24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Duy Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trương Mỹ Lan phủ nhận chuyển tiền về nhà, 108 nghìn tỷ và hơn 14 triệu USD đi đâu?

Tại phiên tòa ngày 11/3, đại diện viện kiểm sát xét hỏi một số các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB.

Trương Mỹ Lan phủ nhận chuyển tiền về nhà, 108 nghìn tỷ và hơn 14 triệu USD đi đâu?
Bị cáo Trương Mỹ Lan ra tòa ngày 11/3 (ảnh BTC)

Bị cáo Trương Mỹ Lan không biết về các chuyến xe chở tiền

Bùi Văn Dũng, lái xe của bà Lan khai đã vận chuyển số tiền 108.878 tỷ đồng và 14.757.677 USD từ Ngân hàng SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc về nhà riêng, nhưng bà Lan lại khẳng định là không có và 5 luật sư sẽ trình bày các chứng cứ đó.

Hội đồng Xét xử xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về lời khai của Bùi Văn Dũng (lái xe của bà Lan) đã vận chuyển số tiền 108.878 tỷ đồng và 14.757.677 USD từ Ngân hàng SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (193 -203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP. HCM) hoặc về hầm B1, Tòa nhà Sherwood (127 Pasteur, quận 3, TPHCM) hoặc giao, đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Số tiền trên, bà Lan sử dụng để trả nợ tiền mua các bất động sản; mua cổ phần các dự án và sử dụng vào các mục đích cá nhân khác. Về lời khai trên của lái xe, bà Lan khẳng định là không có và nói luật sư sẽ trình bày các chứng cứ đó.

Tòa đã cho gọi bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) lên xét hỏi và người này khẳng định, Trương Mỹ Lan chỉ đạo chuyển tiền cho Bùi Văn Dũng. Theo bị cáo Dung, SCB có 3 chi nhánh để chuyển tiền cho Lan rút tiền, gồm: Chi nhánh ở Cống Quỳnh, Sài Gòn, Bến Thành.

Theo bà Lan, ông Bùi Văn Dũng có chở tiền nhưng không phải theo chỉ đạo của bà và tòa nhà Sherwood là căn hộ cho thuê chứ không chỉ là nhà riêng.

Về cáo buộc, thông đồng, câu kết với các công ty thẩm định giá để cấp chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; không hoàn thiện thủ tục thế chấp, không đăng ký giao dịch bảo đảm để hoán đổi tài sản bảo đảm; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân; bán nợ xấu, cấn trừ nợ để giảm dư nợ tín dụng và tỷ lệ nợ xấu, bà Lan trả lời không quen biết ai trong công ty thẩm định giá.

Chỉ đạo chuyển tiền ra nước ngoài

Bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc ngân hàng SCB), khai biết được Trương Mỹ Lan là chủ thực sự của ngân hàng là căn cứ vào thời điểm tháng 9/2019 khi vào làm việc tại ngân hàng được bị cáo Lan dẫn vào các cuộc họp với các lãnh đạo SCB.

Cạnh đó, trên thực tế Trương Mỹ Lan là người quyết định cho Trương Khánh Hoàng được bổ nhiệm phó Tổng giám đốc rồi quyền Tổng giám đốc ngân hàng SCB.

Về việc rút tiền ra khỏi SCB, Hoàng khai trước khi Trương Mỹ Lan cần tiền thì sẽ họp với lãnh đạo SCB và chỉ đạo bị cáo là đầu mối để lập hồ sơ, tài sản đảm bảo và số tiền cần giải ngân.

Trong số những lần cần rút tiền thì một phần sẽ tổ chức các cuộc họp, một phần Trương Mỹ Lan gọi điện riêng cho bị cáo để chỉ đạo.

Trương Khánh Hoàng cho biết bản thân là quyền Tổng giám đốc nên bị cáo đã phê duyệt nhiều lệnh chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán mua cổ phần của các công ty nước ngoài và chuyển tiền đặt cọc để mua tài sản ở nước ngoài cho Trương Mỹ Lan. Sau đó là làm thủ tục hủy cọc, từ đó số tiền gối đầu qua các lần chuyển ra nước ngoài là rất lớn.

Cạnh đó, bị cáo còn phê duyệt nhiều lệnh chuyển tiền để thanh toán các khoản tiền trong thẻ tín dụng khi Trương Mỹ Lan đi nước ngoài.

Tự lập ba trung tâm để giải ngân

Cáo trạng xác định các bị cáo trong vụ án đã thành lập ba đơn vị cho vay chỉ để phục vụ cho các khoản vay của Trương Mỹ Lan.

Đó là Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale, Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc Khối doanh nghiệp (có đơn vị trực thuộc là Hub kinh doanh trực tiếp khách hàng doanh nghiệp), Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc Khối Dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân.

Ba trung tâm này trực thuộc hội sở ngân hàng SCB, có chức năng giải ngân nhưng không có bộ phận kho quỹ và con dấu riêng mà sử dụng con dấu của đơn vị khác khi hoạt động và chỉ lập hồ sơ cho vay đối với các khoản vay của Trương Mỹ Lan.

Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng SCB) khai, bị cáo Lan sử dụng tiền vay đó để mua, thanh toán các dự án, mua các bất động sản, sau đó dùng chính bất động sản đó để vay tiền từ SCB.

Về cách phân biệt hồ sơ vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan với hồ sơ thông thường, bị cáo Dũng khai đó là ký hiệu "HSTT" (hội sở tiếp thị) trên các hồ sơ.

Về dòng tiền đã giải ngân, Ngân hàng SCB ghi nhận số tiền giải ngân cho các cá nhân, pháp nhân theo các phương án vay vốn đã được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân.

Dòng tiền của 1.284 khoản vay của Trương Mỹ Lan xác định được như sau: Trả nợ khoản vay cũ tại Ngân hàng SCB là 57.029 tỷ đồng; Tổ chức/cá nhân chuyển khoản ra ngoài hệ thống SCB là 381.303 tỷ đồng; Tổ chức/cá nhân chuyển khoản nội bộ trong Ngân hàng SCB: 5.275 tỷ đồng

Tổ chức/cá nhân rút tiền mặt: 81.873 tỷ đồng (Chi nhánh Sài Gòn 50.086 tỷ đồng, Chi nhánh Cống Quỳnh 16.952 tỷ đồng; Chi nhánh Bến Thành: 14.1717 tỷ đồng, Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch: 537,35 tỷ đồng, Chi nhánh Phú Đông 323,7 tỷ đồng, Chi nhánh Tân Định 21,2 tỷ đồng).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả