menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồ Anh Tài

Trưởng đại diện JETRO: Việt Nam rất mạnh ngay cả khi đối mặt với nguy cơ

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội nhấn mạnh Việt Nam là một địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất đối với doanh nghiệp Nhật Bản.

Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản là một trong những mục tiêu chính của Văn phòng JETRO tại Việt Nam. Những hoạt động chính của Văn phòng JETRO tại Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu trên?

Hoạt động chính của Văn phòng JETRO tại Việt Nam là xúc tiến đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong đó về thương mại thì hoạt động chính là hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm từ Nhật Bản sang Việt Nam.

Các biện pháp hỗ trợ cụ thể như: Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia gian hàng triển lãm tại các sự kiện triển lãm tại Việt Nam; Tổ chức các buổi đàm phán kết nối kinh doanh (business matching); Phái cử doanh nghiệp mua hàng (nhà nhập khẩu) sang Nhật Bản tham dự các triển lãm giới thiệu sản phẩm; Tư vấn hoạt động xuất khẩu dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn; Hỗ trợ riêng bởi các chuyên gia xuất khẩu; Cung cấp thông tin thông qua các hội thảo; Cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu (Trade Tie-up Promotion Program:TTPP)…

JETRO sử dụng nhiều kênh hỗ trợ khác nhau để hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại. Tất cả các văn phòng JETRO trên toàn Nhật Bản đều tiếp nhận và hỗ trợ các cuộc hội đàm thương mại. Tham khảo thông tin về TTPP tại đây: https://www.jetro.go.jp/ttppoas/index.html

Hiên nay, do tác động của dịch Covid-19, việc đi lại quá cảnh bị hạn chế, do vậy chúng tôi đang rất tích cực trong việc tổ chức các hội đàm thương mại trực tuyến. Từ ngày 24/8, chúng tôi bắt đầu triển khai chương trình hội đàm thương mại có tên “Good Goods Japan”, chương trình trưng bày các mặt hàng tiêu dùng ưu việt của Nhật Bản tại văn phòng JETRO Hà Nội, các nhà nhập khẩu có thể trực tiếp ghé thăm và xem các mặt hàng.

Với các doanh nghiệp muốn có thông tin chi tiết hơn thì chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các buổi họp trực tuyến giữa các bên. Thông qua chương trình, đến nay đã có 30 buổi hội đàm và bắt đầu cho thấy kết quả tích cực của việc tiến tới ký kết hợp đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các hội đàm thương mại tương tự cho các dịch vụ và mặt hàng khác nhau của mỗi địa phương Nhật Bản.

Theo ông, doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá về Việt Nam như thế nào, cả về cơ hội và thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19?

Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang phải đối mặt các rủi ro. Thứ nhất, hạn chế hoạt động kinh doanh do gặp khó khăn trong việc di chuyển. Thứ hai, mức độ phục hồi của thị trường nội địa Việt Nam. Thứ ba, thị trường xuất khẩu chính Nhật, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và ASEAN chưa rõ dấu hiệu phục hồi. Thứ tư, các doanh nghiệp Nhật Bản có trụ sở chính tại Nhật đang thận trọng trong việc mở rộng đầu tư.

Trong những rủi ro nêu trên thì điểm thứ nhất và thứ hai có thể dần trông thấy khả năng phục hồi, nhưng điểm thứ ba và thứ tư thì rất khó để dự đoán.

Còn về mặt tích cực, thứ nhất, hoạt động kinh doanh vẫn tiếp diễn do kiểm soát tốt dịch Covid-19. Thứ hai, hoạt động kinh tế tương đối ổn định so với các nước lân cận. Thứ ba, Chính phủ Việt Nam rất tích cực trong việc thu hút mời gọi đầu tư từ nước ngoài, đặt biệt là đặt kỳ vọng cao đối với đầu tư từ Nhật Bản. Thứ tư, sự phát triển của hoạt động số hóa và khởi nghiệp được cho là cơ hội để phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới.

Thêm vào đó là trước thời kỳ Covid-19, Việt Nam có thể tuyển dụng nguồn nhân lực với giá thấp. Việc Việt Nam tham gia ký kết nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA) được coi là lợi thế.

Trưởng đại diện JETRO: Việt Nam rất mạnh ngay cả khi đối mặt với nguy cơ
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư ICT Nhật Bản vào Đà Nẵng, ngày 30/9/2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói “Việt Nam có không gian đủ lớn cho các kế hoạch đầu tư, kinh doanh tham vọng, phù hợp với các chiến lược tái cấu trúc và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản”. Ông nghĩ gì về nhận định trên?

Tôi xin nêu ra một ví dụ gần đây. Theo kết quả thẩm tra lần 1 của Văn phòng cục JETRO về “Chương trình hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng nước ngoài”, trong số 30 doanh nghiệp được lựa chọn thì có 15 doanh nghiệp tại Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhìn chung, đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản đều giảm, trong bối cảnh như vậy vẫn có tới 15 doanh nghiệp “rất tích cực trong việc đầu tư tại Việt Nam”. Điều này thể hiện rằng “Việt Nam rất mạnh ngay cả khi đối mặt với nguy cơ”.

Điều này cũng đã nhận được sự đánh giá rất cao từ Chính phủ Việt Nam và ngày 7/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có buổi gặp mặt đối thoại với các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có 14 doanh nghiệp được lựa chọn (1 doanh nghiệp vắng mặt do không nhập cảnh được). Thủ tướng đã trực tiếp lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và rất nhiệt tình trả lời giải đáp thắc mắc.

Doanh nghiệp Nhật Bản từ những năm 2000 có xu hướng đầu tư quá nhiều vào Trung Quốc do coi Trung Quốc là địa điểm sản xuất, thị trường lớn mạnh. Hiện nay nhận thấy rằng đó là rủi ro nên doanh nghiệp cần phải phân tán địa điểm sản xuất.

Các quốc gia chính ở ASEAN thì nước nào cũng có ưu và nhược điểm, nhưng kể từ khi gia nhập WTO thì môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày một tốt hơn. Theo các khảo sát của JETRO những năm gần đây thì Việt Nam đã trở thành một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất đối với doanh nghiệp Nhật Bản.

Ban đầu Việt Nam được chú ý với tư cách là địa điểm xuất khẩu, nhưng với dân số 95 triệu người, Việt Nam cũng là thị trường nội địa tiềm năng, do vậy đầu tư hướng đến thị trường nội địa gia tăng. Trong khối ASEAN, quốc gia vừa là địa điểm xuất khẩu hấp dẫn đồng thời lại có thị trường nội địa tiềm năng rất ít. Việt Nam trong trung và dài hạn sẽ tiếp tục là nước có nền kinh tế tăng trưởng tốt.

Ông từng nhận định rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ sớm phục hồi trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Tại sao vậy?

Tình hình thực tế không đơn giản như vậy. FDI bao gồm đầu tư của các doanh nghiệp đã có mặt tại Việt Nam và đầu tư của các doanh nghiệp chưa có mặt tại Việt Nam. Tùy vào sự kiểm soát dịch Covid-19, đầu tư của doanh nghiệp đã có mặt tại Việt Nam được kỳ vọng rằng sẽ sớm phục hồi hơn và thực tế là đã có một phần đang phục hồi. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc bị hạn chế di chuyển nên sự phục hồi đầu tư của các doanh nghiệp chưa có mặt tại Việt Nam sẽ cần nhiều thời gian hơn.

Theo một cách nhìn khác thì tùy vào ngành nghề, dịch vụ sản phẩm, thị trường tiêu thụ mà thời gian phục hồi cũng khác nhau. Cụ thể các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, dịch vụ bán lẻ, thương mại điện tử, IT, y tế hướng đến thị trường nội địa và các sản phẩm liên quan đến máy móc IT, máy tính hướng đến thị trường đang có sự phục hồi nhanh là Trung Quốc thì FDI được kỳ vọng sẽ nhanh chóng hồi phục.

Tuy nhiên, đầu tư mở rộng liên quan đến xe hơi, du lịch và khách sạn, xây dựng, hạ tầng thì chưa thấy có triển vọng hồi phục. Thậm chí nghe nói xây dựng, hạ tầng sẽ cho thấy tác động tiêu cực.

Hơn nữa, tùy thuộc vào tình hình tài chính của công ty mẹ cũng như tình hình kinh tế của quốc gia đó mà đầu tư nước ngoài sẽ khác nhau.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại