24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngô Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trường Thành Group (TTA): Hiệu quả kinh doanh thấp, nợ vay cao

Đầu tư nhiều dự án phát điện, Trường Thành Group đang nợ lớn cùng những nỗi lo từ “đầu vào” tới “đầu ra”.

Tập trung phát triển điện “xanh”

Ngày 20/8 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã chấp thuận cho 135 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành Group) niêm yết lần đầu.

Tân binh sàn HOSE đang gây chú ý với giới đầu tư bởi hai lý do: được CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) tư vấn niêm yết và là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển điện năng, lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển rất tốt.

Công ty đang sở hữu và vận hành 3 nhà máy phát điện, bao gồm 2 nhà máy thủy điện tại Yên Bái là Ngòi Hút 2 (48 MW) vận hành từ đầu năm 2015) và Ngòi Hút 2A (8,4 MW) vận hành từ quý IV/2016.

Bên cạnh đó là trang trại điện mặt trời hồ Bầu Ngứ tại Ninh Thuận (61,8 MW), mới phát điện từ cuối năm 2019.

Xét ở mảng thủy điện, công suất hiện hữu của Trường Thành Group ở mức trung bình, thấp hơn so với một số doanh nghiệp đã niêm yết như Thủy điện Thác Bà (120 MW), Thủy điện Miền Trung (170 MW), Vĩnh Sơn-Sông Hinh (136 MW), Thủy điện Thác Mơ (150 MW), Thủy điện Miền Nam (122,5 MW), Thủy điện Cần Đơn (104 MW).

Tuy vậy, nếu tính thêm mảng điện mặt trời, Trường Thành Group nằm trong nhóm dẫn đầu về công suất trong số các doanh nghiệp có mảng năng lượng tái tạo.

Hiện Công ty đang đầu tư vào Nhà máy Thủy điện Pá Hu (Yên Bái), công suất 26 MW, dự kiến vận hành cuối năm nay; dự án điện mặt trời Hồ Núi Một 1 (Ninh Thuận), công suất 50 MW, dự kiến vận hành quý IV/2020; và dự án điện gió Phương Mai 1 (Bình Định), công suất 30 MW, dự kiến vận hành trong 2021.

Khi các dự án này hoàn tất, Trường Thành Group sẽ vươn lên là một trong những doanh nghiệp năng lượng tái tạo công suất lớn nhất trên sàn chứng khoán.

Trường Thành Group (TTA): Hiệu quả kinh doanh thấp, nợ vay cao

Trong số các dự án này, điện gió Phương Mai 1 do CTCP Phong điện Phương Mai, đơn vị liên kết của Trường Thành Group đầu tư. Năm 2018, Công ty đã góp 183,9 tỷ đồng vào Phong điện Phương Mai.

Đến tháng 4/2020, công ty này giảm vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng về 330 tỷ đồng, nên Trường Thành Group thu hồi lại 21,5 tỷ đồng vốn góp, đồng thời chuyển nhượng 4 triệu cổ phần cho CTCP Đầu tư công nghiệp xây dựng Hà Nội, khiến tỷ lệ sở hữu giảm xuống còn 35%.

Hiệu quả kinh doanh thấp, nợ vay cao

Nửa đầu năm nay, Trường Thành Group đạt doanh thu thuần 169,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỷ đồng, lần lượt tăng 58,9% và 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ dự án điện mặt trời hồ Bầu Ngứ được đưa vào phát điện từ cuối quý IV/2019.

So với kế hoạch kinh doanh cả năm đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Công ty thông qua, mức thực hiện trong nửa đầu năm mới chỉ tương đương 37,8% chỉ tiêu doanh thu và 30% lợi nhuận.

Quý III này, tình hình kinh doanh của Công ty nói riêng cũng như các doanh nghiệp thủy điện nói chung được kỳ vọng sẽ được cải thiện khi thời tiết miền Bắc bước vào cao điểm mùa mưa, lượng nước về nhiều giúp tăng công suất phát điện của nhà máy thủy điện.

Tuy vậy, giả định Công ty có thể tăng trưởng đột biến về lợi nhuận trong nửa cuối năm nay để hoàn thành kế hoạch đề ra, các chỉ số hiệu suất so với quy mô tài sản, nguồn vốn hiện vẫn còn khá thấp.

Cụ thể, với quy mô tổng tài sản 4.113 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 1.583 tỷ đồng đến cuối quý II/2020, các chỉ số tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Công ty trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 1,07% và 2,8%.

Giả định Công ty hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra với 140 tỷ đồng, ở quy mô tài sản hiện tại, các chỉ số ROA và ROE cũng mới tăng lên 4,4% và 8,8%.

Lý do thì có nhiều. Thứ nhất, các dự án mới đi vào vận hành, nguyên giá còn lớn, khấu hao chưa nhiều.

Thứ hai, các tài sản dở dang chưa đưa vào hoạt động còn lớn, với số dư khoản mục xây dựng cơ bản dở dang lên đến 981 tỷ đồng đến cuối quý II/2020, chiếm gần 1/4 tổng tài sản.

Thứ ba là gánh nặng nợ vay khiến chi phí lãi vay ăn mòn đáng kể lợi nhuận với dư nợ vay lên đến 2.334,2 tỷ đồng đến cuối quý II/2020, tăng 62 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trước đó, dư nợ vay ròng của Công ty tăng 795 tỷ đồng trong năm 2019 và 494 tỷ đồng năm 2018.

Riêng trong nửa đầu năm nay, chi phí lãi vay là 63,8 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước và chiếm đến 59% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh mang lại. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng khi các dự án dở dang đưa vào vận hành, tương ứng với chi phí lãi vay không còn được vốn hóa như giai đoạn đầu tư.

Khó mong sớm có cổ tức tiền mặt

Nhu cầu đầu tư còn lớn trong khi chưa có nguồn lực dự trữ, ưu tiên trước mắt của Trường Thành Group vẫn là tiếp tục đầu tư vào các dự án dở dang và trả nợ sẽ khiến nguồn tiền thặng dư của Công ty mỏng. Với thực tế đó, Công ty khó có khả năng trả cổ tức tiền mặt trong tương lai gần.

Một điểm cũng cần lưu ý là hoạt động của các nhà máy thủy điện phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, cụ thể là lượng mưa tại khu vực đặt nhà máy.

Cả ba nhà máy thủy điện của Trường Thành Group (2 nhà máy đã vận hành, 1 nhà máy chuẩn bị vận hành) đều đặt tại Yên Bái nên hiệu quả kinh doanh của Công ty phụ thuộc vào biến động thời tiết tại khu vực này.

Đối với các dự án điện mặt trời đặt tại Ninh Thuận, ngoài thời tiết còn là sự ổn định của hệ thống truyền tải.

Báo cáo của Công ty cũng cho biết, trong nửa đầu năm 2020, doanh thu đã bị ảnh hưởng khi lượng nước thiếu hụt do hiện tượng El Nino dẫn đến doanh thu của 2 nhà máy Ngòi Hút 2 và 2A đều giảm.

Trong khi đó, nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ cũng chỉ chạy được 60% công suất do tình trạng quá tải đường dây truyền tải tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận.

Công suất của nhà máy này chỉ mới được giải tỏa từ cuối tháng 6 khi trạm biến áp 220 KV Ninh Phước đi vào vận hành. Với tình trạng phát triển ồ ạt của điện mặt trời và sự phát triển không đồng bộ của hệ thống truyền tải điện, nỗi lo dư cung vẫn hiện hữu với các nhà máy điện mặt trời và điện gió mà Trường Thành Group đang đầu tư.

Cổ đông lớn là nhà thầu chính tại Trường Thành Group

Tại thời điểm cuối năm 2019, 7 cổ đông lớn nắm tới 99,37% vốn điều lệ của Công ty. Cụ thể, ông Trần Huy Đức – Chủ tịch Hội đồng quản trị giữ 50,08%; Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành (đơn vị do ông Trần Huy Đức làm Chủ tịch Hội đồng thành viên) giữ 23,63%; bà Nguyễn Thị Ngọc giữ 11,63%; ông Trần Huy Thiệu – Thành viên Hội đồng quản trị, em trai ông Đức, giữ 6,52%; ông Cao Đăng Mùi giữ 5,7% và ông Nguyễn Duy Viễn – Thành viên Hội đồng quản trị, giữ 2,44%.

Ngay trước khi trở thành công ty đại chúng vào đầu tháng 7/2020, cơ cấu cổ đông của Công ty đã có sự thay đổi đáng kể. Các cổ đông lớn hiện nắm giữ 65,04% vốn, phần còn lại do 401 cổ đông khác nắm giữ.

Xây dựng Trường Thành chính là đơn vị ký hợp đồng thi công cả ba dự án thủy điện cho Trường Thành Group là Ngòi Hút 2 năm 2010, trị giá 512 tỷ đồng, Ngòi Hút 2A năm 2014, trị giá 120 tỷ đồng và Pá Hu năm 2017, giá trị 614 tỷ đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả