Trung Quốc tích cực ‘quyến rũ’ Trung Đông khi vai trò của Mỹ suy giảm
Trung Quốc đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn ở Trung Đông bằng lời hứa phối hợp chặt chẽ hơn với những nhân tố chính ở khu vực để giải quyết tranh chấp và bảo đảm ổn định, trong khi Mỹ rút lui vội vàng khỏi Afghanistan và vẫn bế tắc với Iran.
Cam kết này được đặc phái viên Trung Quốc về Trung Đông Zhai Jun khẳng định ngày 17/8, khi ông nói rằng Trung Quốc đang quan tâm sâu sắc đến những diễn biến ở khu vực.
Phát biểu của ông Zhai tại một diễn đàn trực tuyến với các học giả và cựu quan chức từ khu vực được đưa ra trong bối cảnh vai trò của Mỹ đang suy yếu ở Trung Đông, khi Tehran tiếp tục chương trình hạt nhân và tình hình Afghanistan vượt khỏi tầm kiểm soát của Washington.
Ông Zhai nhấn mạnh những tham gia gần đây của Trung Quốc ở Trung Đông, trong đó có 2 chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị để khẳng định ủng hộ chủ quyền của các quốc gia đang chịu xung đột nghiêm trọng, bác bỏ sự can thiệp của nước ngoài và thúc đẩy hợp tác chống đại dịch.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Zhai nói rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị, cùng với những đề xuất của Trung Quốc để ổn định tình hình ở Syria, tranh chấp Palestine – Israel, thoả thuận hạt nhân Iran và hoà bình ở Trung Đông, cho thấy Bắc Kinh “sẵn sàng bảo vệ công lý quốc tế và giải quyết xung đột và tranh chấp để đóng góp trí tuệ của Trung Quốc trong việc tìm kiếm ổn định lâu dài ở khu vực”.
Ông Zhai nói rằng Trung Quốc sẽ làm việc với các quốc gia Trung Đông để xây dựng “cơ chế an ninh tập thể” cho khu vực. “Trong tương lai, Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các quốc gia ở Trung Đông để làm sâu sắc hợp tác chống đại dịch…bảo vệ công bằng và công lý, xây dựng an ninh tập thể và tạo dựng quan hệ đối tác cấp độ cao hơn”, ông Zhai nói.
Trung Quốc là một trong số ít quốc gia vẫn có quan hệ tốt với các quốc gia Ả-rập cũng như Israel và Iran. Bắc Kinh nói rằng chủ quyền của Syria cần được tôn trọng, và phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo ra sự thay đổi chế độ ở quốc gia vẫn đang chiến tranh này.
Trong vài tháng qua, Trung Quốc tăng cường tham gia vào khu vực, đề xuất giúp các nước Trung Đông chống đại dịch COVID-19, và thúc đẩy một thoả thuận tự do thương mại giữa Bắc Kinh với Hội đồng hợp tác vùng Vịnh. Đối với Iran, Trung Quốc cam kết tăng cường quan hệ với Tehran và phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia này.
Theo thống kê chính thức, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia Ả-rập, với kim ngạch hai chiều đạt gần 24 tỷ USD trong năm 2020. Khu vực này cũng là nguồn cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc.
Vị trí của Trung Đông ở nơi giao lưu giữa châu Âu, châu Phi và châu Á khiến Trung Quốc muốn tăng cường đầu tư vào khu vực này để thúc đẩy sáng kiến Vành đai Con đường.
Sun Degang, một chuyên gia về Trung Đông tại ĐH Phúc Đán, cho rằng Trung Quốc và các nước Trung Đông đang đối mặt với thách thức an ninh lớn hơn khi Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược đến châu Á – Thái Bình Dương.
“Việc Mỹ giảm tập trung vào Trung Đông để chuyển sang châu Á – Thái Bình Dương có thể tạo ra khoảng trống quyền lực và thiếu hụt bảo đảm an ninh, gây đe doạ cho an toàn của con người và đầu tư của Trung Quốc ở khu vực”, ông Sun nói.
Vì thế, nhà nghiên cứu này cho rằng Trung Quốc đang muốn thúc đẩy hợp tác với Trung Đông để ngăn những rủi ro đó trầm trọng thêm.
“Trung Quốc đang làm theo một cách khác. Đó là tham vấn thông qua những cơ chế đa phương, trong đó có Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, để thúc đẩy ổn định khu vực, khác với cách làm của Mỹ là chia khu vực ra thành bạn bè và kẻ thù”, ông Sun nói.
Li Guofu, một chuyên gia về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, nói rằng khái niệm an ninh tập thể mà ông Vương Nghị đưa ra năm ngoái là một cơ chế mới nhằm giảm rủi ro bất ổn ở khu vực, nơi các lợi ích của Trung Quốc đang mở rộng theo sáng kiến Vành đai Con đường.
Chiến dịch tấn công quyến rũ của Trung Quốc với Trung Đông vừa thể hiện trong thông báo đưa ra ngày 17/8 rằng Trung Quốc sẽ đăng cai Hội chợ triển lãm Trung Quốc – Ả-rập trong tuần này ở TP Ngân Xuyên thuộc khu tự trị Ninh Hạ Hồi, nơi sinh sống của nhiều người Hồi giáo Trung Quốc.
Hơn 239 công ty sẽ tham gia hội chợ này, đại diện cho các ngành năng lượng sạch, y tế, kinh tế số và thương mại điện tử xuyên biên giới. Các quan chức Ninh Hạ nói rằng hội chợ sẽ giúp thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thúc đẩy và hoà giải tranh chấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận