Trung Quốc tìm cách 'kiểm duyệt' Hollywood
Trung Quốc tăng cường sức ảnh hưởng ở Hollywood bằng cách rót tiền đầu tư, hợp tác làm phim rồi yêu cầu chỉnh sửa kịch bản.
Các chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ sớm vượt mặt Mỹ, trở thành thị trường phim ảnh lớn nhất thế giới và Bắc Kinh được cho là lợi dụng xu thế này để can dự vào Hollywood, theo tờ The New York Times.
Những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đẩy mạnh mua cổ phần các công ty sản xuất phim ở Mỹ, trong khi chính phủ Trung Quốc áp dụng hạn mức số lượng phim nước ngoài được duyệt để công chiếu. Trước thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều kịch bản, hình ảnh trong phim được chỉnh sửa, thay đổi nhằm “chiều lòng” Trung Quốc.
Ra điều kiện với Hollywood
Tại Hội nghị điện ảnh Mỹ -Trung ở TP.Los Angeles hồi năm 2013, bà Trương Tuân, người đứng đầu Tập đoàn hợp tác sản xuất phim thuộc chính phủ Trung Quốc, tuyên bố: “Chúng tôi có thị trường lớn và muốn chia sẻ với mọi người”. Tuy nhiên, bà Trương đưa ra điều kiện cụ thể: “Chúng tôi muốn nội dung phim tập trung hơn vào Trung Quốc, không chỉ 1 hoặc 2 cảnh đơn lẻ. Chúng tôi muốn thấy hình ảnh tích cực của Trung Quốc”.
Theo quy định của Trung Quốc, các hãng phim nước ngoài phải gửi kịch bản chi tiết để cơ quan kiểm duyệt đánh giá và cấp phép. Nhờ điều chỉnh kịch bản, phim Mỹ mới vượt qua được vòng kiểm duyệt khắt khe, theo tờ Los Angeles Times. Chẳng hạn, trong phim Red Dawn (2012), quân đội Trung Quốc “xâm lược Mỹ” đã được thay thế bằng lực lượng quân sự CHDCND Triều Tiên sau khi Bắc Kinh phản đối và khẳng định không muốn bị khắc họa là “kẻ xấu”. Hãng MGM tiêu tốn 1 triệu USD (hơn 23 tỉ đồng) để chỉnh sửa nhiều cảnh quay.
Thay đổi theo hướng của Trung Quốc
Với dự án hợp tác sản xuất, các công ty Trung Quốc được cho là dễ dàng yêu cầu chỉnh sửa nội dung theo ý đồ của Bắc Kinh, theo tờ South China Morning Post. Đoạn quảng cáo cho phim Top Gun: Maverick của Hãng Paramount Pictures (sẽ ra rạp vào năm 2020) gây ra nhiều tranh cãi gần đây. Cụ thể là trên áo khoác nam diễn viên Tom Cruise không còn in hình lá cờ Nhật Bản và Đài Loan như phiên bản gốc năm 1986. Trên mạng xã hội, nhiều người hâm mộ phim này cùng giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc gây ảnh hưởng để thay đổi chi tiết đó. Tập đoàn Tencent (Trung Quốc) có tham gia rót vốn vào dự án phim và Paramount Pictures từ chối bình luận về vấn đề này.
Một số cảnh trong phim bị buộc phải chỉnh sửa theo hướng “thân thiện với Trung Quốc”. Phim Pixels (2015) ban đầu có cảnh Vạn Lý Trường Thành bị nổ tung, nhưng được thay thế bằng đền Taj Mahal nổi tiếng của Ấn Độ. Đây là dự án do các công ty Mỹ cùng một hãng phim nhà nước Trung Quốc hợp tác sản xuất với tổng kinh phí khoảng 129 triệu USD, đạt doanh thu bán vé 244,9 triệu USD.
Hãng Centropolis Entertainment (Mỹ) thì sản xuất phim thảm họa mang tựa đề 2012, trong đó có chi tiết nhân vật Chánh văn phòng Nhà Trắng trầm trồ về trình độ tổ chức, kỹ thuật, tay nghề của Trung Quốc trong việc đóng nhữnng con tàu khổng lồ giúp nhân loại tránh họa diệt vong. Còn phim Gravity do Mỹ -Canada hợp tác sản xuất kể câu chuyện nữ diễn viên Sandra Bullock thủ vai phi hành gia sống sót được là nhờ lọt vào Trạm không gian Trung Quốc.
Trong khi đó, phim kinh dị World War Z được cấp giấy phép sản xuất hồi 2007, nhưng đến năm 2013 mới công chiếu sau nhiều lần điều chỉnh kịch bản cùng phân cảnh. Theo kịch bản ban đầu, đại dịch dẫn đến nạn xác sống hoành hành toàn thế giới xuất phát từ vi rút ở Trung Quốc, nhưng trong bản phim chính thức chi tiết này đã được bỏ đi.
Còn phim hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ bị cấm chiếu ở Việt Nam vì thể hiện bản đồ phi pháp “đường lưỡi bò” nuốt trọn gần cả Biển Đông của Bắc Kinh là dự án hợp tác của Universal Pictures (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận