24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trung Thành
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

TS.Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech: Lợi nhuận lớn nhất là làm chủ khoa học

Với doanh nhân-TS. Đỗ Tuấn Đạt lợi nhuận lớn nhất là những thành tựu khoa học mà ông và các cộng sự đạt được trong suốt chặng đường chinh phục các đỉnh cao mới của nền khoa học nước nhà.

Nghiên cứu vắc-xin Covid-19 và những cảm xúc khó quên

Gọi ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) là một doanh nhân hoàn toàn đúng, vì ông là người đứng đầu một doanh nghiệp. Thế nhưng, không giống như nhiều doanh nhân khác, những món “lợi nhuận” mà ông Đạt luôn trăn trở suy nghĩ không đo đếm bằng tiền, mà đo đếm bằng công trình nghiên cứu, bằng những bước tiến của nền y khoa Việt Nam. Ông và các cộng sự luôn mang trong mình khát khao tiếp tục đưa nền khoa học vắc-xin nước nhà vươn tới những thành tựu mới.

Những ngày giáp Tết Tân Sửu, tôi có dịp gặp doanh nhân, TS. Đỗ Tuấn Đạt. Chúng tôi chuyện trò khá sôi nổi và đề tài cuốn hút nhất là câu chuyện về vắc-xin Covid-19 mà Vabiotech đang nghiên cứu sản xuất.

Ông Đạt kể, đến tận bây giờ, ông vẫn không thể quên cảm xúc đặc biệt khi đội ngũ Vabiotech bắt đầu nghiên cứu vắc-xin Covid-19. “Chúng tôi chưa bao giờ phải lo lắng cho đồng nghiệp nhiều như vậy, bởi đã quyết định đưa các thành viên trong nhóm nghiên cứu đang học tập tại Anh về nước đúng thời kỳ cao điểm dịch bùng phát để kịp bắt tay ngay vào việc nghiên cứu vắc-xin Covid-19”, ông Đạt nói.

Thời điểm đó, đội ngũ Vabiotech từ Anh dự định trở về bằng máy bay của Thai Airway, nhưng khi ra đến sân bay mới “ngã ngửa” khi biết Thái Lan đã có “lệnh” yêu cầu các hành khách lên máy bay phải có chứng nhận âm tính với Covid-19. Những nhà khoa học của Vabiotech khi đó rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không thể kịp quay trở lại thành phố để xin xác nhận. Hơn nữa, để lo đủ giấy tờ, thì cũng mất không ít thời gian, ảnh hưởng tới chất lượng các mẫu vật phẩm mang theo để phục vụ nghiên cứu.

Thời gian rất cấp bách. May mắn, khi đó vẫn còn Hãng hàng không Cathay Pacific chưa yêu cầu xác nhận y tế. Nhóm nghiên cứu lập tức đổi hãng bay, kịp về nước, mang theo những nguyên liệu và mẫu bệnh phẩm quý giá để phục vụ quá trình nghiên cứu sau này.

Ngay khi đặt chân về tới Việt Nam, nhóm tranh thủ thời gian cách ly sau nhập cảnh để bắt tay vào công trình mới. Qua thời gian cách ly, họ tiếp tục ở luôn tại cơ quan để tập trung, dốc toàn tâm, toàn sức cho việc nghiên cứu.

Ông Đạt chia sẻ, quá trình nghiên cứu vắc-xin Covid-19 cũng rất đặc biệt. Nguyên liệu trong mùa dịch rất thiếu thốn, vì việc vận chuyển từ nước ngoài về bị hạn chế, nên phải “ăn dè hà tiện”. “Khi đó, chúng tôi đưa ra nguyên tắc: làm đến đâu, chắc đến đấy và gần như làm một lần là được ngay, chứ không để phải thử đi thử lại nhiều lần. Bởi ai cũng nhận thức rất rõ rằng, nếu để hết nguyên liệu thì chỉ còn biết… ngồi chơi”, ông Đạt kể lại.

Sau giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”, các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên động vật đều cho kết quả tốt. Giữa năm 2020, Vabiotech hoàn thành thử nghiệm vắc-xin SARS-CoV-2 trên chuột và vừa rồi đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên khỉ. Đàn khỉ 12 con nuôi tại đảo Rều (Quảng Ninh) đã được tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 do Vabiotech sản xuất. Đến nay, đã qua gần 3 tháng, các chú khỉ vẫn nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, không bị ho sốt, ăn uống bình thường, tăng cân tốt.

Dự kiến, qua Tết Tân Sửu, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành đánh giá lại lần cuối kết quả thử nghiệm lâm sàng trên đàn khỉ và nếu các thông số khoa học đều cho kết quả đạt yêu cầu chuyên môn, thì Vabiotech có thể sẽ triển khai bước tiếp theo là tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người.

Hành trình không ngừng nghỉ

Tại Việt Nam, hiện có 4 đơn vị tiến hành nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19 là Vabiotech, Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (Polyvac), Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (Ivac) và Công ty TNHH Dược Nanogen (Nanogen).

Vabiotech và các đơn vị bạn bắt tay nghiên cứu sản xuất vắc-xin với sứ mệnh của những nhà khoa học: cùng đối diện với thử thách mới, đồng hành cùng nhân loại trong cuộc chiến chống Covid-19.

Nanogen tiếp cận con đường nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19 bằng công nghệ protein - công nghệ tạo kháng nguyên sẵn từ bên ngoài, tiêm vào cơ thể người để chống lại virus SARS-CoV-2.

Ba công ty còn lại, trong đó có Vabiotech, tiếp cận công nghệ gen trong sản xuất vắc-xin, nhưng mỗi đơn vị có một con đường riêng. Polyvac sử dụng công nghệ gen lấy chủng cơ bản từ virus sởi để sản xuất vắc-xin Covid-19; Ivac nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19 từ chủng cơ bản là virus Newcastle (virus cúm ở gà).

Biến thể của virus luôn luôn thay đổi và các vắc-xin ra sau sẽ phải nối tiếp các vắc-xin ra trước để “chiến đấu” với virus. Do vậy, cuộc chiến của nhân loại với bệnh tật là một cuộc chiến liên tục và lâu dài.

TS. Đỗ Tuấn Đạt

Với Vabiotech, ông Đạt và các cộng sự lựa chọn con đường tìm vắc-xin Covid-19 bằng cách sử dụng phôi từ virus baculo. Đây là loại virus lành tính với người, thường xuất hiện gây bệnh ở côn trùng. Khi sử dụng phương pháp này, các nhà khoa học sẽ làm suy yếu virus baculo, cấy một đoạn gen của SARS-CoV-2 vào virus và phủ thêm 1 lớp protein trên bề mặt của nó. Khi tiêm vào cơ thể, vắc-xin này có thể giúp cơ thể tiếp nhận kháng nguyên bổ trợ từ bên ngoài, đồng thời có thể tạo kháng nguyên tự sản sinh của cơ thể để chống lại virus Covid-19.

Hành trình của các nhà khoa học sản xuất vắc-xin trong cuộc chiến cam go với Covid-19 đang bước sang một giai đoạn mới. Trên thế giới, một số nhà sản xuất đã công bố sản xuất thương mại đối với vắc-xin Covid-19, nhưng điều đó không có nghĩa là các nhà khoa học Việt Nam cho phép mình dừng lại. TS. Đỗ Tuấn Đạt chia sẻ, biến thể của virus luôn luôn thay đổi và các vắc-xin ra sau sẽ phải nối tiếp các vắc-xin ra trước để “chiến đấu” với virus. Do vậy, cuộc chiến của nhân loại với bệnh tật là một cuộc chiến liên tục và lâu dài.

“Chúng tôi còn phải nghĩ đến nhiều vấn đề khác nữa, thời gian bảo vệ của các vắc-xin ra sau phải dài hơn, phạm vi bảo vệ cũng phải rộng hơn…”, TS. Đạt nói.

Tôi nhìn thấy trong ánh mắt ông niềm suy tư, đau đáu với công việc và nhận ra rằng, với ông và các cộng sự lúc này, công việc không chỉ dừng lại ở nghiên cứu và sản xuất thành công vắc-xin Covid-19…

Ăn, ngủ với vắc-xin Dự án Nghiên cứu sản xuất

vắc-xin Covid-19 là một phần công việc mà TS. Đỗ Tuấn Đạt và các cộng sự của ông ở Vabiotech đang làm. Vừa qua, Công ty đã nộp hồ sơ đăng ký lưu hành vắc-xin viêm não Nhật Bản trên tế bào; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc nghiên cứu và sản xuất vắc-xin Hib cộng hợp (loại vắc-xin tổng hợp phòng cùng lúc nhiều loại bệnh).

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đang sử dụng 12 loại vắc-xin, trong đó, Việt Nam đã sản xuất được 11 loại. Khi vắc-xin Hib cộng hợp được hoàn tất nghiên cứu và sản xuất, thì y học nước nhà có thể làm chủ hoàn toàn tất cả các loại vắc-xin sử dụng cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Công nghệ sản xuất vắc-xin Hib mà Vabiotech đang nghiên cứu là tách chiết một phần kháng nguyên của vi khuẩn để dùng làm kháng nguyên tiêm vào cơ thể người, giúp cơ thể người chống lại bệnh. Những loại vắc-xin sản xuất theo công nghệ này sẽ giảm mức độ phản ứng của cơ thể khi sử dụng, theo đó giảm được rủi ro do biến chứng khi sử dụng vắc-xin.

Hiện tại, Vabiotech cung ứng 4 sản phẩm vắc-xin (viêm gan A, viêm gan B, viêm não Nhật Bản và tả uống) đóng góp cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng như nhu cầu phòng bệnh của nhân dân.

Vabiotech vốn là một bộ phận của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tách ra hoạt động độc lập từ năm 2000. Ban đầu, Vabiotech là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sau đó trực thuộc Bộ Y tế.

Trên chặng đường 20 năm trưởng thành và phát triển, Vabiotech đã có những đóng góp quan trọng, giúp Việt Nam tự chủ nguồn vắc-xin, giảm dần sự lệ thuộc vào vắc-xin nhập khẩu, góp phần bảo vệ sức khỏe, đem lại niềm vui và tiếng cười cho hàng triệu người dân mỗi năm. Trong những thành quả đó, không thể không nhắc đến sự chèo lái của người thuyền trưởng tận tâm với sự nghiệp khoa học nghiên cứu và sản xuất vắc-xin của nước nhà - TS. Đỗ Tuấn Đạt.

Những năm qua, ông Đạt cùng đội ngũ Vabiotech chủ động hợp tác nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ với các tổ chức, các viện nghiên cứu, các nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới, nhằm rút ngắn các giai đoạn nghiên cứu phát triển sản phẩm, bắt kịp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ thế giới.

Bên cạnh đó, Vabiotech còn đẩy mạnh hợp tác với các nhà sản xuất có uy tín và thương hiệu lớn trên thế giới để sản xuất và kinh doanh các loại vắc-xin, chế phẩm sinh học khác, như các loại sinh phẩm chẩn đoán (HBsAg, anti-HBs, anti-HCV, HIV…), các loại sinh phẩm điều trị (Erythropoietin, Insulin, Albumin, Globulin…), các loại vắc-xin (quai bị, rubella, viêm màng não do não mô cầu, thủy đậu, Hib…).

Những thành quả đó, được ông Đạt coi là nguồn “lợi nhuận” lớn nhất của mình và đội ngũ Vabiotech.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả