Trung Quốc và tham vọng án ngữ Nam Thái Bình Dương
Việc Trung Quốc thuê lại đảo ở Salomon không chỉ thể hiện tham vọng gây ảnh hưởng kinh tế, mà còn ẩn chứa dấu hiệu án ngữ về quân sự tại Nam Thái Bình Dương.
Mới đây, tạp chí The Australia Financial Review đưa tin đảo quốc Solomon đã ký kết thỏa thuận với một tập đoàn của Trung Quốc là China Sam để phát triển đảo Tulagi.
Cứ điểm mới của Trung Quốc
Nằm ở miền trung Solomon, đảo Tulagi có diện tích khoảng 2,8 km2 sẽ nhận sự đầu tư từ China Sam ở nhiều lĩnh vực như thương mại, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, ngư nghiệp... Theo một số thông tin, China Sam có quan hệ thân cận với chính phủ Trung Quốc.
Tạp chí The Australia Financial Review còn khẳng định phía Trung Quốc đang muốn đạt được thỏa thuận thuê đến 75 năm. Bên cạnh đó, đảo Tulagi được đánh giá là rất có tiềm năng phát triển một cảng nước sâu, nên có thể mở đường cho Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự ở Solomon, góp phần hình thành một cứ điểm mới cho Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương.
Chính vì thế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã lên tiếng cho rằng việc thành lập một căn cứ quân sự nước ngoài tại các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương là “đáng quan ngại”. Không nói trực tiếp đối tượng nào, nhưng phía Úc còn nhấn mạnh “các bên đầu tư vào Nam Thái Bình Dương cần minh bạch, duy trì các tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng nhu cầu thực sự của công dân sở tại”.
Lo ngại cho khu vực
Lo ngại của Úc chẳng phải không có cơ sở, bởi Trung Quốc từng có “thành tích” về việc lấy danh nghĩa đầu tư, giao dịch dân sự nhưng thực chất phục vụ quân sự. Nhận xét về việc Trung Quốc thuê đảo của Solomon, ông Peter Jennings, Giám đốc Viện Chính sách chiến lược Úc, khẳng định: “Sẽ sai lầm nếu xem đây là thương mại đơn thuần”.
Bên cạnh đó, vào tháng 4.2018, tờ The Sydney Morning Herald đưa tin một đảo quốc Nam Thái Bình Dương khác là Vanuatu đã cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự tại đây.
Cả Vanuatu lẫn Solomon đều nằm trên tuyến hàng hải kết nối Mỹ với Úc. Vì thế, nếu phát triển các căn cứ quân sự tại khu vực này, Trung Quốc có thể theo dõi được các động thái phối hợp giữa hải quân hai nước Mỹ và Úc. Một số nguồn tin khác cho rằng Bắc Kinh đang tiếp tục tìm kiếm cơ sở ở nhiều đảo quốc khác ở Nam Thái Bình Dương
Trong khi đó, thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Washington phát động, Mỹ cùng với Úc, Nhật, Ấn Độ đang hình thành một “tứ giác an ninh”. Chính vì thế, việc Bắc Kinh hình thành chuỗi căn cứ ở Nam Thái Bình Dương là cách “án ngữ” quân sự ở khu vực này nhằm cản trở “tứ giác an ninh”.
Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa dẫn đầu phái đoàn tham gia Diễn đàn hợp tác phát triển kinh tế Trung Quốc và các đảo quốc Thái Bình Dương lần thứ ba, diễn ra tại Apia (thủ đô Samoa) từ ngày 20 - 21.10. Báo Economic Daily dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay Bắc Kinh xem diễn đàn là sự kiện vô cùng đúng lúc, cho phép nước này mở rộng ảnh hưởng về kinh tế và ngoại giao tại khu vực Nam Thái Bình Dương.
Ý kiến
Tạo dựng sức mạnh quân sự
Nếu hợp đồng cho phép Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn đảo thì thỏa thuận này cho phép Bắc Kinh có vị thế đáng kể trên Thái Bình Dương, lấn vào sân sau của Úc.
Đây có thể xem là một phần quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm tạo dựng ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn sức mạnh quân sự trong khu vực. Tiếp theo bước đi này, Bắc Kinh có thể thông qua chương trình “Một vành đai - Một con đường” để tài trợ cho nhiều đối tác khó khăn khác ở Nam Thái Bình Dương, rồi từng bước theo đuổi chiến lược lâu dài.
(Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương ở Canada)
Không đơn giản cho Bắc Kinh
Việc đẩy mạnh tham vọng ở Nam Thái Bình Dương, điển hình là thuê đảo của Solomon, có thể dẫn đến 3 hệ quả không dễ dàng cho Trung Quốc.
Thứ nhất, các đảo trong khu vực này nhỏ nhưng “nhạy cảm”. Động thái mở rộng sang khu vực này của Trung Quốc đồng nghĩa với việc hình thành chuỗi đảo chiến lược thứ ba. Khi đó, Mỹ cùng với Úc sẽ phải phản ứng mạnh mẽ hơn vì cho rằng Trung Quốc trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn.
Thứ hai, khi Đài Loan bị mất quan hệ ngoại giao chính thức với các đối tác tại Nam Thái Bình Dương, Washington sẽ phải ủng hộ Đài Bắc mạnh mẽ hơn trong chiến lược chống Bắc Kinh. Đây sẽ là lá bài mà Mỹ khiến Trung Quốc gặp nhiều thách thức.
Thứ ba, với những gì đã diễn ra, thì các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương có thể lại “trở cờ” theo Mỹ hay Nhật. Quy mô đất nước khá nhỏ, các quốc đảo Nam Thái Bình Dương dễ dàng hài lòng với các khoản đầu tư không cần lớn, nên Nhật cùng Mỹ và Úc không khó để đưa ra các gói viện trợ đủ hấp dẫn. Vì thế, khả năng gắn kết của Trung Quốc tại đây không quá lâu dài.
(Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận