TS. Lê Đăng Doanh: “EVFTA, EVIPA không phải mâm cỗ bày sẵn”
Trao đổi với Dân Việt, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, việc Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua các Hiệp định EVFTA, EVIPA mới chỉ là bước đầu. Các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để tận dụng được các lợi ích từ Hiệp định.
Khoảng hơn 18h chiều ngày hôm qua (12/2), Nghị viện châu Âu chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Kết quả bỏ phiếu, có 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng.
Ngay sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn các hiệp định, vào lúc 18h30, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trực tiếp chủ trì cuộc họp báo thông tin chính thức về sự kiện trên. Theo tư lệnh ngành Công Thương, các Hiệp định thương mại sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu, là tiền đề cho bước ngoặt của nền kinh tế trong năm 2020.
Nhân sự kiện trên, nhằm có góc nhìn đa chiều hơn, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
Thưa ông,như đã biết, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua 2 Hiệp định rất quan trọng là EVFTA và EVIPA, ông đánh giá sự kiện này sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào?
Đó là một tin vui và rất đáng mừng với Việt Nam, đặc biệt, tôi xin lưu ý là trong khi các Hiệp định được thông qua với Việt Nam, liên minh châu Âu lại đang cắt giảm các ưu đãi với Campuchia. Nguyên nhân là do theo đánh giá của Liên minh châu Âu, Campuchia đang có những vi phạm về nhân quyền,…
Đối với Việt Nam, trước mắt sẽ giảm ngay thuế quan 77% các loại hàng hóa. Sau đó sẽ giảm tới 99% các loại hàng hóa. Về phía Việt Nam cũng sẽ mở cửa thị trường, các sản phẩm của châu Âu được giảm thuế quan từng bước từ ô tô, rượu vang,…
Điều này sẽ có đóng góp tích cực với nền kinh tế, tôi hy vọng trong thời gian tới đây, Quốc Hội sẽ sớm thông qua các Hiệp định này để sớm triển khai. Qua đó, thúc đẩy xuất khẩu, tăng thêm cơ hội việc làm, thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong thời gian hoàn thiện tất cả các thủ tục cho đến khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, ông đánh giá các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cần phải làm gì?
Khi các Hiệp định được thực thi sẽ đặt ra yêu cầu rất cao với Việt Nam, từ điều kiện lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, sở hữu trí tuệ, công khai minh bạch, chống tham nhũng,… Chúng ta đã có một Hiệp định với những cam kết cao nhất từ trước đến nay.
Đây là tín hiệu rất quan trọng với Việt Nam. Về phía các doanh nghiệp, trong thời gian này, cần nghiên cứu kỹ các điều kiện của thị trường châu Âu. Đặc biệt, trong đó là những điều kiện về xuất khẩu.
Theo tôi, hiện tại, các doanh nghiệp cần cố gắng tham gia vào chuỗi giá trị của một tập đoàn, doanh nghiệp lớn, ký kết hợp đồng hợp tác lâu dài với các đối tác liên minh châu Âu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng các chương trình hành động đề mời các đối tác đến. Nâng cấp các công nghệ và quản trị để đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp đến từ Liên minh châu Âu.
Tôi xin nhấn mạnh, đây (Hiệp định EVFTA, EVIPA) không phải một quá trình dễ dàng, cũng không phải một mâm cỗ mà người ta đã bày sẵn ra mình chỉ việc ăn đâu. Chúng ta cần cố gắng nỗ lực, đáp ứng được các yêu cầu, thực hiện tốt các điều kiện mà chúng ta cam kết.
Trong thời gian vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự quan tâm đúng mức đến các lợi ích từ các Hiệp định thương mại? Ngoài ra, một số ý kiến phản ánh các văn bản về tiêu chuẩn, quy định có từ ngữ rất khó hiểu, nhiều thuật ngữ ít gặp khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, vậy ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?
Để doanh nghiệp có sự quan tâm đúng mức đến các Hiệp định, theo tôi các hiệp hội cần tổ chức các lớp tập huấn. Cụ thể, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có Trung tâm WTO nắm vững về các tổ chức thương mại quốc tế.
Tôi nghĩ doanh nghiệp không nhất thiết phải có hiểu biết chi tiết về mọi vấn đề. Những vấn đề gì doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện phải được trình bày, hướng dẫn một cách rõ ràng. Trong đó, Bộ Công Thương và VCCI phải đi đầu về lĩnh vực này.
Đặc biệt, đối với những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ,… Ngay từ bây giờ, các hiệp hội phải tổ chức, vào cuộc để doanh nghiệp phát huy thế mạnh ngay khi các Hiệp định có hiệu lực.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận