Trung Quốc sắp hết thời của các tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới
Hắc Long Giang là tỉnh mới nhất ở Trung Quốc tuân theo chỉ thị của chính phủ nhằm kiềm chế cơn sốt nhà chọc trời trong cả nước.
Tuân thủ chỉ thị
Hắc Long Giang, nơi có tòa nhà cao nhất là Tháp 1 của Trung tâm R&F ở Cáp Nhĩ Tân, cao 270 mét, đã tuyên bố không cho phép xây dựng các tòa nhà cao hơn 500 mét, tờ SCMP đưa tin.
Chỉ thị của chính phủ Trung Quốc ban hành vào tháng 4 cho biết sẽ kiểm soát chặt việc xây dựng các tòa nhà cao hơn 250 mét, "nghiên cứu thận trọng" sự cần thiết của việc xây dựng các toà nhà cao trên 100 mét, và quy định chặt chẽ các khu phức hợp giải trí công cộng có diện tích sàn vượt quá 30.000 mét vuông.
Thay vì theo đuổi quy mô lớn, bắt chước kiến trúc nước ngoài và tìm kiếm sự chú ý bằng thiết kế kỳ lạ, tất cả các thành phố nên xây các tòa nhà mới “phù hợp với mục đích sử dụng, kinh tế, xanh và nghệ thuật” - Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn cho biết trong chỉ thị hồi tháng 4.
Nhiều tỉnh khác kể từ đó đã tuân theo chỉ thị của chính quyền trung ương, ban hành các chính sách tương tự như những chính sách mà Hắc Long Giang đã công bố.
Năm trong số 10 tòa nhà cao nhất thế giới và 44 trong số 100 tòa nhà cao nhất, là ở Trung Quốc, theo Hội đồng về các tòa nhà cao tầng và môi trường sống đô thị - một tổ chức có trụ sở tại Chicago chuyên về thiết kế và xây dựng các tòa nhà cao tầng.
Cao 632 mét, Tháp Thượng Hải 128 tầng là tòa nhà cao thứ hai thế giới. Các tòa nhà cao nhất ở Trung Quốc lọt vào top 10 thế giới là Trung tâm Tài chính Bình An (599 mét) ở Thâm Quyến, Trung tâm Tài chính CTF Quảng Châu và Trung tâm Tài chính CTF Thiên Tân (cả hai đều 530 mét) và Tháp Citic ở Bắc Kinh (528 mét).
Không có gì ngạc nhiên khi các hạn chế đã được đưa ra để thu nhỏ một số tòa nhà chọc trời đang được xây dựng trong vài năm qua.
Nhà phát triển Trung tâm Chung Nam Sơn Tô Châu ở Tô Châu, một thành phố cách Thượng Hải khoảng 90 phút đi xe, thông báo vào đầu năm nay rằng, họ sẽ hạ chiều cao dự kiến 729 mét của tòa nhà xuống còn 499 mét.
Trung tâm Greenland Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, từng cao hơn 600 mét, đã được hạ thấp xuống còn 475 mét vào năm ngoái.
Tòa nhà China Resources Hubei Landmark Tower ở siêu đô thị phía nam Thâm Quyến có thể đã giữ kỷ lục cao nhất thế giới, cao hơn cả tòa nhà Burj Khalifa 828 mét ở Dubai, với chiều cao dự kiến là 830 mét, nhưng chiều cao của nó đã được hạ xuống trở lại 500 mét.
Một trong những tòa nhà chọc trời chưa hoàn thành cao nhất thế giới, tòa tháp Goldin Finance 117 cao gần 600 mét, cũng ở Trung Quốc - trong Khu Tân Hải, một khu phát triển ở thành phố cảng Thiên Tân. Công việc xây dựng tòa tháp, còn được gọi là China 117, bắt đầu cách đây 12 năm, khi người ta tưởng tượng nó sẽ là tòa nhà cao thứ hai thế giới.
Khó khăn tài chính khiến việc xây dựng bị đình trệ vào năm 2015. Kể từ đó, công việc xây dựng tòa tháp liên tục bị đình trệ và hiện vẫn bị đình chỉ.
“Nhà phát triển ban đầu đã phá sản và chưa có ai tiếp quản dự án” - một nhân viên của Binhai New Area nói với tờ SCMP.
Phát triển đô thị an toàn
China 117 là một phần lý do khiến Trung Quốc phải suy nghĩ lại về những tòa nhà chọc trời siêu cao và những tòa nhà quá khổ. Mục đích của lệnh cấm các toà nhà chọc trời của chính phủ Trung Quốc là làm cho các thành phố phát triển bền vững hơn.
Các tòa nhà chọc trời từ lâu đã được coi là biểu tượng của sự giàu có và công nghệ tiên tiến, và là một phương tiện để tối đa hóa việc sử dụng đất trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng. Nhưng khi chúng ngày càng cao, chi phí xây dựng và bảo trì đã tăng lên và việc đảm bảo an toàn cho người thuê nhà trong trường hợp hỏa hoạn trở nên khó khăn hơn.
Song Yingchang, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Môi trường và Đô thị thuộc Học viện Xã hội Trung Quốc, cho biết: “Trước đây chúng tôi cân nhắc nhiều hơn đến việc tăng hiệu quả sử dụng đất, nhưng giờ đây chúng tôi đang chú trọng hơn đến sự an toàn của phát triển đô thị”.
Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây đã cảnh báo rằng, các thành phố của Trung Quốc “không thể mở rộng vô hạn”. Tất cả các thành phố nên kiểm soát mật độ dân số về lâu dài và các siêu đô thị nên đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể ngay bây giờ - ông Tập Cận Bình viết trong một bài bình luận đăng trên tạp chí học thuật Qiushi của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11.
Với mật độ dân số ở trung tâm Bắc Kinh và Thượng Hải cao hơn so với ở trung tâm thành phố Tokyo và New York, ông Tập Cận Bình cho biết, chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển của các thị trấn ngoại ô xung quanh các thành phố lớn nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận