Trước ngày nghỉ lễ: Nhiều người ra đường không có lý do cấp thiết
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện yêu cầu các địa phương tăng cường thực hiện nghiêm, triệt để, dứt khoát việc giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”; tuyệt đối không để xảy ra trường hợp tập trung đông người, không để tình trạng người dân di chuyển, ra đường gia tăng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9. Tuy nhiên, ghi nhận trong ngày 1-9, trên địa bàn Hà Nội vẫn có nhiều người bị xử phạt do ra đường không có lý do cấp thiết.
Tăng cường tuyên truyền
Tại quận Đống Đa, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự Nguyễn Ngọc Phương cho biết, phường đã triển khai đa dạng các biện pháp thông tin tuyên truyền tại tổ dân phố, khu dân cư như phát trên hệ thống loa phát thanh của phường 3 lần/ngày, phát bằng loa di động tại 14/14 tổ dân phố hằng ngày. Cùng với đó, phường cũng huy động các tổ Covid-19 cộng đồng, cấp ủy chi bộ, Ban Công tác mặt trận cùng vào cuộc, thông tin, tuyên truyền tới người dân quán triệt thực hiện việc không ra đường, không tập trung đông người dịp 2-9.
Chị Nguyễn Minh Thảo, ở phố Phạm Ngọc Thạch, phường Trung Tự cho biết, qua hệ thống loa phường hằng ngày, người dân hiểu rõ nguy cơ, tình hình dịch bệnh trên địa bàn, các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch của thành phố nên không hoang mang, lo sợ; lạc quan tin tưởng vào sự điều hành của chính quyền.
Thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã huy động 100% lực lượng trực chốt và tổ chức tuần tra khép kín. Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, các lực lượng tham gia chống dịch tổ chức ứng trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, làm dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm, bùng phát trong dịp nghỉ lễ 2-9. Quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, công an các phường Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống… thường xuyên tổ chức tuần tra khép kín địa bàn, nếu phát hiện tập trung đông người, vi phạm giãn cách xã hội sẽ xử lý nghiêm.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết, huyện yêu cầu các xã, thị trấn vận động từng hộ dân thông tin cho người thân đang ở ngoài địa bàn huyện không trở về quê trong thời gian giãn cách xã hội, kể cả dịp nghỉ lễ 2-9. Nếu những người từ địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội vẫn cố tình trở về, huyện sẽ áp dụng mức phạt cao nhất 20-30 triệu đồng/người, phải cách ly y tế tập trung và tự chi trả chi phí cách ly... Ngoài ra, những trường hợp vi phạm sẽ bị thông báo trên loa truyền thanh của xã.
Kiểm soát chặt, xử phạt nghiêm
Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động, nâng cao ý thức chấp hành, các địa phương cũng kiểm soát chặt chẽ tại chốt trực, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm. Ghi nhận của phóng viên trong ngày 1-9, ở quận Hai Bà Trưng, vẫn còn một số người viện lý do ốm đau, mua thuốc để ra đường.
Tại phường Trương Định, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử phạt 5 trường hợp ra đường không có lý do chính đáng với tổng số tiền phạt là 5 triệu đồng. Chủ tịch UBND phường Trương Định Trần Anh cho biết, để kiểm soát người dân chấp hành quy định giãn cách trong dịp nghỉ lễ 2-9, UBND phường đã tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, yêu cầu các tổ Covid-19 cộng đồng đến từng khu phố, ngõ xóm nhắc nhở người dân. Bên cạnh đó, duy trì công tác bảo vệ “vùng xanh”, tăng cường lực lượng ứng trực tại các chốt chặn, không để người dân ra đường khi không có lý do chính đáng.
Tương tự, tại địa bàn quận Ba Đình, theo Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh Đỗ Công Hải, để ngăn người dân ra đường đông, nhất là trong dịp nghỉ lễ, UBND phường tiến hành kiểm soát chặt tại 55 chốt trên toàn địa bàn. Đồng thời, thành lập tổ kiểm tra cơ động để kiểm soát việc thực hiện giãn cách. UBND phường bố trí lịch trực 24/24/7 tại Sở Chỉ huy phòng, chống dịch của phường, tiếp tục tăng cường lực lượng kiểm tra thường xuyên tại các chốt, trung bình mỗi chốt kiểm soát trên 3 tuyến đường lớn. Trong ba ngày (từ 29 đến 31-8), UBND phường ra quyết định xử phạt 10 trường hợp với số tiền 18 triệu đồng. Các trường hợp này đều ở quận khác, với lỗi vi phạm chủ yếu là ra đường không cần thiết, không bảo đảm giãn cách, giấy tờ đi đường không đúng quy định, không hợp lệ.
Trước đó, ngày 31-8, huyện Mỹ Đức đã xử lý 25 trường hợp (chủ yếu là lỗi ra đường khi không có việc cần thiết) với số tiền 37,5 triệu đồng. Ngoài ra, huyện vừa yêu cầu Công an huyện khẩn trương hoàn thiện, củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm 2 trường hợp gây lây lan dịch Covid-19 trên địa bàn thôn Kênh Đào (xã An Mỹ) và thôn Tiên Mai (xã Hương Sơn).
Tại huyện Hoài Đức, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng duy trì trực kiểm soát tại 486 chốt trên địa bàn; kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp ra khỏi nhà không có lý do chính đáng. Tính đến nay, huyện Hoài Đức đã xử phạt 517 cá nhân và 24 cơ sở vi phạm các quy định phòng, chống dịch với số tiền hơn 1,441 tỷ đồng.
Trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, chỉ một hành động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, có thể dẫn đến phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của thành phố và sinh kế, sức khỏe, tính mạng của người dân, cộng đồng. Chính vì vậy, mọi người dân và tổ chức, doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm; đồng hành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch của thành phố.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận