24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Hải
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trước áp lực lạm phát, tỷ giá và lãi suất, đâu là điểm sáng của ngành thép trong năm 2023?

Triển vọng ngành thép năm 2023 vẫn chưa có nhiều điểm sáng và còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức khi mối lo về nguy cơ suy thoái kinh tế còn tiềm ẩn.

Thời gian tới, nhu cầu trong nước dự báo tiếp tục suy yếu, trong khi thị trường xuất khẩu chịu ảnh hưởng do suy thoái kinh tế khiến triển vọng ngành thép vẫn kém tích cực. Tuy nhiên, các giải pháp mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công có thể giúp thị trường thép nhìn thấy những “điểm sáng” trong năm 2023.

Ba quả tạ “ghìm chân” ngành thép

Áp lực từ các nền kinh tế lớn sẽ khiến cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước khó khăn hơn trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thép xây dựng. Trong khi đó, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, biến động giá cũng sẽ là yếu tố gây ra nhiều thách thức cho ngành công nghiệp này.

1. Giá nguyên liệu biến động

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), 2022 là một năm đầy biến động đối với giá nhiều loại mặt hàng được giao dịch liên thông với thế giới. Bước sang năm 2023, các sức ép có thể sẽ được giảm bớt, nhưng sự ổn định vẫn khó đạt được trong ngắn hạn.

MXV cho rằng các doanh nghiệp thép trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần theo dõi sát sao diễn biến giá các nguyên liệu đầu vào nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hiện tại, giá các nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thép ghi nhận bước phục hồi đáng kể so với giai đoạn nửa năm trước. Nguyên nhân chính cho xu hướng này là sự mở cửa trở lại của thị trường tiêu thụ kim loại hàng đầu Trung Quốc, đã giúp triển vọng tiêu thụ tích cực hơn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép có khả năng tiếp tục tăng nữa trong bối cảnh giá thế giới vẫn đi lên, nguyên vật liệu sản xuất chính như quặng sắt, chưa có dấu hiệu dừng đà tăng.

Tuy nhiên trong khoảng hơn một tuần trở lại đây, giá kim loại cơ bản đang có dấu hiệu gặp áp lực trở lại. Sức ép từ tình hình kinh tế vĩ mô trong giai đoạn các quốc gia phương Tây tăng cường thắt chặt tiền tệ, vẫn đang là rào cản lớn đối với bức tranh tổng thể về nhu cầu kim loại.

Nhìn chung, xu hướng giá hàng hoá nguyên liệu đầu vào cho hoạt động xây dựng trong năm 2023 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào bức tranh vĩ mô và triển vọng tiêu thụ.

2. Nhu cầu sụt giảm

Mặc dù lạm phát tại Mỹ và các quốc gia khu vực châu Âu đã có dấu hiệu hạ nhiệt và quy mô tăng lãi suất cũng bắt đầu giảm kể từ cuối năm ngoái, nhưng mối lo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang còn tiềm ẩn.

Trước áp lực lạm phát, tỷ giá và lãi suất, đâu là điểm sáng của ngành thép trong năm 2023?
Hiện các doanh nghiệp thép đang bước vào giai đoạn "bên kia sườn dốc" của chu kỳ kinh doanh

Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 2,9% trong năm 2023, giảm từ mức 3,4% của năm ngoái, trong đó ghi nhận đà suy yếu từ các nền kinh tế như Mỹ và châu Âu.

IMFdự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 6,2%, song tổ chức này cũng nhận định đây là con số tương đối tích cực trong bối cảnh biến động giá cả hàng hóa và áp lực từ thị trường thế giới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho rằng suy thoái kinh tế có thể hạn chế nhu cầu tiêu thụ sắt thép, nguồn lực chính phục vụ cho lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, một trong những động lực to lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, sự bất ổn của thị trường bất động sản cũng có thể làm giảm nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm thép. Với hơn 90% lượng tiêu thụ thép trong nước đến từ ngành xây dựng, thị trường nhà ở trì trệ có thể làm giảm nhu cầu trong nước trong năm tới.

Theo MXV, tiến độ của các dự án đang tồn đọng có thể bị chậm lại do vấn đề thanh khoản của chủ đầu tư bất động sản. Bên cạnh đó, kênh hộ gia đình cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của nền kinh tế nói chung, với tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất cao hơn.

3. Kênh xuất khẩu gặp khó

Về mảng thương mại quốc tế, thị trường xuất vẫn chưa thuận lợi do suy thoái, nhưng có khả năng phục hồi vào cuối năm.

Trước áp lực lạm phát, tỷ giá và lãi suất, đâu là điểm sáng của ngành thép trong năm 2023?
Sự bất ổn của thị trường bất động sản có thể làm giảm nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm thép

Năm 2023, khu vực ASEAN được dự báo dẫn đầu tăng trưởng về tiêu thụ thép nhờ định hướng đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng. Còn tiêu thụ thép của Mỹ vẫn tăng trưởng trong năm nay nhờ nhu cầu ô tô bật tăng sau dịch, chuỗi cung ứng bớt tắc nghẽn và đầu tư cho khai thác năng lượng tăng.

Ngược lại, châu Âu sẽ đi vào suy thoái nhẹ trong năm 2023 khiến nhu cầu thép của khu vực này suy giảm liên tục năm thứ hai liên tiếp. Tăng trưởng sản xuất và tiêu dùng của châu Âu có thể bị giới hạn trong vài năm do giá năng lượng cao

Hiện tại, Mỹ đang chiếm 8% thị phần xuất khẩu thép của Việt Nam, trong khi con số này tại thị trường châu Âu đang là 16%. Theo đó, sức mua từ các thị trường nhập khẩu hàng đầu suy yếu sẽ là thách thức lớn cho các doanh nghiệp thép trong nước.

Trong khi đó, xuất khẩu sang các đối tác thương mại lâu năm vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng công suất trong những năm gần đây ở các nước láng giềng.

“Đòn bẩy” cho ngành thép

Hiện nay, sự mở cửa trở lại của Trung Quốc hay sự bùng nổ trong giai đoạn xây dựng phát triển tại Ấn Độ đang khiến nguồn cung quặng sắt, than cốc, thép phế liệu từ các nước cung ứng chính như Trung Quốc, Úc và Brazil cạnh tranh hơn, kéo theo đà tăng của giá thép.

Mới đây, các nhà sản xuất thép lớn trong nước đã thông báo tăng giá bán thép các loại trong này 7.2 với mức tăng thêm 200.000-400.000 đồng/tấn. Đây là lần tăng giá thứ 4 liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng, đưa giá thép lên mức 15,5 - 16,5 triệu đồng/tấn.

MXV cho rằng giá thép ở thời điểm hiện tại đang ghi nhận đà tăng giá trở lại, song chủ yếu do mức tăng của giá nguyên liệu nhập khẩu trên thế giới, mà chưa thực sự xuất phát từ lực đẩy nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, điểm sáng kinh tế cho năm 2023 sẽ là chính sách thúc đẩy đầu tư công, nhằm củng cố đà tăng trưởng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, các giải pháp mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án xây dựng, giao thông… có thể giúp thị trường thép khởi sắc hơn, bù đắp phần nào cho sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản nhà ở.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang thực thi mạnh mẽ nhiều chính sách giải cứu thị trường bất động sản cũng là “đòn bẩy” giúp ngành thép có thêm động lực tăng trưởng, nhất là sau khi nước này dỡ bỏ chính sách Zero Covid và mở cửa trở lại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
3,306.00 -42.00 (-1.25%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả