24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

TS. Cấn Văn Lực: Đề xuất gói tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp 'tiền tươi thóc thật' 160 nghìn tỷ

Để không tiếp tục lỡ nhịp với kinh tế thế giới, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đề xuất Chính phủ nên có một gói tài khoá bằng tiền tươi thóc thật từ 80.000 - 160.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế.

Ngày 27/10, Diễn đàn doanh nghiệp đã tổ chức diễn đàn trực tuyến chuyên đề Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đưa đề xuất về một gói hỗ trợ tài khoá "tiền tươi thóc thật" từ ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp với quy mô từ 80.000 - 160.000 tỷ đồng (tương đương 1-2% GDP).

Lý giải để xuất trên, ông Lực cho biết, thống kê cho thấy, các nước trên thế giới có những gói hỗ trợ rất lớn để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp để phục hồi từ dịch bệnh. Tính trung bình hơn 170 nước trên thế giới thì các nước đã sử dụng bình quân 16% GDP để hỗ trợ nền kinh tế trong 2 năm vừa qua. Đáng chú ý, những nước đã phát triển như Mỹ đang sử dụng tới 28% GDP; các nước phát triển tương đương Việt Nam sử dụng khoảng 7,7% GDP; còn các nước thu nhập thấp thì sử dụng khoảng 4% GDP.

Về cơ cấu gói hỗ trợ, ông Lực cho biết, đa số các nước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp qua chính sách tài khoá. Thống kê cho thấy, với gói hỗ trợ khoảng 16% GDP thì 10% là chính sách tài khoá, còn 6% là chính sách tín dụng, tiền tệ.

Trong gói tài khoá thì có gần 13% dành cho y tế, 81% là các gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế và dưới 7% là dưới hình thức giãn, hoãn thuế. "Hỗ trợ nền kinh tế chủ yếu sử dụng dưới hình thức bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất, mua sắm tài khoản và tất cả đều là tiền từ ngân sách", ông Lực nói.

Nhìn lại các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho nền kinh tế từ 2020 đến nay, TS. Cấn Văn Lực cho biết, có những điểm rất khác so với thế giới. Trong đó, đáng chú ý nhất là các nước chấp nhận nợ tăng nước ngoài, nợ chính phủ tăng; tăng thâm hụt ngân sách. Tính trung bình các nước chấp nhận thâm hụt ngân sách từ 3,6% năm 2019 lên 10% năm 2020 và hạ dần xuống 8% năm 2021; nợ công tăng từ 84% GDP năm 2019 lên 99% GDP năm 2020 và có xu hướng giảm dần xuống trong các năm về sau. Nhưng Việt Nam chưa làm được điều này.

Theo tính toán từ Viện Nghiên cứu BIDV, năm 2020, Chính phủ đã chi khoảng 100.000 tỷ đồng cho các gói tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp (tương đương 1,26% GDP đã điều chỉnh). Nếu tính cả gói tài khoá và an sinh xã hội tính từ cuối 2020 đến nay đạt khoảng 130.000 tỷ tương đương 1,64% GDP. Như vậy, cả 2 năm các gói tài khoá có quy mô khoảng 3% GDP.

Về gói hỗ trợ tiền tệ, theo thống kê sơ bộ, gần 2 năm thực hiện, tổng gói hỗ trợ tiền tệ lên tới khoảng 84.000 tỷ tương đương 1,1% GDP.

Tính cả chính sách tài khoá và tiền tệ thì con số lên tới khoảng 4% GDP, tương đương với mức hỗ trợ của các nước thu nhập thấp. "Rõ ràng, các gói hỗ trợ của Chính phủ cho nền kinh tế vẫn còn khá khiêm tốn", ông Lực nói.

Ngoài ra, ông Lực cho biết, các nước có đặc điểm thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp để phục hồi nền kinh tế rất nhanh chóng. Còn ở Việt Nam thì hạn chế lớn nhất lại chính là triển khai chính sách hỗ trợ khá chậm chạp. Cụ thể, gói an sinh xã hội có quy môt 26.000 tỷ từ năm 2020 nhưng mới triển khai được gần 22.000 tỷ. Nhưng đây cũng là số cộng từ cả ngân sách địa phương, không được tính là chi từ ngân sách nhà nước. Gói hỗ trợ lãi suất 0% để doanh nghiệp chi trả lương cho người lao động có tổng quy mô là 7.500 tỷ đồng nhưng cũng mới chi được 450 tỷ đồng (khoảng 6%).

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, các gói hỗ trợ tài khoá của Chính phủ thời gian qua chưa đủ lớn và chưa đủ rộng; tỷ lệ bằng tiền mặt còn thấp, nhất là chi cho lao động tự do.

Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang quay trở lại với nhịp độ sản xuất, tăng trưởng trở lại, để Việt Nam không tiếp tục bị lỡ nhịp, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị: Việt Nam vẫn còn dư địa với chính sách tài khoá, có thể dùng 'tiền tươi thóc thật' từ 80.000 - 160.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1-2% GDP để hỗ trợ nền kinh tế. Gói hỗ trợ có thể làm tăng nợ công, thâm hụt ngân sách nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn, chấp nhận được.

Về dư địa với chính sách tiền tệ, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không còn dư địa để giảm lãi suất điều hành. Vì dù có giảm thêm thì tác động lên thị trường cũng không đáng kể, cùng với đó là tình trạng người dân giảm gửi tiền mà chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu. Tuy nhiên, vẫn còn dư địa giảm lãi suất cho vay tại các NHTM khi các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí, giảm biên lợi nhuận (NIM).

Ông Lực đề xuất, NHNN nên cấp thêm room tín dụng trong năm 2021 và năm 2020 khoảng 12-13%, sau đó giảm dần xuống khoảng 9-10% vào các năm tiếp theo.

Đồng ý rằng, không còn dư địa cho chính sách tiền tệ qua giảm lãi suất ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, cần có sự đồng bộ giữa chính sách tài khoá và tiền tệ.

"Chính sách tài khoá phải vào cuộc, hỗ trợ doanh nghiệp bằng tiền thật. Nhiều quốc gia cũng đang đặt vấn đề "nuôi dưỡng nguồn thu bằng tạo nguồn thu cho doanh nghiệp". Theo đó, trước tiên cần có quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Nếu thiếu tiền, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu cho NHNN, phát hành trái phiếu để vay tư nhân, tạo chính sách đồng bộ để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được vốn, phục hồi sau dịch", ông Hùng nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả