TS Cấn Văn Lực: Cơ chế đặc thù sẽ “trợ lực” cho kinh tế Đà Nẵng phát triển
Theo TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được Quốc hội thông qua sẽ tạo thuận lợi cho Đà Nẵng phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu kinh tế khu vực Miền Trung, “trợ lực” cho kinh tế Đà Nẵng phát triển.
Đà Nẵng xứng đáng được ưu ái dành nhiều cơ chế đặc thù
Thưa ông, vì sao trong suốt nhiều năm qua Đà Nẵng liên tục là địa phương được Chính phủ lựa chọn áp dụng những cơ chế, chính sách vượt trội?
Đà Nẵng là thành phố lớn thứ 4 ở Việt Nam sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng về đô thị hóa và phát triển kinh tế – xã hội. Nằm trên bờ Biển Đông có cửa sông Hàn, Đà Nẵng là một trong những thành phố cảng có vị trí chiến lược, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của miền Trung cùng với rất nhiều tài nguyên về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử... Với những lợi thế về du lịch, giao thông, kinh tế biển, Đà Nẵng xứng đáng được ưu ái dành nhiều cơ chế đặc thù để phát triển vượt lên so với các địa phương khác.
Trong những năm qua, Chính phủ đã ưu tiên cơ chế phát triển Đà Nẵng như thế nào?
Hơn 5 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhất là thực hiện mục tiêu tổng quát xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên…v.v.
Trên cơ sở đó, Quốc Hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Thành phố đã và đang tích cực triển khai các nghị quyết này.
Cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, sẽ xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng trên cơ sở kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố trong giai đoạn mới; là nền tảng để tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng theo đúng định hướng và đạt được hiệu quả cao nhất.
Hạ tầng giao thông, đô thị của Đà Nẵng không ngừng được hoàn thiện. Ảnh: Nguyễn Trình
Dự kiến tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua "Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng". Việc thông qua nghị quyết này sẽ có vai trò gì, tạo động lực thế nào để thúc đẩy Đà Nẵng phát triển, thưa ông?
Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 1 năm 2019 của Bộ Chính trị đã đề ra chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Nghị quyết 119/2020/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW, chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị cùng với một số cơ chế về tài chính – ngân sách, đầu tư và qui hoạch, đất đai; tuy nhiên bối cảnh đã thay đổi, nhất là sau dịch Covid-19 và xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm và lan tỏa liên kết vùng của Đà Nẵng đối với khu vực này.
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 lần này nhằm khắc phục hạn chế, pháp lý hóa chủ trưởng của Đảng và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, giúp Đà Nẵng phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.
Đà Nẵng là 1 trong 5 thành phố trực thuộc TƯ gồm Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng. Cả 4 TP kia đều có cơ chế đặc thù để phát triển. Tôi cho rằng, việc thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 lần này sẽ tạo thuận lợi cho Đà Nẵng phát triển và phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, đầu tàu và lan tỏa phát triển KTXH khu vực Miền Trung.
Khi Nghị quyết về chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng được thông qua, theo ông Đà Nẵng cần làm gì để chớp thời cơ, thúc đẩy kinh tế phát triển?
Tôi cho rằng, để Đà Nẵng có thể "cất cánh" thì cơ chế đặc thù thôi chưa đủ mà đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo địa phương lẫn các bộ, ngành, địa phương khác có liên quan. Chính quyền Đà Nẵng cần sớm bắt tay vào cụ thể hóa các chủ trương, chính sách đặc thù này và vận dụng cụ thể, sáng tạo, phù hợp để phát triển Thành phố và vùng xứng đáng với niềm tin và trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Theo đó, Đà Nẵng cũng cần quyết liệt hơn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện nay, chỉ số kinh doanh của Đà Nẵng không còn giữ top đầu như trước đây nữa. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức rất thấp, chỉ đạt 2,58%. Quý I vừa qua chỉ tăng trưởng 1% so với cùng kỳ, đây tiếp tục là một con số khá thấp…v.v.
Rõ ràng, thời gian qua, Đà Nẵng chưa phát triển tương xứng tiềm năng, vị thế của một "thủ phủ" kinh tế miền Trung. Chính vì thế, tính lan tỏa liên kết vùng trong vai trò đầu tàu của Đà Nẵng ở khu vực Miền Trung còn khiêm tốn. Nếu Đà Nẵng quyết tâm và làm quyết liệt hơn, tôi cho rằng các cơ chế đặc thù sẽ trở thành "trợ lực" quan trọng thúc đẩy phát triển KTXH của Thành phố và khu vực.
Cuối cùng, để Đà Nẵng có thể "cất cánh" không chỉ cần sự quyết liệt của địa phương mà còn phải có sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành liên quan, các tỉnh thành vùng Trung Bộ và Nam Trung Bộ, vì nhiều cơ chế, chính sách cần cụ thể hóa và phối hợp thực hiện, nhất là trong việc hiện thực hóa chủ trưởng, chính sách liên kết vùng.
Sẽ tác động mạnh mẽ tới sự phục hồi của thị trường Bất động sản
Đà Nẵng thu hút du khách trong nước và quốc tế với chuỗi lễ hội hoành tráng, đặc biệt là Lễ hội Pháo hoa quốc tế DIFF.
Theo ông, cơ hội cất cánh vươn xa của Đà Nẵng, trở thành nơi đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư bậc nhất Việt Nam và vươn tầm khu vực khi được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội sẽ như thế nào?
Tôi cho rằng, cơ hội cất cánh vươn xa của Đà Nẵng phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm, quyết liệt của Đà Nẵng mà tôi đã chỉ ra. Có cơ chế, chính sách mà thực hiện không tốt thì khó mà đạt được kết quả tốt!
Thời gian qua, Đà Nẵng làm mọi thứ khá chậm. Đà Nẵng cần thay đổi trong tư duy, cách làm, cần quyết liệt hơn để thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Đà Nẵng cần đưa mức tăng trưởng kinh tế trong top cao nhất mới xứng đáng là đầu tàu kinh tế khu vực miền Trung.
Cơ chế chính sách tốt, Đà Nẵng quyết liệt thì sự phát triển là tất yếu và cũng không khó khăn để trở thành nơi đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư bậc nhất Việt Nam.
Theo ông, việc thông qua Nghị quyết lần này sẽ có vai trò gì, tạo động lực thế nào đối với thị trường bất động sản Đà Nẵng?
Tất nhiên sẽ có nhiều tác động tích cực đối với nhiều thị trường, trong đó có thị trường bất động sản. Thứ nhất, thực hiện tốt cơ chế đặc thù góp phần tháo gỡ kịp thời các vướng mắc đối với thị trường đất đai, bất dộng sản, nhất là về pháp lý, định giá đất, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất phát triển…v.v. Thứ hai, làm tốt cơ chế cũng sẽ thúc đẩy đầu tư công, phát triển đô thị, qua đó lan tỏa sang thị trường bất động sản. Thứ ba, việc tiến tới thành lập trung tâm tài chính (tập trung vào Fintech), khu thương mại tự do… cùng các cơ chế, chính sách đặc thù khác như dự thảo tại Nghị quyết cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Đặc biệt, trung tâm tài chính (tập trung vào Fintech) gắn với đổi mới, sáng tạo, y tế - giáo dục và du lịch - nghỉ dưỡng là hướng đi phù hợp với định hướng, tiềm năng của Đà Nẵng. Hiện TP Đà Nẵng đã có quỹ đất sạch với 6,17 ha, được quy hoạch để phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp Trung tâm tài chính đó với các điều kiện về vị trí kết nối, hạ tầng thuận lợi.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận