menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phương Tùng

Trung Quốc siết chặt việc dạy thêm

TTTĐ - Cuối tuần vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã công bố điều chỉnh các quy định dạy thêm trong nỗ lực siết chặt ngành công nghiệp 120 tỷ USD này.

Ngành công nghiệp trị giá 120 tỷ USD

Theo đó, tất cả hoạt động dạy thêm theo giáo trình trong kỳ nghỉ phải chấm dứt; Cấm nhận trẻ dưới 6 tuổi với chương trình giảng dạy giáo trình nhà trường và dạy thêm online. Các tổ chức không được dạy theo giáo trình nước ngoài hoặc thuê giáo viên nước ngoài không sống tại Trung Quốc.

Ngoài ra, tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ dạy thêm theo chương trình giảng dạy của trường học sẽ trở thành các tổ chức phi lợi nhuận và không được cấp giấy phép hoạt động mới.

Quy định mới này xuất phát từ phản ứng dữ dội đối với ngành công nghiệp này khi dạy thêm quá mức khiến giới trẻ kiệt sức, tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh với nhiều khoản học phí đắt đỏ, tạo áp lực khổng lồ đối với nhiều bậc cha mẹ ở Trung Quốc. Đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều gia đình hạn chế sinh con, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội.

Theo số liệu của Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc, hơn 75% học sinh phổ thông nước này đi học thêm sau giờ học chính khóa. Con số này vẫn đang trên đà gia tăng. Các quy định mới sẽ tác động đến thị trường dạy thêm, học thêm khổng lồ của Trung Quốc - vốn được định giá tới 120 tỷ USD và có thể sẽ lên đến 155 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, đối với nhiều phụ huynh, chừng nào nấc thang xã hội còn hẹp và cạnh tranh trong giáo dục vẫn gay gắt, nhu cầu học thêm không thể giảm nhanh chóng.

Cuộc chạy đua thành tích

Ở Trung Quốc, thuật ngữ involution (neijuan) được sử dụng để chỉ cảm giác quá tải hay việc bị mắc kẹt trong những vòng luẩn quẩn không có lối thoát. Trong giáo dục, thuật ngữ này thể hiện việc trẻ em bị nhồi nhét kiến thức; Sự cạnh tranh gay gắt của các bậc phụ huynh để giành vị trí vào các trường ưu tú cho con em mình hay giá bất động sản tăng điên cuồng xung quanh các khu trường học…

Hồi tháng 4, khi nhân viên tài chính Zhang Yafen, 48 tuổi, nói về giáo dục cho thế hệ tiếp theo, một cảm giác bất lực tràn ngập trong giọng nói của cô.

Vài ngày trước đó, cô con gái đang học cấp II của Zhang đã tham dự kỳ thi TOEFL. Đây là bài kiểm tra tiếng Anh dành cho học sinh đến từ các quốc gia không nói tiếng Anh. Nó là một trong những điều kiện cần thiết để nộp đơn vào các trường đại học ở Châu Âu và Mỹ.

Mặc dù còn nhiều năm nữa cô bé mới vào đại học song Zhang cảm thấy việc thi TOEFL ở giai đoạn này sẽ đánh giá được trình độ tiếng Anh hiện tại và là “tấm thẻ thông hành” để cô bé có thể vào học tại các trường trung học ưu tú ở Bắc Kinh.

Trung Quốc siết chặt việc dạy thêm
Hình ảnh những đứa trẻ đang ngái ngủ trước giờ lên lên lớp không còn xa lạ tại Trung Quốc (Ảnh: Thinkchina)

So với các hộ gia đình khác, Zhang không phải là phụ huynh quá thúc ép con mình. Tuy nhiên, ngay sau khi con gái chào đời, cô bắt đầu chuẩn bị cho việc học của con sau này. Mười năm trước, cô và chồng đã mua một ngôi nhà ở khu trường học có nhiều lựa chọn tốt hơn.

Ở các thành phố của Trung Quốc, việc chi rất nhiều tiền để tậu nhà trong các khu trường học là điều phổ biến. Các bậc cha mẹ dốc hết sức lực để cho con vào các trường ưu tú đã đẩy giá bất động sản xung quanh đó lên cao ngất ngưởng.

Lấy ví dụ như ngôi nhà của Zhang. Kể từ năm 2011, giá đã tăng từ 50.000 nhân dân tệ (177 triệu đồng) lên gần 200.000 nhân dân tệ (709 triệu đồng) mỗi mét vuông. Zhang rất vui vì đã chuyển đến đây sớm. Tuy nhiên, cuộc thi mới chỉ bắt đầu. “Chúng tôi biết một số bậc cha mẹ có cư xử "điên rồ"... Những gì chúng tôi đã làm chưa là gì cả”, cô Zhang than thở.

Trong lớp học tiếng Anh của con gái cô có một học sinh mới chỉ học lớp 2. Đây là lớp học dự bị Chứng chỉ tiếng Anh đầu tiên của Cambridge hoặc FCE, tương đương với các tiêu chuẩn tiếng Anh của trường đại học ở Trung Quốc.

Các lớp học toàn diện

Theo Zhang, những kỳ thi như vậy rất phổ biến ở Bắc Kinh. Trước đại dịch, việc đảm bảo một suất thi là vô cùng khó khăn. Các bậc phụ huynh thậm chí không quản ngại đưa con đến những thành phố khác như Thiên Tân và Bảo Bình để thi.

Sự lo lắng của các bậc cha mẹ ở Bắc Kinh là một mô hình thu nhỏ của hệ sinh thái giáo dục cạnh tranh gay gắt ở Trung Quốc trong những năm gần đây. “Nếu trẻ học không tốt, cha mẹ lo lắng con mình sẽ không theo kịp. Nếu con cái học tốt, cha mẹ lại lo lắng chúng không thể vào được trường tốt hơn. Là bậc cha mẹ, tôi không vui khi thấy con mình phải vật lộn mỗi ngày song điều này không thể khác được, cuộc thi quá khắc nghiệt”, Zhang nói.

Trung Quốc siết chặt việc dạy thêm
Các học viên nhí trong khóa huấn luyện thể thao ở Bắc Kinh (Ảnh: Thinkchina)

Tại Trung Quốc, “sự xâm nhập của giáo dục” đang nhanh chóng mở rộng ra ngoài các môn học cơ bản. Khi cuộc thi Olympic Toán học và chứng chỉ tiếng Anh trở thành tiêu chuẩn của mỗi học sinh, phụ huynh càng phải nỗ lực hơn nữa để cho con cái học thêm các lớp tài năng để đảm bảo rằng con họ nổi bật hơn bạn cùng lứa tuổi.

Tầng 6 của trung tâm thuơng mại Golden Resources được biết đến là “trung tâm giáo dục toàn diện lớn nhất ở Bắc Kinh”. Nơi đây bao gồm tất cả lớp đào tạo cho trẻ em từ nhảy đường phố, cờ vây, múa ba lê, tiếng Anh… Mọi lớp đều có sẵn.

Mỗi cuối tuần, hành lang nơi đây lại chật kín các bậc phụ huynh vừa xách ba lô vừa bồng con nhỏ, hối hả vội vã đến lớp; Hay hình ảnh ông bà đưa bình nước cho cháu vào giờ nghỉ giữa giờ; Những đứa trẻ mắt ngái ngủ trên chiếc ghế đẩu nhỏ lẩm bẩm các phép tính trong khi đợi giờ học bắt đầu đã không còn xa lạ.

Liu Yu, 42 tuổi, đang đợi đứa con gái 6 tuổi của anh ấy tan học, bên ngoài một trung tâm đào tạo. Anh cho biết ấy Chủ nhật hằng tuần, cả gia đình đều dành cả ngày ở đây để “bọn trẻ múa ba lê vào buổi sáng, học nghệ thuật rồi đến lớp Lego”.

Liu nói rằng anh không phải là một phụ huynh “gà chiến” nhưng muốn cho con tiếp xúc với những điều khác biệt và nuôi dưỡng sở thích khi còn nhỏ của con.

Anh và vợ chi gần 100.000 nhân dân tệ (360 triệu đồng) mỗi năm cho các lớp học như vậy. Bên cạnh đó, con gái Liu còn học đấu kiếm hoặc cưỡi ngựa vào thứ 6 hằng tuần.

Những đứa trẻ muốn vào học tại các trường ưu tú không chỉ cần có điểm số cao nhất mà còn phải có thêm tài năng. Sự cạnh tranh rõ ràng nhất là ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Yang Liu, 18 tuổi, học sinh tại trường trung học danh tiếng trực thuộc Đại học Nhân dân Trung Hoa, cho biết, ngoài học trên trường thì các hoạt động ngoại khóa và giải thưởng là rất quan trọng. “Bạn sẽ thấy mình phải chạy đua với những người khác trong mọi lĩnh vực”, cô nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại