Trung Quốc siết chặt quản lý thị trường tài chính phi ngân hàng
Ủy ban quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) lần đầu tiên đã công bố các tiêu chí, lĩnh vực và phân loại đối với mảng “ngân hàng bóng đêm”, tức mảng tài chính phi ngân hàng. Đây cũng là lần đầu tiên, chính phủ Trung Quốc công bố quy mô của mảng thị trường này là gần 13.000 tỉ đô la.
Bên cạnh đó, CBIRC cũng đưa ra thời hạn chót là cuối năm 2021 để các công ty trong mảng tài chính này phải tự nâng cấp, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn của chính phủ. Bởi sự tồn tại của họ cũng giúp ích cho sự hồi phục kinh tế giai đoạn sau dịch.
Thị trường có giá trị đến 13.000 tỉ đô la
Trong báo cáo công bố hôm 4-12, CBIRC đã đưa ra định nghĩa tổng quát về khu vực tài chính phi ngân hàng – bao gồm các sản phẩm của quỹ quản lý tài sản, ủy thác cho vay, tín dụng nhỏ và cho vay ngang hàng P2P - chiếm tới 86% GDP và 29% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Trị giá của thị trường này - theo định nghĩa rộng - từ 100.400 tỉ nhân dân tệ giảm còn 84.800 tỉ nhân dân tệ (gần 13.000 tỉ đô la Mỹ), tức giảm 16% so với năm 2018. Trong định nghĩa hẹp hơn hay chi tiết hơn, CBIRC đã không tính đến các sản phẩm quản lý tài sản của các ngân hàng và công ty bảo hiểm cũng như chứng khoán không tài sản bảo đảm. Với định nghĩa này, cơ quan quản lý nói lĩnh vực tài chính phi ngân hàng trị giá đến 39.140 tỉ nhân dân tệ (gần 6.000 tỉ đô la), giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo của CBIRC chỉ bao gồm các số liệu đến hết năm 2019. Trang Caixin nói quy mô của thị trường tiếp tục giảm trong năm nay. Caixin dẫn số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa cho thấy quy mô mảng tài chính phi ngân hàng đã giảm 2,8% trong 9 tháng đầu năm 2020. Hãng định giá tín dụng S&P Global dự báo thị trường này sẽ tiếp tục giảm quy mô trong năm 2021 khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục hồi phục sau đại dịch.
Tảo thanh và kiểm soát chặt chẽ
Về lý thuyết, Trung Quốc xem tài chính phi ngân hàng là “cái nôi” của mảng tài sản không sinh lợi và tăng trưởng tín dụng chưa kiểm soát được, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và ổn định của nền tài chính nước này. Trong giai đoạn 2017-2019, chính phủ đã tiến hành các chiến dịch thu hẹp quy mô thị trường này, dẹp trên 5.000 sàn cho vay ngang hàng (P2P lending) bùng nổ trong các năm qua. Nhiều sàn trong số này là các hình thức lừa đảo Ponzi.
Với các chiến dịch tảo thanh đang thực hiện, tuần rồi CBIRC vẫn khuyến cáo rằng “một số hoạt động của lĩnh vực tài chính phi ngân hàng có thể quay lại với hình thức mới, núp dưới danh nghĩa sáng tạo”. “Các doanh nghiệp có rủi ro cao như vậy cần được giải tán”, CBIRC tuyên bố.
Trên tài khoản mạng xã hội, cơ quan này nói rằng giải quyết vấn đề của tài chính phi ngân hàng là công việc quan trọng trong chiến dịch giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế. Trong một tuyên bố vào tháng 11 vừa rồi, Chủ tịch CBIRC cam kết sẽ đưa tất cả các hoạt động tài chính vào tầm kiểm soát của nhà nước, xây dựng các quy định chặt chẽ hơn đối với các định chế tài chính lớn và ngăn ngừa nguy cơ cho toàn hệ thống tài chính ngân hàng.
Sự tồn tại hữu ích sau dịch
Theo quỹ đầu tư Value Partner, có đến 25 triệu doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và thương vụ do một cá nhân điều hành ở Trung Quốc, góp phần tạo nên xương sống của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng chỉ có trên 25% các doanh nghiệp này có thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng truyền thống.
Số liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy các khoản vay của các doanh nghiệp này chiếm 12,7% tổng tài sản của bằng đồng nội tệ và ngoại tệ của hệ thống ngân hàng Trung Quốc trong năm 2019, tăng trưởng rất thấp so với con số 12,5% của năm 2018.
Các doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch. Một khảo sát với 1.506 doanh nghiệp vừa và nhỏ - do Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh thực hiện hồi tháng 2 vừa rồi - cho thấy: 85% số này sẽ cạn dòng tiền mặt trong vòng ba tháng sau đó. Dù Bắc Kinh có các gói hỗ trợ, các doanh nghiệp này phải tiếp cận nguồn vốn từ các công ty tài chính tiêu dùng chẳng hạn. Họ phải dùng tên mình để vay cá nhân, rồi bơm nguồn vốn này vào công ty của mình. |
Các nỗ lực dẹp thị trường tài chính phi ngân hàng của chính phủ lại có tác dụng ngược. Trong khi cố giải quyết nguy cơ hệ thống với nền kinh tế, chính phủ cũng chặn dòng chảy của hàng ngàn tỉ nhân dân tệ nuôi sống các doanh nghiệp nhỏ này.
“Một trong các yếu tố khiến tình trạng này xảy ra là ngân hàng truyền thống không hiểu rõ hoặc không có dữ liệu tin cậy để quyết định một doanh nghiệp nhỏ có đủ điều kiện vay và rồi mạnh dạn cấp khoản vay.
Trong hai năm qua, vấn đề được giải quyết bằng cách đầu tư vào công nghệ thu thập dữ liệu hoặc kết hợp với các hãng công nghệ tài chính để giải ngân các khoản vay trực tuyến”, Luo Jing, giám đốc cấp cao của quỹ đầu tư Value Partner, nhận định với Nikkei Asia.
Việc cấp vốn chỉ bằng cách cầm cố tài sản hữu hình không đủ để giúp doanh nghiệp sống còn – theo lời Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của hãng tư vấn Natixis. “Họ cần các khoản vay tín chấp doanh nghiệp”, bà nói.
“Điều này chỉ thật sự xảy ra bằng cách kết hợp các khoản vay từ mảng tài chính phi ngân hàng và từ các ngân hàng nhỏ và ngân hàng khu vực. Trước khi điều đó xảy ra, chính phủ hoặc là cần tái tài chính các ngân hàng nhỏ hơn hoặc là cần một tổ chức cho vay, một quỹ quản lý tài sản lớn hơn mua lại các hãng yếu hơn”, bà Herrero nói.
Andrew Collier, giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu Oriental Capital Research ở Hồng Kông, ủng hộ sự quay lại hay tồn tại của vài tổ chức tài chính phi ngân hàng. “Ở một mức độ nhất định nào đó, Trung Quốc cần thả các thần đèn này khỏi chai và cho phép họ làm việc như trước.
Chắc chắn là Trung Quốc không muốn đưa ra các gói tài chính cứu trợ khổng lồ như năm 2009 bởi họ e ngại sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng. Vì thế, ủng hộ sự tăng trưởng của các quỹ tài chính tư là lựa chọn tốt”, Collier nói.
Dường như, chính phủ Trung Quốc cũng hiểu được sự hữu ích của mảng tài chính phi ngân hàng, đặc biệt khi mạng lưới ngân hàng truyền thống không thể đáp ứng hết nhu cầu tăng trưởng trở lại, hồi phục của toàn bộ các doanh nghiệp nhỏ.
Hãng đánh giá tín dụng Moody ước đoán, trong nửa đầu năm 2020, giá trị của thị trường tài chính phi ngân hàng tăng thêm 650 tỉ nhân dân tệ, khoảng hơn 100 tỉ đô la. Mảng liên quan đến quản lý tài sản và chấp phiếu ngân hàng chưa chiết khấu đóng góp tỷ trọng lớn cho sự gia tăng này.
Để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau dịch Covid-19, khu vực quản lý tài sản – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong mảng tài chính phi ngân hàng – đã được cho phép gia hạn đến cuối năm 2021 mới đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn của ngân hàng trung ương .
CBIRC đã cam kết giám sát chặt chẽ các hoạt động tài chính phi ngân hàng, nhưng báo cáo của cơ quan này không nhắc đến các mục tiêu định lượng cụ thể.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận