menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nhật Anh

Trung Quốc: Sự trỗi dậy của ‘gã khổng lồ’ thương mại và vị thế thống trị đang bị lung lay

Những cơn gió ngược đối với toàn cầu hóa, căng thẳng địa chính trị... có thể làm lung lay vị thế thống trị thương mại toàn cầu của Trung Quốc.

Trong bài viết đăng ngày 26/4 trên trang unctad.org, hai tác giả Alessandro Nicita và Carlos Razo thuộc Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhận định về sự trỗi dậy của ngành thương mại Trung Quốc trong 1/4 thế kỷ qua.

Theo các tác giả, Trung Quốc có lẽ là một trong những câu chuyện chưa từng có về phát triển kinh tế trong lịch sử thế giới hiện đại. Trong 25 năm qua, nền kinh tế quốc gia châu Á đã nhanh chóng lớn mạnh, số người thoát khỏi cảnh nghèo đói ngày càng tăng.

Nhưng tất cả điều này sẽ không thể thành hiện thực nếu không có một câu chuyện nổi bật khác, đó là sự trỗi dậy của Trung Quốc, từ vùng ngoại vi của thương mại thế giới trở thành một gã khổng lồ thương mại toàn cầu.

Khởi nguồn của sự chuyển đổi thương mại

Trong khi sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc xuất khẩu đã trở nên rõ ràng vào đầu thế kỷ này, câu chuyện đã bắt đầu sớm hơn. Vào cuối những năm 1970, Trung Quốc bắt đầu thực hiện một loạt các cải cách nhằm nâng cấp nền kinh tế và mở cửa với thế giới. Vào thời điểm đó, tỷ trọng thương mại toàn cầu của Trung Quốc chỉ ở mức dưới 1%.

Năm 1986, nhằm tăng cường tiếp cận thị trường nước ngoài, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, Trung Quốc đã đăng ký tham gia Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT).

Tuy nhiên, quá trình gia nhập này đã bị “trật bánh” trong 15 năm, trước khi Trung Quốc có thể chính thức kết nối với hệ thống thương mại đa phương (vào năm 2001). Trong những năm này, tỷ trọng thương mại toàn cầu của quốc gia châu Á dần tăng lên nhưng sự tham gia của Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với tiềm năng.

Vào đầu thế kỷ XXI, hai sự kiện đan xen nhau đã đưa Trung Quốc vững bước trên con đường trở thành cường quốc sản xuất ngày nay: sự xuất hiện của chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Vào giữa những năm 1990, những tiến bộ trong hậu cần vận tải và công nghệ thông tin, truyền thông đã tạo điều kiện cho các nhà máy sản xuất mọc lên khắp thế giới. Ngay sau đó, các GVC đã lùng sục toàn cầu để tìm kiếm các đối tác sản xuất với chi phí thấp nhưng đáng tin cậy.

Điều này đã cho phép nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc, mở rộng quy mô hoạt động. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh chóng cũng kéo theo những vấn đề không mấy tích cực về điều kiện lao động và lượng khí thải carbon dioxide.

Đồng thời, WTO mới được thành lập (năm 1995) đã cung cấp một môi trường pháp lý hiệu quả hơn cho thương mại quốc tế, một cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, cũng như giảm chi phí giao dịch xuyên biên giới do ưu đãi thuế quan và hạn chế sử dụng các rào cản thương mại về thuế.

Việc Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001 cho phép GVC khai thác một cách đáng tin cậy tiềm năng của đất nước này như một cường quốc sản xuất, Bắc Kinh đã mở rộng đáng kể xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới. Kể từ đó, thương mại Trung Quốc tăng vượt bậc.

Đến năm 2010, Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11/2012 đạt 283,76 tỷ USD, tăng 36,2% so với tháng 10/2010, phá mức kỷ lục 273,09 tỷ USD của tháng 10, lần đầu tiên quy mô xuất nhập khẩu trong 1 tháng vượt qua mốc 280 tỷ USD.

Trong đó, cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử: xuất khẩu trong tháng 11 đạt 153,33 tỷ USD, tăng 34,9%; dưới tác động của lượng và giá nhập khẩu đều tăng, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 đạt 130,43 tỷ USD, tăng 37,7%, tốc độ tăng 12,3 điểm % so với tháng 10/2010.

Đằng sau sự phát triển nóng

Sự nổi lên nhanh chóng của gã khổng lồ thương mại này vừa được ngưỡng mộ nhưng cũng vừa bị đặt những câu hỏi nghi ngờ. Việc hỗ trợ của nhà nước, các biện pháp tăng xuất khẩu, quyền sở hữu trí tuệ và quản lý tỷ giá tiền tệ… của Trung Quốc đã trở thành những vấn đề gây tranh cãi.

Trên thực tế, những vấn đề này đã được các đối thủ thương mại của Bắc Kinh sử dụng để khiếu nại lên WTO và là nguyên nhân chính đằng sau những bất đồng thương mại nhiều năm qua giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn phát triển nhanh chóng, bất chấp luồng khiếu nại liên tục của đối thủ, trước những căng thẳng thương mại với Mỹ mà còn cả mối quan hệ thương mại xấu đi với Liên minh châu Âu (EU) khi lần đầu tiên kể từ năm 1998, khối này đã áp lệnh trừng phạt Bắc Kinh.

Trong thông cáo chính thức được đưa ra sau cuộc họp các ngoại trưởng khối này ngày 22/3, EU cho biết sẽ áp dụng lệnh trừng phạt cấm đi lại và đóng băng tài sản với 4 quan chức Trung Quốc là những người giữ các chức vụ lãnh đạo tại vùng Tân Cương, và một tổ chức là một công ty xây dựng tại Tân Cương, Trung Quốc.

Thật vậy, tầm quan trọng của Trung Quốc đối với sản xuất toàn cầu trong hầu hết các lĩnh vực, từ dụng cụ chính xác và máy móc công nghiệp đến máy tính và điện thoại thông minh, đã không ngừng tăng lên trong suốt 2 thập kỷ qua.

Đại dịch Covid-19 đã chứng tỏ thêm vai trò then chốt của Bắc Kinh trong nền kinh tế toàn cầu. Vào đầu năm 2020, dịch Covid-19 hoành hành khắp cả nước Trung Quốc đã khiến quy trình sản xuất trên toàn cầu bị đình trệ hoặc chậm lại do các nhà cung cấp tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới gặp khó khăn.

Tuy nhiên, quốc gia châu Á đã nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, không chỉ tăng trưởng xuất khẩu mà còn gia tăng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, ngay cả khi những lĩnh vực đó đã suy giảm tổng thể. Kết quả là, tỷ trọng thương mại toàn cầu của Trung Quốc tiếp tục tăng trong năm 2020, lên gần 15%.

Năm 2021, thương mại của Trung Quốc phục hồi ấn tượng sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Trong quý đầu tiên của năm nay, kim ngạch xuất khẩu nước này đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 710 tỷ USD.

Mặc dù mức tăng "khủng" này một phần là do kim ngạch của năm trước thấp, nhưng kết quả của quý đầu tiên năm 2021 vẫn cao hơn 27% (khoảng 150 tỷ USD) so với quý đầu tiên của năm 2019, thời điểm trước khi Covid-19 tấn công Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu.

Vị thế có được duy trì?

Nhìn chung, Trung Quốc có thể sẽ vẫn là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới trong tương lai gần. Tuy nhiên, sự thống trị về xuất khẩu của Bắc Kinh trong nền kinh tế toàn cầu có thể đang đạt đến đỉnh. Tại sao?

Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc đang phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu nội địa thay vì nước ngoài, bởi kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã giảm nhanh chóng trong những năm gần đây so với những năm đầu thập niên 2010.

Đối với thương mại toàn cầu, điều này ngụ ý rằng nhập khẩu của Trung Quốc có khả năng tăng nhanh hơn xuất khẩu, do đó làm giảm thị phần xuất khẩu của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu.

Thứ hai, chi phí lao động ngày càng tăng đang làm xói mòn khả năng cạnh tranh toàn cầu của Trung Quốc. Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến việc các nhà đầu tư phải di chuyển các nhà máy sản xuất sang các nước có chi phí thấp hơn. Các nền kinh tế có tính cạnh tranh cao như Việt Nam có thể sẽ thay thế Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hơn nữa, những tiến bộ trong khoa học công nghệ (như tự động hóa và robot), cũng như các ưu đãi tài chính (như ưu đãi tín dụng và thuế cho doanh nghiệp, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư…) đang được cải thiện và dần nâng cao sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư ở các nước phát triển.
Cuối cùng, những cơn gió ngược đối với xu hướng toàn cầu hóa đang mạnh lên, những căng thẳng địa chính trị hiện nay và sự thay đổi chính sách quốc gia, có thể đảo ngược mô hình thương mại trong hơn 20 năm qua.

Căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, thiếu các hành động mang tính toàn cầu để giải quyết các mối quan tâm về xã hội và môi trường có thể dẫn đến quá trình phi toàn cầu hóa. Điều này có thể có tác động mạnh hơn đối với nhà xuất khẩu lớn như Trung Quốc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả