Trước thềm nối lại đàm phán, Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều mâu thuẫn về thương mại
Mỹ và Trung Quốc sắp khởi động lại đàm phán thương mại trong tuần này sau hai tháng đình trệ, nhưng sau 1 năm chiến tranh thương mại, mâu thuẫn giữa đôi bên vẫn chưa thể thu hẹp.
Sau cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Nhật Bản vào cuối tháng 6/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý đình chỉ triển khai hàng rào thuế quan mới vô thời hạn, đồng thời cả hai bên sẽ nối lại đàm phán.
Sau đó, ông Trump cho biết Trung Quốc sẽ nối lại việc mua lượng lớn nông sản Mỹ và Washington sẽ nới lỏng lệnh cấm đối với “gã khổng lồ” viễn thông Huawei Technologies của Trung Quốc.
Thế nhưng, nguồn tin thân cận và các nhà quan sát thương mại Trung Quốc ở Washington cho biết hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung dường như vẫn chưa vạch rõ con đường để các nhà đàm phán giải quyết những bế tắc đã khiến các cuộc đàm phán đổ vỡ vào đầu tháng 5/2019.
Tuần trước, một quan chức Mỹ cho biết, hai bên sẽ nối lại đàm phán bằng một cuộc điện đàm giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Phát ngôn viên của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, cuộc điện đàm được dự kiến diễn ra trong tuần này nhưng không đưa ra thêm thông tin chi tiết.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện những thay đổi chính sách sâu rộng để bảo vệ tốt hơn cho sở hữu trí tuệ của Mỹ, chấm dứt chuyển giao công nghệ bắt buộc và đánh cắp bí mật thương mại cũng như kìm hãm các khoản trợ cấp công nghiệp. Các quan chức Mỹ cho biết điều quan trọng hơn là sự thống trị của các ngành công nghệ cao trong tương lai, từ trí tuệ nhân tạo cho tới hàng không vũ trụ (aerospace).
“Đã có sự thay đổi trong bầu không khí giữa hai bên”, Derek Scissors, Chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cho hay. “Mặc dù điều này sẽ tác động tích cực tới thị trường nhưng chính quyền Mỹ không nói cụ thể một điều gì về cách thức giải quyết tình trạng bế tắc”.
Ông Scissors cho biết, cả hai bên đã có những gì họ muốn từ cuộc gặp Trump-Tập: Giảm bớt căng thẳng và trì hoãn triển khai hàng rào thuế quan mới.
“Áp lực mà bên này tạo ra cho bên kia đang khuếch tán tại thời điểm này. Tôi cho là tình trạng này sẽ kéo dài trong nhiều tháng”, ông Scissors nói thêm.
Không cam kết chắc chắn
Washington và Bắc Kinh dường như có suy nghĩ khác nhau về những gì hai nhà lãnh đạo đã đồng ý ở Osaka.
Ba nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán cho biết bên Trung Quốc không đưa ra những cam kết chắc chắn về việc lập tức mua nông sản Mỹ.
Trong khi đó, một nguồn tin cho biết ông Trump đã hai lần đề cập tới việc mua nông sản Mỹ trong cuộc gặp với ông Tập, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ đồng ý cân nhắc đưa các khoản mua nông sản vào thỏa thuận cuối cùng.
Cho tới nay, chỉ có một doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc mua gạo từ Mỹ nhưng với khối lượng không nhiều. Trong tuần qua, các quan chức và tài khoản mạng xã hội của Trung Quốc (có liên kết với các tờ báo Nhà nước) nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận nào – trong đó có khoản mua nông sản Mỹ – đều phụ thuộc vào việc Mỹ có dẹp bỏ hàng rào thuế quan hay không.
“Bên Trung Quốc nói rõ họ chưa hứa hẹn bất kỳ điều gì”, dựa trên nguồn tin thân cận. “Ý tưởng cho rằng Trung Quốc sẽ từ bỏ lợi thế chính của họ trước khi có thỏa thuận không hợp lý. Tôi có thể thấy họ mua thịt heo và đậu nành, nhưng khối lượng không cao”.
Các quan chức Mỹ cũng hạ thấp tác động từ cam kết cho phép Huawei mua các sản phẩm công nghệ từ Mỹ, trong đó Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết Mỹ chỉ bán những sản phẩm bán dẫn cấp thấp cho Huawei.
Tuần trước, Reuters đưa tin nhân viên triển khai lệnh cấm Huawei của Bộ Thương mại Mỹ được chỉ đạo tiếp tục đối xử với Huawei như một thực thể trong danh sách đen khi Bộ Thương mại Mỹ cân nhắc yêu cầu cấp giấy phép để các công ty Mỹ bán sản phẩm và dịch vụ cho Huawei.
Các quan chức Trung Quốc nói rõ họ chỉ có thể buộc Mỹ nhượng bộ về Huawei tại cuộc đàm phán ở Osaka, trong khi các yêu cầu khác của họ không được đáp ứng, như yêu cầu dẹp bỏ hàng rào thuế quan hiện tại.
Vì vậy, tâm điểm chú ý trong các cuộc đàm phán sắp tới là việc loại bỏ hàng rào thuế quan, các quan chức này cho hay.
Một nguồn tin thân cận thứ hai cho biết hàng rào thuế quan của Mỹ lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và hàng rào thuế quan của Trung Quốc đối với 160 tỷ USD hàng hóa Mỹ có thể được xem là “trạng thái bình thường mới”.
Một quan chức Trung Quốc cho biết các cuộc đàm phán thương mại sẽ nhanh chóng được khởi động lại nhưng vẫn còn “khoảng cách khá lớn” về yêu cầu cốt lõi giữa đôi bên và sẽ là thách thức lớn để hai bên nhất trí về những vấn đề gai góc nhất.
“Môi trường đàm phán thậm chí còn nghiêm trọng hơn”, vị quan chức này cho biết.
Một quan chức khác cho biết Trung Quốc vẫn lo ngại về sự hiện diện của những “chú diều hâu” trong phái đoàn Mỹ, như Cố vấn Thương mại Peter Navarro.
“Có sự bắt nạt ở đó”, vị quan chức này nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lại lời ông Tập nói với ông Trump tại Osaka (Nhật Bản) rằng “về những vấn đề liên quan tới chủ quyền và sự tự tôn, Trung Quốc phải bảo vệ những lợi ích cốt lõi”.
Một nhà ngoại giao cấp cao về châu Á cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc không thể nhún nhường Mỹ và chịu áp lực tiến tới kết quả được xem là bình đẳng và cân bằng.
“Một thỏa thuận thương mại không thể được mô tả là một chiến thắng dành cho Mỹ”, nhà ngoại giao này dẫn lại cuộc trao đổi với các quan chức Trung Quốc.
Không có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ sử dụng một văn bản đã được nhất trí phần lớn trước khi các cuộc đàm phán đổ vỡ vào đầu tháng 5/2019.
Bắc Kinh đã loại bỏ những cam kết về việc thay đổi luật, cho rằng điều này sẽ vi phạm chủ quyền quốc gia.
Ông Lighthizer khăng khăng cho rằng Trung Quốc phải thay đổi luật thì các cam kết cải cách của Bắc Kinh mới có thể triển khai được.
Việc tìm cách giải quyết vấn đề này là tối quan trọng cho các cuộc đàm phán Mỹ-Trung. Ngoài ra, vẫn còn nhiều vấn đề khó giải quyết khác, bao gồm cấu trúc của cơ chế triển khai – vốn được thiết kế để buộc hai bên phải tuân thủ theo các cam kết mà họ đề ra.
Việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc kìm hãm các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp Nhà nước, khả năng tiếp cận thị trường điện toán đám mây của Trung Quốc, sự phê duyệt về công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và quy mô cuối cùng của khoản mua nông sản Mỹ là những vấn đề gây chia rẽ hai bên.
Claire Reade, cựu nhà đàm phán thương mại Trung Quốc tại Đại diện Thương mại Mỹ và hiện là luật sư thương mại tại công ty Arnold & Porter, cho biết vẫn có khả năng hai bên đạt được thỏa thuận.
Để tránh bị xem là nhún nhường Mỹ, Trung Quốc có thể thực hiện một vài động thái pháp lý về các vấn đề quan trọng trước khi hai bên tiến tới thỏa thuận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận