Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Khuyến khích áp dụng QR code
Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế khuyến khích các cơ sở tạo dựng thương hiệu và áp dụng QR code để tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản phẩm và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngày càng trở nên phổ biến và cần thiết đối với DN và người tiêu dùng, nhất là đối với các nông sản, thực phẩm cần đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các sản phẩm này ở hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại hiện nay đều được dán tem truy xuất xuất xứ giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết được xuất xứ, chất lượng của sản phẩm. DN sử dụng tem truy xuất nguồn gốc vừa tạo được uy tín với khách hàng, đồng thời giúp cho DN tiết kiệm thời gian và nhân lực trong việc ngăn chặn hàng giả hàng nhái. Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai dán tem cũng gặp không ít khó khăn khiến nhiều DN, cơ sở sản xuất chưa mặn mà.
Trên địa bàn Hà Nội, vấn đề dán tem truy xuất được thành phố rất quan tâm và tích cực triển khai, nhất là đối với các DN và cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm. Đồng thời, thành phố tích cực hỗ trợ cấp mã tài khoản quản trị cho các DN, cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở thường xuyên triển khai một số chương trình, đề án lớn hỗ trợ công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề dán tem truy xuất giúp người tiêu dùng có thể kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm. Thời gian qua, Hà Nội đã cấp mã định danh cho trên 2.500 sản phẩm và cấp phát trên 5 triệu tem truy xuất dán trên các sản phẩm nông sản an toàn. Đồng thời, cấp giấy xác nhận cho các chuỗi rau, thịt và các điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn trên địa bàn thành phố.
Nhiều DN, cơ sở sản xuất theo tiêu chuẩn Gap, GlobalGap, ASC, BAP... đều nắm bắt nhanh xu thế dán tem truy xuất vừa mang tính cạnh tranh, vừa tạo được thương hiệu trên thị trường. Cùng với đó, Sở cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các ứng dụng, lợi ích khi tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm của thành phố.
Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đối với nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là để yên tâm về vấn đề an toàn thực phẩm. Do đó, khách hàng không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn muốn biết nhiều hơn về nguồn gốc, nơi sản xuất, quy trình và quy cách của sản phẩm. Nắm bắt được xu thế này, các DN, cơ sở sản xuất, nhất là những đơn vị đang sản xuất theo tiêu chuẩn như Gap, GlobalGap, ASC, BAP... tích cực sử dụng dán tem truy xuất vừa đảm bảo quy định của siêu thị, vừa tạo dựng được thương hiệu cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Đồng thời tem truy xuất cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt hơn sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động khá mới song đã và đang được triển khai nhanh chóng. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy, DN và người tiêu dùng hiện vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa và hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam, nhất là DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể.
Cùng với đó, mặc dù dán tem truy xuất nguồn gốc được áp dụng nhiều tại hầu hết các siêu thị nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thực sự hiểu và sử dụng những tính năng đó trong mua sắm. Chị Trần Thị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị thường xuyên mua hàng hóa ở siêu thị tiện ích gần nhà. Phần lớn các sản phẩm thực phầm cần thiết như thịt, cá, rau, hoa quả đều được dán tem QR code. Tuy nhiên theo chị Hà, cứ sản phẩm nào được dán tem là chị yên tâm mua bởi tin tưởng sản phẩm đã được kiểm định chặt chẽ về chất lượng và đảm bảo sự an toàn chứ chưa bao giờ kiểm tra quét mã QR code trên sản phẩm đó.
Trên thực tế, truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu trong sản xuất hàng hóa hiện đại. Tuy nhiên, việc triển khai truy xuất nguồn gốc vẫn gặp nhiều khó khăn do đây là hoạt động thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Đối với các DNNVV với nền tảng công nghệ còn hạn chế, việc áp dụng dán tem truy xuất cho tất cả các sản phẩm sẽ làm tăng thêm chi phí.
Ông Tạ Văn Tường cho rằng, khi các DN, cơ sở sản xuất triển khai gắn tem truy xuất thì phải đảm bảo thực hiện sản xuất theo đúng quy trình, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp như ghi chép nhật ký, nhập lại vào chương trình truy xuất, đầu tư mã vạch, đăng ký xác nhận sản phẩm an toàn…, điều này gây tốn kém và mất thêm nhiều thời gian. Do đó, nhiều đơn vị vẫn chưa thực sự mặn mà với chương trình gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Vì vậy, để khuyến khích DN tham gia, cần đẩy mạnh tuyên truyền về sự cần thiết của tem truy xuất nguồn gốc. Nhà nước cũng cần tiếp tục có cơ chế khuyến khích các cơ sở tạo dựng thương hiệu và áp dụng QR code để tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản phẩm và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận