menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
SAIGON FUTURES Pro

Trung Quốc trở lại thị trường Mỹ trong bối cảnh thời tiết bất lợi tại Nam Mỹ đẩy giá đậu tương tăng mạnh

Trong tuần vừa qua, giá các hợp đồng tương lai đậu tương trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) đã tăng mạnh, quán tính tăng giá đang tiếp tục kéo dài trong tuần này. Thị trường hàng hóa kỳ hạn đã lấy lại được sự bình tĩnh sau cuộc họp cuối cùng trong năm của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC). Tình trạng khô hạn tại khu vực Nam Mỹ cũng như sự trở lại của Trung Quốc đối với các đơn hàng đậu tương của Mỹ là nền tảng vững chắc đợt tăng mạnh giá đậu tương kể trên.

Khu vực Nam Mỹ đối diện với khô hạn nghiêm trọng

Khu vực Nam Mỹ đang thu hút được nhiều sự chú ý đối với giới đầu tư trên thị trường đậu tương kỳ hạn. Hiện tại, vụ đậu tương tại Mỹ đã kết thúc trong khi đó vụ đậu tương tại các khu vực Nam Mỹ như Brazil, Argentina, Paraguay – chiếm đến hơn 53% tổng sản lượng đậu tương thế giới (theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ) đang trong giai đoạn cuối của quá trình gieo trồng. Do đó, các vấn đề liên quan đến sự phát triển của vụ mùa tại khu vực Nam Mỹ sẽ được thị trường theo dõi sát sao. Trong bối cảnh hiện tại, thật không may khi các tác động của hiện tượng khí hậu cực đoan là La Nina đã không cho phép hoạt động gieo trồng đậu tương tại đây kết thúc trong một điều kiện lý tưởng nhất.

Tại Brazil, điều kiện thời tiết là hai câu chuyện trái ngược nhau đối với phía nam và phía bắc. Tại khu vực phía bắc của Brazil, các cơn mưa như trút nước đã xuất hiện tại nhiều bang thậm chí dẫn còn dẫn đến ngập lụt tại bang Bahia. Khu vực phía nam thì đối diện với tình trạng thiếu mưa và khô hạn nghiêm trọng, điều này gây ra tác động tiêu cực đối với vụ đậu tương tại một trong những bang có sản lượng đậu tương lớn nhất Brazil là Rio Grande do Sul.

Rio Grande do Sul, bang chiếm đến 16% tổng sản lượng đậu tương của Brazil (theo các số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ), đã trải qua một giai đoạn cực kỳ tồi tệ với điều kiện thời tiết khô hạn và lượng mưa thấp hơn so với bình thường kéo dài trong vòng 13 tháng kể từ tháng 10 năm 2020. Khu vực tây bắc của bang này – chiếm đến 53% sản lượng đậu tương của bang (theo Công ty tư vấn Agrural), đã trải qua đến 60 ngày mà không có một đợt mưa nào dù chỉ là mưa rào, điều này làm tác động lớn đến tiến độ nảy mầm cũng như sinh trưởng của cây. Trong tuần trước, theo các dữ liệu từ Emater thì Rio Grande do Sul đang trong giai đoạn có 99% đang trong giai đoạn nảy mầm và 1% còn lại đã bắt đầu ra hoa.

Tại Argentina, các vấn đề cũng diễn ra tương tự khi phần lớn đậu tương tại đây được gieo trồng trước đó đã bắt đầu nở hoa nhưng thời tiết trong tuần gần nhất đã trở nên nóng hơn và khô hơn, gây ảnh hưởng không tốt đến năng suất cây trồng. Tính đến tuần trước, theo các số liệu từ Sở giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires đậu tương đã trồng được 64.7%, thấp hơn 67.8% cùng kỳ năm trước và thấp hơn mức trung bình là 71.8%. Bên cạnh đó, dưới tác động của điều kiện thời tiết bất lợi, đánh giá cây trồng từ tốt đến tuyệt vời trong tuần trước chỉ đạt 75%, thấp hơn 13 điểm phần trăm so với tuần trước. Dự báo thời tiết cho thấy tình trạng khô hạn này có thể tiếp tục kéo dài trong vòng 10 ngày tới. Nếu các dự báo thời tiết là đúng, giai đoạn bất lợi cho năng suất của cây trồng tại đây sẽ tiếp tục diễn ra và tỷ lệ cây trồng từ tốt đến tuyệt vời nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm xuống.

Một quốc gia khác tại khu vực Nam Mỹ là Paraguay cũng trải qua tình trạng tương tự khi điều kiện thời tiết tại khu vực đông nam Paraguay cũng đối diện với tình trạng nóng hơn và khô hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giai đoạn tạo vỏ quan trọng của đậu tương. Các đánh giá chính xác về thiệt hại sẽ rõ ràng hơn khi thời gian thu hoạch bắt đầu vào đầu tháng 1 năm 2022.

Trung Quốc quay lại nhập khẩu các đơn hàng đậu tương lô lớn của Mỹ

Thị trường trong những tuần gần đây cũng đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc đối với đậu tương của Mỹ sau một giai đoạn giảm nhập khẩu bất thường. Theo các số liệu từ Cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong tháng 11 đạt 8.57 triệu tấn, cao hơn 68% so với tháng trước nhưng thấp hơn 5.5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhập khẩu đậu tương từ Mỹ tăng đến 368.2% so với tháng 10, chạm mức 3.63 triệu tấn. Con số này cho thấy hoạt động thu mua đậu tương từ Mỹ của Trung Quốc đã dần được cải thiện hơn về cuối năm do nhu cầu tăng cao trong dịp lễ Tết sắp đến.

Trong giai đoạn vừa qua, Trung Quốc vẫn duy trì là người mua đậu tương hàng đầu của Mỹ so với các quốc gia khác nhưng mức thu mua của Trung Quốc hầu như không có sự chuyển biến đột phá mà chỉ dao động ở mức thấp, do nhu cầu dùng đậu tương dùng trong ngành công nghiệp chăn nuôi khổng lồ của Trung Quốc đã suy giảm đáng kể khi quốc gia này khuyến khích dùng lúa mì làm nguyên liệu thay thế. Điều này thể hiện rõ ràng khi so sánh lượng nhập khẩu trong tháng 11 năm nay so với cùng kỳ năm trước, mức nhập khẩu đã thấp hơn đến 40%, tương đương với mức 6.04 triệu tấn cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, các dữ liệu giao hàng hàng tuần được công bố từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng đã làm sáng tỏ thêm luận điểm trên. Thông thường các đơn hàng đậu tương sang Trung Quốc sẽ chiếm phần lớn hơn 2/3 các đơn hàng từ Mỹ sang các quốc gia khác. Do đó, xu hướng giao hàng tổng thể của Mỹ sang các quốc gia sẽ bị chi phối lớn bởi các đơn hàng giao hàng sang Trung Quốc.

Trung Quốc trở lại thị trường Mỹ trong bối cảnh thời tiết bất lợi tại Nam Mỹ đẩy giá đậu tương tăng mạnh

Theo báo cáo, hàng lên tàu đậu tương Mỹ đang ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và đang trong xu hướng giảm. Các dữ liệu tuần mới nhất cho thấy hàng lên tàu đã chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10. Trong đó Trung Quốc vẫn là điểm đến hàng đầu của đậu tương Mỹ, với mức tăng nhẹ 12% so với tuần trước đó. Trong khi đó, giao hàng đậu tương sang Ai Cập giảm mạnh đến 146% so với tuần trước đó.

Các số liệu trên đã cho thị trường một lưu ý rằng, động lục tăng trưởng đối với nhu cầu thu mua đậu tương của Trung Quốc có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn khi đậu tương Brazil đang trở nên cạnh tranh hơn và thậm chí với một vụ mùa kỷ lục sẽ được thu hoạch sớm ngay trong tháng 12. Nhu cầu ngắn hạn Trung Quốc sẽ tăng cao do quốc gia này sắp bước vào kỳ nghỉ lớn trong năm và nhu cầu ép dầu đậu tương là rất lớn để có các thành phẩm phục vụ cho các bữa ăn hay gia tăng chăm sóc cho đàn lợn. Điều này cũng diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang có mức tồn kho đậu tương rất thấp, thậm chí trong những tuần trước một số các nhà máy đã phải giảm công suất ép do thiếu hụt đậu tương.

Trung Quốc trở lại thị trường Mỹ trong bối cảnh thời tiết bất lợi tại Nam Mỹ đẩy giá đậu tương tăng mạnh

Theo Trung tâm Thông tin Ngũ cốc và Dầu quốc gia Trung Quốc (CNGOIC), tính đến tuần kết thúc ngày 12/12: Tồn kho đậu tương Trung Quốc tăng 80,000 tấn so với tuần trước đó lên mức 4.3 triệu tấn, nhưng vẫn thấp hơn 2.06 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ép dầu đậu tương đạt 1.91 triệu tấn, tăng cao hơn so với tuần trước là 20,000 tấn.

Tồn kho cả dầu đậu tương và khô đậu tương đều giảm so với tuần trước. Cụ thể, tồn kho khô đậu tương giảm 60,000 tấn xuống còn 520,000 tấn. Trong khi đó, tồn kho dầu đậu tương tiếp tục sụt giảm 3 tuần liên tiếp với mức giảm trong tuần trước là 10,000 tấn xuống còn 790,000 tấn.

Các công ty hạ nguồn đã tăng cường thu mua tích trữ đối với các mặt hàng khô đậu tương và dầu đậu tương nhằm phục vụ cho việc chăn nuôi lợn đáp ứng các nhu cầu trong dịp lễ Tết sắp tới cũng như lo ngại về tình trạng chuỗi cung ứng sẽ gặp khó khăn trước làn sóng phong tỏa do dịch Covid-19.

Như vậy hiện tại thị trường đậu tương đang được hỗ trợ khá lớn về các yếu tố cơ bản liên quan đến thời tiết diễn biến thất thương tại các khu vực trồng đậu tương chính của Nam Mỹ, nơi chiếm hơn một nửa sản lượng đậu tương thế giới. Trong khi đo, sau một thời gian dài giảm sự quan tâm thì Trung Quốc đã bắt đầu trở lại thị trường đậu tương Mỹ với nhu cầu ép dầu dự kiến sẽ tăng cao trong dịp Tết đến gần. Nếu thị trường tiếp tục ghi nhận các đơn hàng đậu tương lô lớn được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố theo ngày, thì giá đậu tương sẽ tiếp tục được hỗ trợ rất lớn. Tuy nhiên, nếu điều kiện thời tiết khô hạn tại Nam Mỹ được cải thiện hay nói cách khác là ghi nhận được lượng mưa tốt sẽ tạo áp lực lên giá. Bên cạnh đó, thị trường cũng có thể bày tỏ sự thất vọng và tạo áp lực lên giá nếu như không ghi nhận được đơn hàng theo ngày nào từ Trung Quốc.

Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:

- Hotline: 0286 686 0068
- Website: https://saigonfutures.com/
- Fanpage: Saigon Futures Inc.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
SAIGON FUTURES Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

4 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại