Truy thuế cá nhân bán hàng qua mạng
Ngành thuế khẳng định sẽ tập trung vào việc quản lý, truy tìm cá nhân kinh doanh bán hàng online và có thu nhập từ trên mạng.
Gần đây, nhiều chính sách siết chặt quản lý thuế bán hàng online đã được thực hiện, khiến số thu cũng gia tăng. Nếu năm 2019, các đơn vị tại Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài với tổng số thuế 1.010 tỉ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 535 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 475 tỉ đồng. Năm 2020, số thuế này tăng lên 1.143,76 tỉ đồng, gồm thuế GTGT là 518,96 tỉ đồng, thuế TNDN là 624,79 tỉ đồng. Đối với cá nhân, có 225 cá nhân kê khai, nộp thuế đối với tổng doanh thu trên 957 tỉ đồng và đã kê khai nộp số tiền thuế.
Nhiều chiêu lách thuế
Thế nhưng, trên thực tế thì số thu trên vẫn có thể là “muối bỏ biển” với xu hướng kinh doanh qua mạng ngày càng gia tăng và nhiều cá nhân vẫn lọt lưới cơ quan thuế.
Cơ quan thuế sẽ truy thu các cá nhân có kinh doanh, thu nhập trên mạng. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH - NGỌC DƯƠNG
Chẳng hạn qua mạng xã hội Facebook, một cửa hàng thực phẩm tươi sống trên địa bàn Q.10 (TP.HCM) kinh doanh nhộn nhịp từ nhiều năm nay. Bà Kim Nga, chủ cửa hàng, thừa nhận ngoài việc duy trì cửa hàng, doanh thu gần đây chủ yếu do bán qua Facebook. Những người đến cửa hàng mua sống xung quanh không nhiều, trong khi lượng khách hàng lớn từ các quận khác như Q.12, Q.Bình Thạnh, H.Hóc Môn, có khi từ Đồng Nai, Cần Thơ. Cuối năm 2020, nghe thông tin cơ quan thuế mạnh tay thu thuế đối với việc bán hàng qua mạng, bà Nga khá hoang mang nên cũng làm theo cách mà giới kinh doanh trên Facebook truyền tai nhau là khi khách chuyển khoản chỉ cần nhập tên Facebook mà không cần phải ghi rõ chữ “thanh toán” hay mua hàng. Bà Nga đăng ký hộ kinh doanh, mỗi tháng đóng thuế khoán 1,2 triệu đồng, tương ứng doanh thu tự kê khai khoảng 80 triệu đồng/tháng. Nhưng thật sự doanh thu qua mạng của cửa hàng này cao gấp 3 - 4 lần.
Phó chánh văn phòng Tổng cục Thuế Nguyễn Đức Huy cho biết Tổng cục Thuế đã có công văn nhắc nhở các cục thuế tỉnh, thành chủ động làm việc với các hộ kinh doanh, bán hàng qua mạng. Bộ Tài chính hiện nay đang soạn thảo thông tư hướng dẫn thực hiện chi tiết luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020, cơ quan thuế không chỉ làm việc với các ngân hàng để thu thập dữ liệu của người nộp thuế mà cả những công ty giao nhận để có thông tin liên quan, tìm cách thu thuế. Cơ quan thuế sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện những trường hợp chưa kê khai đầy đủ doanh thu, trốn thuế.
Hay một cá nhân tên Ngọc Lam chuyên nhận đặt hàng nước ngoài tại TP.HCM cũng chia sẻ bình quân mỗi tuần cô sẽ gửi từ 100 - 120 đơn hàng cho khách ở các quận tại TP.HCM và ở nhiều tỉnh khác nhau. Nếu ước tính chỉ với mức phí 5% tiền công và hưởng chênh lệch từ tỷ giá thì mỗi tháng cô cũng có thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng. Đó là chưa kể dịch vụ này còn “ôm” hàng giảm giá lớn từ các nước để bán lại nên thu nhập có khi lên hàng trăm triệu đồng, nhất là vào dịp lễ tết. Dù vậy cả năm nay, cô cũng yêu cầu khách hàng khi chuyển khoản chỉ ghi tên Facebook là đủ để tránh bị cơ quan thuế truy vết.
Thực ra từ cuối năm 2020, các cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng online, qua mạng xã hội đã ý thức việc kê khai thuế, nhưng doanh số kê khai vẫn chưa đầy đủ. Chỉ đến khi cơ quan thuế phát hiện truy thu mới thấy nhiều cá nhân có thu nhập “khủng”. Chẳng hạn một cá nhân bán hàng mỹ phẩm qua mạng là trường hợp bà C.D (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vào năm 2013 mới bắt đầu kinh doanh qua mạng với doanh thu 120 triệu đồng, nhưng đến năm 2015 doanh thu đã tăng lên 95 tỉ đồng và 2016 lên đến 344 tỉ đồng... Tổng cộng bà C.D có doanh thu gần 450 tỉ đồng trong 4 năm từ 2013 - 2016. Trong đó, chỉ riêng năm 2016 có doanh thu lên đến 344 tỉ đồng. Thế nhưng, đến năm 2017 mới bị cơ quan thuế phát hiện doanh thu khủng và truy thu 9,1 tỉ đồng tiền thuế...
Vì vậy việc cơ quan thuế sẽ thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), các tập đoàn chi trả thu nhập cho cá nhân trong hoạt động để yêu cầu kê khai, nộp thuế thay được xem là giải pháp mới sắp tới.
Truy vết qua mạng xã hội
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, chuyên gia tư vấn thuế, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM), nhận định các sàn TMĐT như là ban quản lý các chợ truyền thống. Khi cá nhân, doanh nghiệp nào muốn tham gia buôn bán trên các sàn này cũng đều phải đăng ký đầy đủ thông tin, từ địa chỉ Facebook đến cả số tài khoản ngân hàng. Đồng thời, mọi giao dịch qua sàn thì công ty sở hữu sàn TMĐT đó cũng đều có thể thống kê chi tiết ngay lập tức và dòng tiền cũng sẽ thể hiện cụ thể.
Quan trọng nhất là các sàn có tuân thủ quy định và phối hợp với cơ quan thuế hay không. Với các sàn TMĐT trong nước thì có thể dễ hơn khi thực hiện thu thuế người tham gia buôn bán, nhưng với những sàn TMĐT của nước ngoài thì cần quy định cụ thể. Trường hợp các sàn này không chấp nhận kê khai thu thuế thay thì phải yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về những người có giao dịch trên sàn theo định kỳ.
Riêng với những cá nhân tự kinh doanh qua mạng xã hội, qua các hình thức khác mà không thông qua chợ điện tử thì theo ông Nghĩa, cơ quan thuế sẽ khó nắm bắt hơn nhưng cũng không phải là quá khó. Vì vậy cần phối hợp với hội đồng thuế từ xã, phường vì đó sẽ là đơn vị nắm rõ nhất mọi hoạt động của cá nhân, hộ kinh doanh trên từng địa bàn.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cần chủ động hơn để theo dõi, truy vết thông qua các fanpage, cá nhân livestream trên mạng để có thông tin và cuối cùng thông qua ngân hàng để xác định được dòng tiền giao dịch. “Các cá nhân, hộ kinh doanh online và thậm chí các doanh nghiệp sẽ ngày càng đẩy mạnh việc giao dịch, mua bán qua mạng. Điều này cũng là xu hướng phát triển nhanh trên toàn thế giới. Việc thu thuế cũng sẽ không quá khó nếu cơ quan thuế thật sự chủ động và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như ngân hàng, quản lý thị trường”, ông Nguyễn Đức Nghĩa nhận xét.
Phối hợp chợ điện tử, ngân hàng
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, trong đó bao gồm việc kinh doanh TMĐT và các cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, nội dung số. Trong đó, sẽ tăng cường quản lý, kết hợp với các đầu mối liên quan để thực hiện kê khai và nộp thuế thay cho các cá nhân.
Đã có số liệu liên quan Netflix
Tổng cục Thuế đã phối hợp với Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước để tiến hành thu thập thông tin liên quan đến số tiền của các tổ chức/cá nhân tại Việt Nam chuyển trả cho nhà cung cấp nước ngoài như Netflix thông qua các ngân hàng thương mại. Đến nay, Tổng cục Thuế đã có được số liệu liên quan Công ty Netflix và sẽ tiến hành yêu cầu Công ty Netflix thực hiện việc kê khai, nộp thuế tại Việt Nam trong thời gian tới...
Như vậy các sàn TMĐT hiện nay như Tiki, Sendo, Lazada... hay các đơn vị giao nhận có thể sẽ cung cấp thông tin chi tiết về những cá nhân bán hàng trên sàn hoặc phải thu thuế thay cho nhà nước.
Còn theo dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế TMĐT xuyên biên giới, các nhà cung cấp nước ngoài (Google, Facebook...) đăng ký giao dịch thuế điện tử cùng với đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và được cấp mã số thuế 10 số. Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam thì khách mua hàng hóa, dịch vụ của những đơn vị này có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay. Đồng thời, cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài thì ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay theo quy định. Tổng cục Thuế sẽ thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài cho ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch và thực hiện khấu trừ thuế khi cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận