Trung Quốc: Tín dụng phục hồi, cơ hội để nới lỏng chính sách
Các ngân hàng Trung Quốc chỉ cho vay mạnh hơn một chút trong tháng 5 để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại và bị tổn thương bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ. Điều đó cho thấy việc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ là cần thiết, cho dù điều đó có thể thúc đẩy lạm phát tăng cao hơn.
Cụ thể theo số liệu được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố ngày 12/6, các NHTM của Trung Quốc đã bơm ròng 1,18 nghìn tỷ nhân dân tệ (170,7 tỷ USD) các khoản tín dụng mới trong tháng 5, tăng so với mức 1,02 nghìn tỷ nhân dân tệ trong tháng 4, nhưng vẫn ít hơn so với con số dự kiến của các nhà phân tích là 1,225 nghìn tỷ nhân dân tệ. Dư nợ cho vay bằng nhân dân tệ tăng 13,4% so với một năm trước. Trong khi các nhà phân tích đã dự kiến 13,5%, không thay đổi so với tốc độ tháng 4.
Tăng trưởng tổng nguồn vốn trong toàn xã hội (TSF), một thước đo rộng hơn về tín dụng và thanh khoản trong nền kinh tế, đã tăng 10,6% trong tháng 5 so với một năm trước đó, cũng chỉ cao hơn một chút so với mức tăng 10,4% vào tháng 4. TSF bao gồm các hình thức tài trợ ngoại bảng tồn tại bên ngoài hệ thống cho vay của ngân hàng thông thường, chẳng hạn như IPO, các khoản vay từ các công ty ủy thác và bán trái phiếu. Vào tháng 5, TSF đã tăng lên 1,4 nghìn tỷ nhân dân tệ từ 1,36 nghìn tỷ nhân dân tệ trong tháng 4.
Trong khi cung tiền M2 trong tháng 5 cũng tăng 8,5% so với một năm trước đó, không thay đổi so với tốc độ tháng 4. “Dữ liệu tín dụng tháng 5 cho thấy một số cải thiện nhỏ do hỗ trợ chính sách”, Luo Yunfeng - một nhà phân tích tại Merchants Securities ở Bắc Kinh cho biết. “Có thể cần nới lỏng chính sách hơn nữa nếu xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tác động mạnh đến nền kinh tế”.
Thống đốc PBoC Dị Cương cho biết vào tuần trước rằng, hiện đang có dư địa rất lớn để thực hiện các điều chỉnh chính sách nếu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xấu đi. Giới quan sát dự kiến, PBoC sẽ cắt giảm thêm yêu cầu dự trữ bắt buộc của ngân hàng trong năm nay, đặc biệt là sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bất ngờ leo thang vào tháng trước.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, PBoC vẫn không muốn cắt giảm lãi suất chuẩn để ngăn chặn bất kỳ sự suy giảm mạnh nào trong nền kinh tế. Theo đó PBoC vẫn từng bước hỗ trợ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cho vay và hoạt động kinh doanh trong tháng 5, thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo 3 giai đoạn cho các ngân hàng khu vực để giảm chi phí vay mượn cho các công ty nhỏ và tư nhân.
Kể từ đầu năm 2018 đến nay, PBoC đã có 6 lần cắt giảm dự trữ bắt buộc. Nhưng chi phí tài trợ cho các công ty vẫn còn cao. PBoC tuyên bố hồi tháng trước sẽ giúp giảm chi phí vay mượn cho các DN, đặc biệt là các DN nhỏ, như một phần trong nỗ lực lớn hơn để hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh đang lún sâu vào cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2019 đang trên đà giảm từ mức thấp 28 năm là 6,6% vào năm ngoái. Trong khi CPI tại Trung Quốc đã nhanh chóng tăng lên 2,7% trong tháng 5, mức cao nhất trong 15 tháng, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho biết. Mặc dù vậy, nó vẫn thấp hơn mục tiêu lạm phát 3% của PBoC. Đặc biệt, lạm phát cơ bản (đã loại bỏ giá lương thực và năng lượng) giảm xuống còn 1,6% trong tháng 5 so với một năm trước đó, từ mức 1,7% một tháng trước đó.
Mặc dù “các dữ liệu lạm phát không có khả năng ảnh hưởng đến lập trường chính sách tiền tệ của Trung Quốc nhưng các nhà chức trách sẽ duy trì lập trường phản chu kỳ trên cả hai mặt tài chính và tiền tệ trong bối cảnh rủi ro tăng trưởng từ cuộc xung đột thương mại với Mỹ”, các nhà phân tích của LINE tại ANZ cho biết. “Thêm vào đó, sự thay đổi ôn hòa của các NHTW khác sẽ tạo cơ hội cho PBoC nới lỏng hơn chính sách”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận