp với nhau và tránh tình trạng không có cơ quan và cá nhân nào chịu trách nhiệm. Các cơ quan nhà nước phản ứng rất chậm trễ trước những quy định pháp luật quá bất hợp lý, không thể áp dụng trong nhiều công việc quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Cần nỗ lực để tạo ra bước ngoặt cho phát triển
Nhìn về dài hạn, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ như thế nào trên nền tảng đó?
Tăng trưởng kinh tế nước ta đang suy giảm nhanh chóng, cứ 10 năm tăng trưởng GDP trung bình sụt giảm hơn 0,5 điểm phần trăm. Như vậy, thời gian tăng trưởng cao là quá ngắn, không đủ để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Tăng trưởng tín dụng và GDP giai đoạn 2016-2023 (dự kiến)
Mười năm lần thứ nhất (1991-2000) tốc độ tăng GDP bình quân là 7,56%; 10 năm lần thứ hai (2001-2010) là 6,61%; 10 năm lần thứ 3 (2011-2020) đạt 6%; và hiện nay 3 năm đầu của 10 năm lần thứ tư dự kiến chỉ đạt 5,6%. Nếu muốn đạt mục tiêu nhiệm kỳ trung bình 7%, năm 2024 và 2025 phải đạt trung bình 9%/năm. Đó là nhiệm vụ rất cao tại thời điểm hiện nay.
Hiện nay, GDP/người của Việt Nam khoảng hơn 4000 đô la Mỹ, nằm trong số các nước có thu nhập trung bình thấp. Điều đáng nói, kết quả đó đạt được một phần không nhỏ nhờ vào hai đợt điều chỉnh quy mô GDP (đợt 1 năm 2011 điều chỉnh tăng hơn 9%, và đợt 2 năm 2020 điều chỉnh tăng 25%).
Như vậy, trong một thập kỷ (2011-2020) GDP của Việt Nam điều chỉnh 2 lần, và tăng thêm 34%. Nếu không có điều chỉnh nói trên, GDP/người hiện chỉ có khoảng 2700 đô la/người mà thôi.
Nhìn dài hạn và ngắn hạn trước mắt, nền kinh tế đang có xu hướng suy giảm. Với xu thế suy giảm như trình bày trên đây, mục tiêu chiến lược đến năm 2030 - 2045 là một thách thức rất lớn. Tôi cho rằng, cần phải có rất nhiều nỗ lực để tạo ra bước ngoặt để đảo chiều xu thế nói trên!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận