Trung Quốc sẽ giúp Nga giảm thiệt hại các đòn trừng phạt từ phương Tây?
Trung Quốc có thể sẽ hỗ trợ và cho Nga vay tiền để đối phó với những tác động kinh tế từ Washington và đồng minh của Mỹ.
Chỉ một ngày sau khi các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã bắt đầu một cuộc tấn công quân sự vào Ukraine. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo G7 gấp rút tiến hành họp mặt bàn về việc tăng cường biện pháp trừng phạt.
Trong tình hình đó, các nhà phân tích tài chính và chuyên gia địa chính trị tin rằng Moskva có thể nhờ đến sự giúp đỡ từ Trung Quốc để vượt qua đòn kinh tế từ phương Tây.
“Sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với các hoạt động của Nga có thể ảnh hưởng đến diễn biến của cuộc khủng hoảng (Ukraine)”, ông Tom Rafferty, chuyên gia kinh tế tại Economist Intelligence Unit, cho biết.
Các lệnh trừng phạt từ phương Tây bị phớt lờ
Ngay từ khi Nga triển khai hơn 150.000 quân gần biên giới với Ukraine, Bắc Kinh đã có các hành động thúc đẩy quan hệ Nga-Trung. Trong cuộc gặp mặt trước lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông tại Bắc Kinh hôm 4/2, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó giữa hai nước trong bối cảnh hai bên đều đang đối mặt sức ép từ phương Tây về nhiều vấn đề. Trung Quốc cũng bày tỏ ủng hộ Nga trong tranh chấp với các cường quốc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về Ukraine.
Một ngày trước khi xung đột quân sự bắt đầu, Bắc Kinh vẫn khẳng định phản đối “tất cả các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp” nhằm vào Nga.
"Kể từ năm 2011, Mỹ đã áp đặt hơn 100 lệnh trừng phạt đối với Nga", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói.
“Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã giải quyết được vấn đề gì chưa? Thế giới có trở thành một nơi tốt đẹp hơn vì những lệnh trừng phạt đó không? Liệu vấn đề Ukraine có được giải quyết nhờ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga? Liệu an ninh ở khu vực châu Âu có được đảm bảo tốt hơn không?”.
Trước đó, Bắc Kinh cũng từng hỗ trợ kinh tế cho Moskva trong thời kỳ quan hệ Nga-phương Tây căng thẳng sau khi Nga sáp nhập Crimea vào đầu năm 2014.
“Trừ khi phương Tây khiến Trung Quốc phải trả một cái giá cụ thể, nước này vẫn sẽ giúp đỡ Nga sau hậu trường”, Jakub Jakobowski, thành viên cấp cao của Trung tâm nghiên cứu phương Đông tại Warsaw, Ba Lan cho biết. Ông dự đoán các ngân hàng lớn của Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kinh tế cho Nga.
Theo dữ liệu của AidData, phòng nghiên cứu tại Đại học William & Mary ở Virginia, Nga là nước được các tổ chức từ Bắc Kinh cho vay nhiều nhất. Tổng trị giá các khoản vay từ năm 2000-2017 lên tới 151 tỷ USD, bao gồm 86 tỷ USD khoản cho vay không ưu đãi và bán ưu đãi từ các ngân hàng chính sách cùng ngân hàng thương mại nhà nước Trung Quốc - hầu hết là các khoản vay được thế chấp bằng chi phí xuất khẩu dầu của Nga trong tương lai.
Đặc biệt, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc có thể sẽ phớt lờ các biện pháp trừng phạt từ phương Tây do hai cơ sở này không có nhiều lợi ích kinh doanh từ Mỹ.
“Họ ít tiếp cận với hệ thống đồng USD và có nhiều lựa chọn hơn để tài trợ cho mọi thứ theo những cách khác nhau, họ ít bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt”, ông Rafferty nói. Từ những dẫn chứng trên, ông cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục cho Nga vay tiền để đối phó với những tác động kinh tế từ Washington và đồng minh của Mỹ.
Nga tăng cường giao dịch bằng đồng nhân dân tệ
Kể từ năm 2014, Bắc Kinh và Moskva đã giảm dần việc sử dụng đồng USD trong thương mại song phương. Đến nay, quan hệ kinh tế Trung-Nga ngày càng được củng cố, thương mại giữa hai nước dự kiến đạt mức kỷ lục 140 tỷ USD vào năm 2021.
Trong cuộc khủng hoảng mới nhất liên quan đến Ukraine, Nga cũng nỗ lực thoát khỏi các lệnh trừng phạt bằng cách thúc đẩy thanh toán bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng USD. Thành công của biện pháp này được phản ánh trong loạt thỏa thuận năng lượng gần đây với Trung Quốc - nhiều khoản vay và tín dụng trong các thỏa thuận này sử dụng đồng nhân dân tệ.
Trong đó, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga và tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) ký một thỏa thuận kéo dài 25 năm về tuyến đường cung cấp khí đốt mới - đường ống Sức mạnh Siberia - khởi động vào năm 2019 và dự kiến đạt công suất tối đa vào năm 2025.
Nhà sản xuất dầu thô Rosneft của Nga cũng cam kết với CNPC nhằm cung cấp 100 triệu tấn dầu cho Trung Quốc thông qua Kazakhstan trong 10 năm. Bên cạnh đó, Nga-Trung đang hợp tác thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt thứ ba qua Mông Cổ.
Tuần trước, Gazprom thông báo tất cả các khoản thanh toán cho việc cung cấp nhiên liệu cho máy bay Nga ở Trung Quốc đang được chuyển sang đồng nhân dân tệ.
Dù vậy, các chuyên gia lưu ý rằng vẫn có một phần lớn hoạt động thương mại của Nga sử dụng hệ thống đồng USD. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Nga và Trung Quốc đã thực hiện 8,7% giao dịch bằng đồng rúp và 7,1% bằng các loại tiền tệ khác, theo dữ liệu của ngân hàng trung ương Nga. Đồng USD và euro lần lượt chiếm 36,6% và 47,6% giá trị thương mại Nga-Trung.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận