24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hà Diệu Thu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trung Quốc sẽ không tự nguyện chuốc lấy rắc rối và sự chủ động của ASEAN

Chia sẻ của Giáo sư Wang Gungwu về vị thế của Nhật Bản, vấn đề Biển Đông, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương... đối với ASEAN (kỳ cuối).

Trung Quốc sẽ không tự nguyện chuốc lấy rắc rối và sự chủ động của ASEAN
Các cuộc thăm dò dư luận hiện nay cho thấy Nhật Bản là đối tác đáng tin cậy nhất của ASEAN. Trong ảnh, Thủ tướng Shinzo Abe (giữa) tại Thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản vào tháng 11/2018 tại Singapore. (Nguồn: Reuters)
Nhật Bản – đối tác tin cậy nhất

Trong số các cường quốc, Nhật Bản là trường hợp độc nhất vô nhị vì họ có mối quan hệ tốt với Đông Nam Á cho dù từng xâm chiếm khu vực này trong Thế chiến II. Các cuộc thăm dò dư luận hiện nay cho thấy Nhật Bản là đối tác đáng tin cậy nhất của ASEAN. Điều gì giải thích cho sự thay đổi thái độ này?

Việc Nhật Bản thất bại trước Mỹ vào cuối cuộc Thế chiến II đã mở đường cho việc sửa đổi hiến pháp và thay đổi hoàn toàn quan điểm chính sách đối ngoại của nước này. Trong phần lớn lịch sử của mình, Nhật Bản theo chủ nghĩa biệt lập và đến thế kỷ XIX mới bị nhiễm chủ nghĩa đế quốc từ các cường quốc phương Tây. Xét ở một mặt nào đó, Nhật Bản đã “tạo ra” Đông Nam Á vì việc họ xâm lược khu vực này đã đẩy các cường quốc phương Tây ra khỏi đây và thức tỉnh tinh thần dân tộc của người dân bản địa.

Sau thất bại của Nhật Bản, mọi thứ không bao giờ có thể trở lại như trước khi có chiến tranh và Đông Nam Á đã bắt đầu đấu tranh giành độc lập thực sự. Ngay sau đó, Mỹ, Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN đã có sự ràng buộc với nhau về kinh tế và chính trị trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Kể từ đó, Nhật Bản đã chân thành và chủ động tìm cách sửa đổi hành động của mình; trong khi đó, các nước thành viên ASEAN cũng đã hướng tới tương lai và dễ tiếp nhận sự can dự rộng rãi về kinh tế của Nhật Bản trong khu vực.

Biển Đông và bất đồng về định nghĩa

Ông nhìn nhận như thế nào về căng thẳng đang diễn ra trong các tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)?

Các tranh chấp biển Nam Trung Hoa không chỉ là chuyện giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền. Những tranh chấp này xoay quanh giả định của Mỹ rằng nước này - hoặc bất kỳ nước nào có liên quan - có quyền điều động tàu thuyền, bao gồm cả tàu sân bay, đến vùng biển ngoài khơi Trung Quốc. Mỹ cho rằng đây là quyền đã được luật pháp quốc tế quy định, nhưng Trung Quốc phản đối tuyên bố rằng các nước khác có thể đưa tàu của họ vào các vùng biển xung quanh mà không cần thông báo trước cho các nước ven biển. Xét về khía cạnh an ninh, Trung Quốc không thể chấp nhận điều đó.

Mỹ và Trung Quốc cơ bản là bất đồng trong định nghĩa về quyền tự do hàng hải. Trung Quốc ủng hộ quyền tự do hàng hải bởi đời sống kinh tế của họ dựa vào thương mại hàng hải. Đối với Trung Quốc, quyền tự do hàng hải chỉ áp dụng cho tàu qua lại vì mục đích hòa bình chứ không bao gồm tất cả các tàu quân sự. Ngược lại, Trung Quốc cho rằng “tự do hàng hải” của Mỹ là tự do bá quyền, nghĩa là Mỹ được tự do điều động tàu sân bay và lực lượng hải quân đến bất cứ nơi nào trên thế giới.

Tựa trung, bài học dành cho Trung Quốc từ thế kỷ XIX là không bao giờ được sao lãng biển vì các kẻ thù có thể và sẽ đến từ cả hai phía - Trung Quốc sẽ không bao giờ phạm phải sai lầm này nữa.

"Tựa trung, bài học dành cho Trung Quốc từ thế kỷ XIX là không bao giờ được sao lãng biển vì các kẻ thù có thể và sẽ đến từ cả hai phía - Trung Quốc sẽ không bao giờ phạm phải sai lầm này nữa".

(Giáo sư Wang Gungwu, nhà sử học, chuyên gia về Trung Quốc)

Có thể hiểu được cách giải thích của Trung Quốc thông qua lịch sử của nước này - biển Nam Trung Hoa là nơi nền văn minh Trung Quốc bắt đầu rơi vào tình trạng gần như bị phá hủy khi hải quân Anh tiến đến bờ biển nước này, đánh bại và buộc họ phải mở các cảng theo hiệp ước. Trong 150 năm, biển Nam Trung Hoa và phần lớn Đông Nam Á lần lượt nằm trong tay các cường quốc kiểm soát Trung Quốc, là Anh, Pháp, Nhật Bản và Mỹ. Việc giải thoát Đông Nam Á khỏi ách đô hộ của thực dân là món quà lớn nhất đối với Trung Quốc sau Thế chiến II, vì các cường quốc phương Tây đã bị đánh đuổi khỏi khu vực ngoài khơi Trung Quốc.

Quả thật, nếu nhìn lại thời điểm Đô đốc Trịnh Hòa tiến hành các cuộc viễn chinh, Trung Quốc khi đó đã sở hữu sức mạnh hải quân đáng gờm. Tuy nhiên, vì kẻ thù của họ chủ yếu đến từ phương Bắc, nên các hoàng đế người Hán đã tập trung sự chú ý vào đất liền và không để ý đến biển. Tựa trung, bài học dành cho Trung Quốc từ thế kỷ XIX là không bao giờ được sao lãng biển vì các kẻ thù có thể và sẽ đến từ cả hai phía - Trung Quốc sẽ không bao giờ phạm phải sai lầm này nữa.

“Câu chuyện” nhìn nhận của Trung Quốc

Trung Quốc lợi dụng câu chuyện kể rằng Trung Quốc cổ đại không bao giờ xâm lược hay đe dọa các nước Đông Nam Á. Họ cũng nhắc đến “thế kỷ ô nhục” để xoa dịu cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc không có tham vọng trở thành đế quốc hay bá chủ. Liệu chúng ta có thể tin lời Trung Quốc, dựa vào lịch sử nước này để hiểu về Trung Quốc hiện nay và trong tương lai hay không?

Thế giới đã thay đổi rất nhiều, vì vậy tôi không thể chắc chắn. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu theo đúng truyền thống thì Trung Quốc sẽ không tự nguyện chuốc lấy rắc rối. Xét cho cùng, Trung Quốc muốn được nhìn nhận là quốc gia số 1. Trung Quốc có câu “nhất thị đồng nhân”, nghĩa là họ sẽ đối xử bình đẳng với tất cả các nước. Tất nhiên, điều đó có nghĩa là tất cả các nước đều bình đẳng, ngoại trừ Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều này không giống với chủ nghĩa đế quốc. Vào thời xa xưa, hệ thống triều cống được tạo ra để các nước thiết lập quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là vì các mục đích thương mại. Tuy vậy, ý tưởng triều cống thực chất không phải là sáng kiến của Trung Quốc. Đó là kiểu quan hệ thứ bậc theo chế độ phong kiến phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới giữa thượng quốc và các nước chư hầu. Trung Quốc cổ đại không có từ “đế chế” theo nghĩa của Đế chế La Mã. Khái niệm “thiên hạ” về cơ bản không ám chỉ chủ nghĩa bành trướng.

Trong số tất cả các nước Đông Nam Á có quan hệ với Trung Quốc cổ đại, Việt Nam là một ngoại lệ và một câu chuyện khác. Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ gần một nghìn năm trước khi đấu tranh giành độc lập vào năm 938. Tuy nhiên, Trung Quốc không bao giờ chấp nhận điều đó. Họ cảm thấy Việt Nam là một phần của Trung Quốc, do đó đã cố gắng hết lần này đến lần khác đưa Việt Nam trở lại quỹ đạo của mình. Trong nhiều thế kỷ qua, Việt Nam đã học được cách xử lý mối đe dọa đối với nền độc lập của mình.

Khái niệm cũ, ý nghĩa mới

Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với khu vực Đông Nam Á và ASEAN?

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn luôn tồn tại trong lịch sử, dù ít người để ý. Những kết nối giữa biển Hoa Đông, biển Nam Trung Hoa và Ấn Độ Dương là một thực tế hàng nghìn năm qua. Cho đến khoảng những năm 1800, hai trung tâm kinh tế thịnh vượng nhất là Đông Á với tâm điểm là Trung Quốc, và khu vực bao gồm các vùng lãnh thổ Ba Tư, thế giới Arab và tiểu lục địa Ấn Độ với tâm điểm là Ấn Độ.

Các tương tác và hoạt động giữa Ấn Độ, Ba Tư, Arab và Trung Quốc đã diễn ra từ lâu trước khi người châu Âu đến. Những hoạt động này bao gồm trao đổi hàng hóa, trao đổi ý tưởng và truyền bá đạo Hindu, Phật giáo và Hồi giáo. Đông Nam Á nằm ở giao điểm của những dòng chảy và tương tác như vậy giữa phương Đông và phương Tây. Giờ đây, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũ là phần đại dương trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, vốn bao gồm cả phần lục địa.

Tuy nhiên, khi Mỹ sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, họ muốn nói đến khu vực Thái Bình Dương mở rộng đến châu Mỹ. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khái niệm mới của các nhà chiến lược Mỹ. Việc Mỹ đưa ra một khái niệm như vậy xét theo quan điểm của họ là không sai.

Tuy nhiên, đối với Đông Nam Á, các nước ASEAN sẽ phải tìm hiểu liệu họ có được lợi gì không. Nếu chúng ta quan niệm Thái Bình Dương bao gồm toàn bộ khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ, thì cán cân sẽ nghiêng đi một cách rõ rệt. Ban đầu, Mỹ sử dụng thuật ngữ châu Á-Thái Bình Dương, nhưng nó quá thiên về lục địa vì bao gồm cả Nga, Trung Á và thế giới Hồi giáo. Vì vậy, khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ hiện nay rõ ràng có tính đến Trung Quốc và nhằm mục đích lôi kéo Ấn Độ về phía Mỹ.

Về phần mình, Ấn Độ ít có khả năng đứng về phía Mỹ. Giống như Trung Quốc, Ấn Độ ủng hộ cách tiếp cận đa cực ở châu Á và muốn trở thành một bên tham gia được tôn trọng theo cách riêng của mình, và điều này là chính đáng khi xét tới quy mô dân số và tiềm năng của họ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả