Trung Quốc “siết” kiểm dịch, xuất khẩu rau quả giảm sâu
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong quý I/2019 giảm sâu, nhất là hàng rau quả chỉ đạt 885 triệu USD, giảm 8,6%.
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2019 vừa được Viện kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2019 xuất siêu 816 triệu USD, tháng 2/2019 nhập siêu 768 triệu USD, tháng 3/2019 ước tính xuất siêu 600 triệu USD. Tính chung ba tháng đầu năm xuất siêu 536 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,04 tỷ USD; khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,57 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm đạt 57,51 tỷ USD, tăng 4,1%. Trong đó, xuất khẩu tới từ nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu đạt 41,46 tỷ USD (chiếm 70,9% tổng kim ngạch), tăng 2,7%, xuất khẩu từ khu vực trong nước tăng 9,7%.
Trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực nước ta vẫn là điện thoại và linh kiện đạt 12,1 tỷ USD, giảm 4,3%, hàng dệt may đạt 7,3 tỷ USD, tăng 13,3%, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD, tăng 9,3%, giày dép đạt 4 tỷ USD, tăng 15,3%, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,2%, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,3 tỷ USD, tăng 17%.
Kim ngạch rau quả giảm mạnh
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong quý I/2019 lại giảm sâu, nhất là hàng rau quả. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam đạt xấp xỉ 885 triệu USD, giảm 8,6%.
Kim ngạch của các mặt hàng khác cũng giảm so với cùng kỳ năm trước như cà phê đạt 830 triệu USD giảm 23,8%, hạt điều đạt 625 triệu USD giảm 17,2%, hạt tiêu đạt 189 triệu USD giảm 14,7%, gạo đạt 567 triệu USD giảm 23,6%, nguyên nhân do có hiện tượng dư cung các mặt hàng này trên thị trường quốc tế.
Về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, ba nước đứng đầu là Mỹ (13 tỷ USD), EU (10,2 tỷ USD), và Trung Quốc (7,6 tỷ USD), rồi tiếp đến lần lượt là ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 7,4% một phần do việc xuất khẩu sang thị trường này ngày càng khó hơn khi yêu cầu kiểm dịch hoa quả xuất nhập khẩu giữa hai nước ngày càng khắt khe, bao gồm phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoa quả, hàng hóa có phải có nguồn gốc từ các nhà vườn hay cơ sở đóng gói đã đăng kí với các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận.
Nhập khẩu dầu thô tăng đột biến
Tổng kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 57,98 tỷ USD trong ba tháng đầu năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, nhập khẩu của khu vực FDI chiếm 33,89 tỷ USD và khu vực trong nước là 24,09 tỷ USD. Có thể thấy khu vực FDI vẫn tiếp tục là đầu tàu thương mại của kinh tế Việt Nam.
Trong các mặt hàng nhập khẩu, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện và nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tiếp tục là những nhóm hàng nhập khẩu nhiều nhất trong 3 tháng này với kim ngạch lần lượt là 11,7 tỷ USD và 8,7 tỷ USD. Riêng dầu thô được nhập khẩu lên tới 919 triệu USD do nhu cầu phục vụ sản xuất của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đi vào sản xuất từ giữa năm 2018.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 3 tháng đầu năm 2019 đạt 15 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2018. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 11,8 tỷ USD, thị trường ASEAN 8,2 tỷ USD, Nhật Bản đạt 4,7 tỷ USD và thị trường EU 3,6 tỷ USD. Nguyên nhân do hai quốc gia Mỹ - Trung đang trong thời gian đình chiến và cố gắng đàm phán, đồng nội tệ Trung Quốc có xu hướng giảm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận