Truyền thông Trung Quốc ôn hòa về thương chiến
Những bài xã luận với những cụm từ như 'chiến đấu đến cùng', hay 'quyết tâm bảo vệ lợi ích cốt lõi' đã được thay bằng những lời kêu gọi Mỹ quay trở lại đàm phán.
Kèm theo đó là những con số chứng tỏ nền kinh tế đang hoàn toàn ổn, bất chấp cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Có thương chiến hay không, các công ty Mỹ cũng sẽ phải theo nhu cầu của người tiêu dùng mà đổ tới Trung Quốc.
Đã có nhận xét trước đây rằng trong cuộc thương chiến chưa biết hồi kết với Mỹ, Trung Quốc đang thể hiện sự yếu kém về mặt truyền thông quốc tế. Các thông tin từ báo chí Trung Quốc về thương chiến rất ít và thiếu tính phản biện lại các quan điểm phương Tây.
Cách tiếp cận này tuy vậy khiến giới đầu tư nước ngoài mất phương hướng, không biết có nên đầu tư tiếp vào Trung Quốc hay không. Các thông tin từ báo chí phương Tây về làn sóng công ty tháo chạy khỏi Trung Quốc càng khiến giới đầu tư thêm bất an dù biết rõ đây là một thị trường béo bở.
Có lẽ điều này đã đưa tới những điều chỉnh trong việc định hướng tuyên truyền của Trung Quốc. Sự thay đổi thái độ của truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ diễn ra vài ngày trở lại đây, sau khi có thông tin chính thức rằng các nhà đàm phán cấp cao của Trung Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau vào đầu tháng 10 tới tại Washington.
Đều đặn mỗi ngày, Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - lại đăng tải các bài xã luận hoặc bản tin ngắn liên quan đến thương chiến. Nội dung có thể khác nhau ít nhiều nhưng có một phần "đinh" không thay đổi: sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc và quy mô, sức hấp dẫn của thị trường này.
Chẳng hạn, trong bài xã luận có tựa đề "Mở lại các cuộc tham vấn là lựa chọn đúng đắn cho cả Mỹ và Trung Quốc" ngày 5-9, Nhân Dân Nhật Báo dẫn ra số liệu trong 7 tháng đầu năm 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc tăng 7,3%, lên mức 75 tỉ USD, với hơn 24.000 doanh nghiệp có vốn nước ngoài mới được thành lập.
"Nền kinh tế Trung Quốc đủ kiên cường để đối mặt với những bất ổn khác nhau và các tranh chấp thương mại sẽ không bao giờ ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc. Thế giới sẽ nhận thức rõ hơn về khả năng và sức mạnh của Trung Quốc để đối phó với các rủi ro và thách thức sau khi thấy nền kinh tế của chúng tôi tiếp tục đạt được tiến bộ ổn định giữa nghịch cảnh", một bài xã luận khác của báo viết.
Bài viết dẫn ra một loạt con số như tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt 6,3% trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, Trung Quốc có hơn 900 triệu người trong lực lượng lao động bao gồm 170 triệu người có trình độ cao và tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới với hơn 400 triệu người...
Để chứng minh cho điều này, trong bài viết "Thuế quan của Mỹ sẽ không ngăn cản được sự phát triển của Trung Quốc", Nhân Dân Nhật Báo dẫn ra trường hợp chuỗi siêu thị Costco của Mỹ vừa khai trương, mô tả việc người dân Trung Quốc ùn ùn kéo tới "ủng hộ" đã khiến báo giới phương Tây bất ngờ: "Nhờ vào nhu cầu mạnh ở nước chúng tôi, tổng giá trị thị trường của Costco đã tăng hơn 7,8 tỉ USD chỉ sau 2 ngày khai trương siêu thị ở Trung Quốc".
Với những tờ báo như Hoàn Cầu Thời Báo (bản tiếng Anh dành cho đối ngoại của Nhân Dân Nhật Báo) hay Hoa Nam Buổi Sáng (báo Hong Kong nhưng có chủ sở hữu là Alibaba của tỉ phú Jack Ma), các nội dung phản ánh có phần đa dạng và chạm tới nhiều khía cạnh khác của cuộc thương chiến. Song tất cả dường như đều quán triệt một chỉ đạo: tuyệt đối không được chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhân Dân Nhật Báo hay Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể chỉ trích tất cả các quan chức Mỹ, nhưng khi sự việc liên quan đến Tổng thống Trump, người ta không tìm ra tên của ông hay bất kỳ sự chỉ trích nào trong nội dung. Ông được gọi bằng một cách khác, rất chung chung: nguyên thủ quốc gia Mỹ hay nhà lãnh đạo Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận