Trung Quốc vượt Mỹ về nghiên cứu AI
Cuộc chiến tranh giành quyền lực tối cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) của hai siêu cường Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng.
Năm 2020, Trung Quốc lần đầu vượt qua Mỹ về số lần bài báo học thuật AI được trích dẫn. Đây là thước đo chất lượng của một nghiên cứu. Trước đó, Mỹ luôn qua mặt các nước khác về nghiên cứu AI. Theo báo cáo của Đại học Stanford, tỉ lệ trích dẫn các bài báo học thuật liên quan tới AI của Trung Quốc là 20,7%, cao hơn 19,8% của Mỹ. Từ năm 2012, Trung Quốc công bố 240.000 nghiên cứu học thuật về AI, đánh bại Mỹ (150.000). Các nghiên cứu của Trung Quốc cũng có chất lượng xuất sắc trong lĩnh vực nhận diện và tạo ra hình ảnh.
Một lý do Trung Quốc mạnh về AI như vậy là lượng dữ liệu khổng lồ mà họ phát sinh. Tính đến năm 2030, ước tính 8 tỷ thiết bị tại đây sẽ kết nối IoT. Chúng gắn trên xe hơi, cơ sở hạ tầng, robot và các trang thiết bị khác, sinh ra lượng lớn dữ liệu.
Nhà nghiên cứu cao cấp Weilin Zhao của Viện Nghiên cứu Itochu cho biết Trung Quốc xem AI là giải pháp bù đắp thiếu hụt lao động trong tương lai. AI được dùng trong nhiều ngành công nghiệp và ảnh hưởng lớn đến lợi thế cạnh tranh, an ninh quốc gia. Tháng 3, Ủy ban An ninh quốc gia về Trí tuệ nhân tạo Mỹ đã cảnh báo Mỹ có thể mất lợi thế AI trước Trung Quốc.
Tháng 6, Trung Quốc gây xôn xao khi sinh viên “ảo” Hua Zhibing nhập học Đại học Thanh Hoa. Hua có thể tiếp thu hình ảnh, ký tự, video, có năng lực nhận biết như một đứa trẻ 6 tuổi. Trong vòng 1 năm, Hua sẽ biết tư duy như đứa trẻ 12 tuổi, theo Xinhua. Hua biết làm thơ, vẽ tranh và dự kiến còn lập trình web trong tương lai.
Hua dựa trên Wudao 2.0, mô hình AI được phát triển dưới sự dẫn đầu của Học viện Trí tuệ nhân tạo Bắc Kinh, với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia. Mục tiêu là phát triển hình thức AI tiêu chuẩn có khả năng thực hiện nhiều công việc khác nhau, từng là độc quyền của con người. Công cụ này thông minh hơn nhiều so với GPT-3 mà Mỹ giới thiệu năm 2020.
Theo Phó Giáo sư Mamoru Komachi của Đại học Tokyo Metropolitan, để phát triển AI với năng lực này cần tới nguồn lực con người và tài chính khổng lồ. Chỉ có rất ít người chơi lớn làm được. Trung Quốc có hàng loạt học viện và công ty đủ sức duy trì lợi thế AI, bao gồm Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Viện Khoa học, Baidu và Xiaomi. Tất cả tham gia vào Học viện Trí tuệ nhân tạo Bắc Kinh, tác giả của Wudao 2.0.
Dù doanh nghiệp và đại học Mỹ vẫn mạnh về AI, vị thế ngày một cao của Trung Quốc vô cùng rõ rệt. Năm 2019, tại Hội thảo Hệ thống xử lý thông tin thần kinh – hội thảo hàng đầu về AI, các chuyên gia Trung Quốc chiếm 29% bài thuyết trình, tiếp đó là Mỹ với 20%.
Trung Quốc rất nỗ lực phát triển nhân tài tại quê nhà. Đại học Thanh Hoa và Đại học Giao thông Thượng Hải – hai trường nổi tiếng với các nghiên cứu AI nâng cao – cùng một số trường khác có khoảng 2.000 nhà nghiên cứu đã xuất bản nghiên cứu mỗi trường.
Năm 2017, Trung Quốc triển khai Kế hoạch Phát triển AI thế hệ mới với mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới toàn cầu. Các công ty cũng ngày càng tinh vi hơn, chẳng hạn, iFlytek thắng giải tổng hợp giọng nói quốc tế 14 năm liên tiếp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận