Trung Quốc và các quốc gia EU tiếp tục nhập khí đốt Nga
Công ty năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom đã lập kỷ lục mới về cung cấp khí đốt hàng ngày cho Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia.
Gazprom cung cấp khí đốt tự nhiên cho đối tác thương mại hàng đầu của mình theo hợp đồng dài hạn được ký kết với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC). Việc cung cấp khí đốt qua đường ống Sức mạnh Siberia là một phần của thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD kéo dài 30 năm giữa Gazprom và CNPC được ký kết vào năm 2014.
"Vào ngày 23/11, việc cung cấp khí đốt của Nga thông qua đường ống Sức mạnh Siberia một lần nữa vượt qua nghĩa vụ hợp đồng hàng ngày. Gazprom đã giao tất cả khối lượng được yêu cầu và lập kỷ lục lịch sử mới về nguồn cung cấp khí đốt hàng ngày cho Trung Quốc", công ty Gazprom cho biết trong một tuyên bố trên kênh Telegram của mình.
Một đoạn của Tuyến đường phía Đông giữa Nga và Trung Quốc
Trung Quốc hiện nhập khẩu phần lớn khí đốt của Nga thông qua đường ống này, một đoạn của hệ thống Tuyến đường phía Đông. Nó được khởi công một phần vào tháng 12/2019, trở thành đường ống đầu tiên cung cấp nhiên liệu của Nga cho quốc gia láng giềng Trung Quốc.
Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, nguồn cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua tuyến đường này sẽ đạt 22 tỷ m3 trong năm nay khi Moscow tiếp tục tăng cường hợp tác năng lượng với Bắc Kinh.
Bộ trưởng Thương mại Séc Jozef Sikela nói một số công ty của nước này bắt đầu nhập khẩu khí đốt từ Nga vào tháng 10.
Theo Bộ trưởng Thương mại Séc Jozef Sikela, các thương nhân ở nước này trước đó khuyến nghị Chính phủ Séc cho phép nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga.
Trước đó, ông Jozef Sikela tuyên bố Séc không nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2023 vì nước này đã đa dạng hóa nguồn cung. Ông cho hay, Séc đã mua khí đốt từ Na Uy và nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng đường biển qua các cảng Tây Âu.
Năm 2022, nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho thị trường EU bắt đầu giảm do đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc" bị phá hoại và một số quốc gia thành viên EU từ chối thanh toán việc nhập khẩu nhiên liệu từ Nga bằng đồng rúp, trong đó có Hà Lan, Đan Mạch, Bulgaria và Phần Lan.
Đáp lại các lệnh trừng phạt của EU, Moskva yêu cầu các nước ủng hộ chiến dịch trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga phải thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp thay vì USD hoặc euro.
Thành Hưng
______________________________________________________________________________
Nguồn: Tổng hợp
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận