Truyền hình trả tiền năm 2020: Trận “thư hùng” giữa các đối thủ nội - ngoại
Sự xuất hiện của hàng loạt nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới tại Việt Nam đang gia tăng áp lực lên thị trường vốn đã đầy thách thức, báo hiệu một trận “thư hùng” quyết liệt giữa các tên tuổi nội - ngoại trong năm 2020.
Nghịch lý thuê bao tăng, doanh thu giảm
“Câu lạc bộ” 1 triệu thuê bao của thị trường truyền hình trả tiền năm 2019 ghi nhận sự tái xuất của MyTV (thuộc VNPT), sánh vai cùng các “ông lớn” như VTVCab, SCTV, K+. Với 750.000 thuê bao mới trong năm 2019, hiện MyTV đã cán mốc 1,6 triệu thuê bao.
Từng đạt 1 triệu thuê bao từ năm 2015, nhưng trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, tỷ lệ rời mạng cao, số lượng thuê bao của MyTV trong những năm sau đó trồi sụt. Kết quả kinh doanh của đơn vị này cũng phản ánh thực trạng khó khăn chung của thị trường, đó là tăng trưởng thuê bao lớn, nhưng doanh thu thấp.
Cụ thể, năm 2015, với chỉ gần 10 triệu thuê bao, doanh thu toàn thị trường truyền hình trả tiền đã đạt 9.624 tỷ đồng; nhưng đến năm 2019, con số tương ứng là 16,5 triệu thuê bao và 9.000 tỷ đồng. Trước đó, năm 2013, với 6,68 triệu thuê bao, doanh thu toàn ngành đạt hơn 5.800 tỷ đồng.
Có thể thấy, doanh thu trung bình trên một khách hàng (ARPU) của truyền hình trả tiền Việt Nam đang ở mức rất thấp. Theo số liệu của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), ARPU của khu vực ASEAN trung bình đạt 10 - 30 USD/thuê bao/tháng. Trong đó, Singapore có chỉ số ARPU cao nhất, đạt 32 USD/thuê bao/tháng; Philippines ở mức thấp, nhưng cũng đạt 9 USD/thuê bao/tháng, trong khi Việt Nam chỉ đạt hơn 18.333 đồng/thuê bao/tháng, tức là dưới 1 USD/thuê bao/tháng.
Đây là hệ quả của cuộc đua giảm giá thuê bao kéo dài từ năm 2014 đến nay của các nhà cung cấp như VTVcab, SCTV, AVG, VTC, HTVC, Hanoicab, VNPT, Viettel, K+… nhằm thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, một số nhà cung cấp sử dụng chiến thuật bù chéo dịch vụ, xây dựng 1 gói cước tổng hợp gồm 2 - 3 dịch vụ, phổ biến là kết hợp gói cước Internet và truyền hình trả tiền, áp dụng chính sách dùng Internet được miễn phí truyền hình hoặc ngược lại.
Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, một số đơn vị cung cấp dịch vụ có dấu hiệu ẩn doanh thu, không hạch toán chi tiết từng dòng doanh thu trên hóa đơn, vừa trốn doanh thu, vừa đẩy giá dịch vụ truyền hình xuống thấp.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch VTVLive, ARPU truyền hình trả tiền đang ngày càng thấp và đã xuất hiện hiện tượng cạnh tranh bất bình đẳng. Một số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường đưa ra gói cước dịch vụ truyền hình dưới giá thành, trong khi chi phí mua bản quyền nội dung ngày một đắt đỏ. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp trong nước ngày càng khó khăn.
Đại gia “thò chân sói”
Dẫu vậy, ARPU xuống thấp dưới mức sàn chưa phải là thách thức lớn nhất với ngành truyền hình trả tiền. Từ năm 2019, thị trường đã trở nên “khó thở” hơn với sự xuất hiện của hàng loạt đối thủ ngoại.
Cuối tháng 1/2020, người dùng nền tảng nghe nhạc trực tuyến Spotify tại Việt Nam và một số nước châu Á bắt đầu được trải nghiệp Disney Hub - trang trả phí của Disney. Tới đây, Disney sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu Disney+ sau khi ra mắt người dùng tại Mỹ vào cuối năm 2019 với giá 6,99 USD/tháng.
Trước đó, đầu tháng 11/2019, Apple bắt đầu cung cấp dịch vụ truyền hình Internet Apple TV+ ở hơn 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Amazon cũng đang hoàn thành việc phóng hàng ngàn vệ tinh có kích thước nhỏ gọn phục vụ kế hoạch phát triển vệ tinh Internet và đầu tư lớn vào dịch vụ truyền hình Internet cung cấp trên toàn thế giới.
Một đại gia khác là HBO cũng đã cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến HBO GO tại Việt Nam trên ứng dụng FPT Play vào tháng 7/2019. Cũng trong thời gian này, ứng dụng truyền hình trực tuyến iQIYI (Baidu ) và WeTV (Tencent) của Trung Quốc đã “âm thầm” thâm nhập thị trường Việt Nam qua app trên Google Play hoặc iOS. Các bộ phim phát trên 2 ứng dụng này đều có phụ đề tiếng Việt và người dùng có thể đăng ký tài khoản, trả tiền thuê bao hàng tháng bằng đồng Việt Nam.
Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (PayTV) nhận định, dịch vụ truyền hình theo yêu cầu đang có bước phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Nếu năm 2018, thị trường chỉ có 1,1 triệu thuê bao, thì năm 2019 đã đạt 2,7 triệu thuê bao. Số liệu này thể hiện sự tăng trưởng nhanh, mạnh của dịch vụ truyền hình xuyên biên giới tại Việt Nam trong năm 2019.
Nguy cơ bị mất thị trường ngay trên sân nhà
“No Time to Die” (tạm dịch: Không thời gian chết) là tựa phim bom tấn sẽ phát hành trong năm 2020 dường như cũng báo hiệu trận “thư hùng” trên thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam.
Ông Dương Thành Long, Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông (VNPT Media) cho biết, đến nay, đã có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ OTT (các ứng dụng và nội dung được cung cấp trên nền tảng Internet) xuyên biên giới thâm nhập vào thị trường Việt Nam như Netflix, iFlix, Apple TV, Tencent, Baidu, sắp tới là Disney+, Amazon… Sự phát triển của thị trường cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước.
Lợi thế của các nhà cung cấp dịch vụ OTT là có thể cung cấp dịch vụ mà không cần phải triển khai hạ tầng. Do đó, các ông lớn công nghệ giải trí hàng đầu thế giới có thể nhanh chóng cung cấp dịch vụ toàn cầu trên nền tảng Internet mà không có một rào cản nào về mặt công nghệ cũng như pháp lý.
Điều này sẽ đẩy các doanh nghiệp OTT trong nước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt và phải đối mặt với nguy cơ bị mất thị trường ngay trên sân nhà. Để có thể “sống sót” trong một thị trường “rực đỏ”, mỗi doanh nghiệp cần có sự đầu tư nhất định về công nghệ, nội dung, truyền dẫn, quản lý chất lượng…
Đại diện VNPT Media nêu ví dụ, một bộ phim nước ngoài có bản quyền được người dùng mua trên nền tảng truyền hình trực tuyến của doanh nghiệp Việt Nam đang chịu 3 loại thuế là thuế bản quyền (10%), thuế giá trị gia tăng (5%) và thuế thu nhập doanh nghiệp (hơn 20%). Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài lại chưa phải thực hiện nghĩa vụ thuế cũng như chịu sự quản lý về nội dung khi khai thác tại thị trường Việt Nam, do chưa có quy định.
“Truyền hình OTT chủ yếu miễn phí, nên nguồn thu chính là từ quảng cáo. Nhưng, “miếng bánh” này phần lớn rơi vào các ông lớn Facebook, Google... và 95% lượt xem quảng cáo trên OTT truyền hình là trên các OTT lậu, vi phạm bản quyền. Dòng thu từ quảng cáo thay vì thuộc về các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, lại chảy vào túi các đơn vị làm lậu, ăn cắp chất xám, gây thất thu thuế”, đại diện VNPT Media bức xúc.
Cần hành lang pháp lý đủ mạnh
PayTV dự báo, năm 2020, thị trường truyền hình trả tiền tiếp tục gia tăng khó khăn khi có sự xuất hiện của các doanh nghiệp xuyên biên giới. Các đơn vị quy mô vừa và nhỏ sẽ bị tác động trong quá trình cạnh tranh do hạn chế nguồn lực tài chính mở rộng kinh doanh, đầu tư hạ tầng và đầu tư theo xu hướng công nghệ mới.
Ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Công ty Truyền thông Viettel nhấn mạnh, chính sách và môi trường pháp lý cần “đi trước, đón đầu” sự thay đổi của ngành, tránh gây bất lợi cho doanh nghiệp nội.
Cụ thể hơn, ông Lê Đình Cường, Tổng thư ký PayTV đề xuất, cần quy định, các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới phải thực hiện thủ tục về đăng ký cấp phép hoạt động theo quy định. Tất cả nội dung trước khi cung cấp tại Việt Nam phải thông qua khâu biên tập, biên dịch, kiểm duyệt đúng theo quy định của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ về nội dung chương trình truyền hình, phim ảnh…
Cùng với đó, PayTV đề nghị quy định việc kê khai doanh thu phát sinh tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài, áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế tương tự như các tổ chức trong nước; đưa các dịch vụ cung cấp nội dung xuyên biên giới vào danh mục kiểm soát đặc biệt, tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về cạnh tranh...
Từ thực tiễn hoạt động, Công ty Truyền thông Viettel kiến nghị xem xét sửa đổi Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; bổ sung các quy định về quản lý dịch vụ nội dung cung cấp trên Internet, di động, nội dung cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp có điều kiện sản xuất nội dung cung cấp trên hệ thống dịch vụ để tăng khả năng năng cạnh tranh cũng như lành mạnh hóa thị trường.
Trong bối cảnh thị trường truyền hình cạnh tranh ngày càng gay gắt, doanh nghiệp Việt có xu hướng đầu tư mạnh vào bản quyền nội dung để tạo sự khác biệt nhằm thu hút thuê bao. Tuy nhiên, vấn đề bản quyền chương trình truyền hình ngày càng phức tạp, đặc biệt là các chương trình thể thao lớn, chi phí bản quyền nội dung ngày càng tăng cao, vi phạm bản quyền ngày càng có chiều hướng gia tăng, trong khi đó, việc xử lý các vi phạm bản quyền trên Internet rất khó khăn.
Vì vậy, theo các doanh nghiệp nội, cần nghiên cứu bổ sung các quy định, chế tài nhằm kiểm soát chặt chẽ vấn đề vi phạm bản quyền, tạo môi trường thúc đẩy kinh doanh nội dung phát triển.
Có thể thấy, với tiềm năng phát triển thị trường còn khá lớn như hiện nay, việc biến thách thức thành cơ hội trên thị trường truyền hình trả tiền không chỉ đòi hỏi những bước đi sáng tạo, đột phá từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hay đơn vị sản xuất nội dung, mà còn phụ thuộc rất lớn vào hành lang pháp lý để điều tiết cũng như tạo sự bình đẳng trên thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận