Trung Quốc ủng hộ Nga đến đâu trong vấn đề Ukraine?
Báo "Le Monde" (Pháp) ngày 27/1 đăng bài viết có tựa đề “Khủng hoảng Ukraine: Sự ủng hộ mang tính hình thức của Bắc Kinh đối với Nga”.
Theo tờ báo này, theo quan điểm của Trung Quốc, khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) - một “di sản của Chiến tranh Lạnh” - lẽ ra đã biến mất vào năm 1991. Nhưng ngược lại, theo thời gian, liên minh này đã mở rộng phạm vi địa lý và địa chiến lược, khiến Trung Quốc phải có cách nhìn nhận khác. Mặc dù đang duy trì một mối quan hệ hữu hảo chưa từng có với Nga, song Trung Quốc vẫn không muốn bị cuốn vào một cuộc xung đột có thể làm xấu đi mối quan hệ của nước này với Liên minh châu Âu (EU).
Theo báo Pháp "Le Monde", trong cuộc đọ sức giữa Moskva và phương Tây về vấn đề Ukraine, Trung Quốc ủng hộ Nga. Tuy nhiên, mức độ ủng hộ đến đâu vẫn còn phải làm sáng tỏ. Tập Cận Bình và “người bạn cũ” Putin đã có cuộc trao đổi trực tuyến ngày 15/12/2021, trong đó Putin đã tái khẳng định sự phản đối của Nga đối với mọi hành động can thiệp của bên ngoài vào công việc nội bộ của hai nước. Theo báo chí Trung Quốc, về phần mình, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh “hai nước nên có nhiều hành động chung hơn để bảo vệ tốt hơn các lợi ích an ninh của mình và tăng cường hợp tác để có nhiều tiếng nói hơn trong quản trị toàn cầu và các vấn đề quốc tế”.
Theo Yuri Ushakov, cố vấn ngoại giao của Vladimir Putin, trong cuộc trao đổi này, phía Nga đã giải thích rõ những yêu sách được đưa ra với NATO và Mỹ. Và Tập Cận Bình hẳn đã đảm bảo rằng ông rất hiểu “các mối quan tâm của Nga và hoàn toàn ủng hộ các sáng kiến của Nga nhằm đạt được những đảm bảo về an ninh”.
Trong mắt của Bắc Kinh, NATO là “di sản của chiến tranh lạnh” và đáng lẽ khối này đã phải giải tán vào năm 1991 khi đã hoàn thành sứ mệnh đặt ra ban đầu là làm cho Liên Xô tan rã và khối Hiệp ước Vácsava giải thể. Và Mỹ đã không che giấu ý đồ nuôi dưỡng NATO để “duy trì sức ép đối với Nga và cầm cương trong chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu”.
Đối với giới quan sát phương Tây, Trung Quốc ngày càng có xu hướng ủng hộ Nga vì việc Ukraine trở lại vùng ảnh hưởng của Moskva có thể tạo tiền lệ để Trung Quốc biện minh cho công cuộc “tái thống nhất” Đài Loan với Đại lục. Năm 2019, trong một báo cáo trình Quốc hội Đài Loan, phòng an ninh quốc gia của hòn đảo này đã đánh giá rằng “để chống Đài Loan, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang sao chép các phương pháp mà Nga áp dụng cho việc sát nhập Crimea”.
Ngay cả khi ít có khả năng Trung Quốc công khai khoảng cách với Nga, cũng không có gì để nói rằng Bắc Kinh nhìn nhận những căng thẳng gia tăng xung quanh Ukraine với thái độ thiện chí vì Ukraine là quốc gia đang duy trì quan hệ ngoại giao và thương mại tốt với Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc có lẽ cũng không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột có thể chỉ làm xấu đi mối quan hệ của họ với EU.
Hiện quan hệ giữa Nga và Trung Quốc dường như đang ở trong những ngày tốt đẹp, bằng chứng mới nhất là việc Trung Quốc ủng hộ sự can thiệp của Nga vào Kazakhstan vào đầu tháng Giêng. Trong cuộc trao đổi trực tuyến nêu trên, tổng thống Nga đã xác nhận ông sẽ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông tại Bắc Kinh ngày 4/2. Khi còn làm thủ tướng, Putin cũng đã tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Hè ngày 8/8/2008 ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Thời điểm đó ông đã không nán lại lâu bởi trước đó vài giờ, Nga và Gruzia đã lao vào một cuộc chiến tranh quân sự.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận