Trung Quốc ra yêu sách ở biển Hoa Đông, Nhật phản ứng gay gắt
Trước các yêu sách của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, Nhật Bản có những phản ứng gay gắt, khẳng định đòi hỏi trên là “không thể chấp nhận”.
Hôm 19/7, Kyodo News dẫn nguồn tin ngoại quen thuộc về quan hệ Trung - Nhật cho biết, Tokyo đã phản pháo gay gắt khi Bắc Kinh phàn nàn vào đầu tháng này rằng các tàu đánh cá của Nhật Bản được cho là "xâm phạm" trong vùng lãnh hải của Trung Quốc, gần một nhóm các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Theo dó, thông qua kênh ngoại giao, Nhật Bản bác các yêu cầu của Trung, cho rằng các yêu cầu này từ phía Bắc Kinh là "không thể chấp nhận" bởi vì quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý.
Trung Quốc cũng yêu cầu Nhật Bản hủy bỏ nghị quyết được thông qua bởi Hội đồng thành phố Ishigaki (Nhật Bản) hôm 22/6 về việc đổi tên hành chính nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Trung Quốc. Theo đó, từ 1/10, khu vực hành chính bao gồm nhóm đảo tranh chấp được đổi tên từ "Tonoshiro" thành "Tonoshiro Senkaku".
Đáp trả các yêu cầu của Bắc Kinh, Tokyo khẳng định quyết định của hội đồng thành phố Ishigaki là không thể thay đổi, bởi vì các khu vực này thuộc thẩm quyền quản lý hành chính của chính quyền Nhật Bản.
Trung Quốc đã phản ứng với động thái của hội đồng thành phố Ishigaki bằng quyết định đặt tên mới cho 50 thực thể dưới nước ở Biển Hoa Đông, bao gồm các hẻm núi ngầm được công bố trong thông báo phát đi hôm 23/6 của Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc.
Nhiều thực thể trong danh sách này gần với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản đang có tranh chấp. Đặc biệt, 3 trong số đó có có chứa chữ "Điếu Ngư" trong tên.
Gần đây, các hoạt động của các tàu Trung Quốc tại vùng biển xung quanh các đảo đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang gia tăng, khiến Tokyo tăng cường cảnh giác đối với những động thái được xem là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông.
Theo Kyodo News, các tàu Trung Quốc đang theo dõi các chuyển động của tàu đánh cá Nhật Bản trong khu vực. Hôm 4/6, 2 tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản trong khoảng thời gian kỷ lục là 39 giờ 23 phút, khoảng thời gian dài nhất kể từ khi các đảo nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản vào tháng 9/2012.
6 ngày sau, Tokyo phản đối Bắc Kinh về hoạt động nghiên cứu biển của một tàu Trung Quốc ở nơi Nhật Bản coi là vùng đặc quyền kinh tế gần đảo Okinotori, điểm cực Nam của nước này.
Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 16/7 cho rằng "yêu sách đơn phương của Nhật Bản đối với một đặc khu kinh tế xung quanh Okinotori không có cơ sở pháp lý" vì nó không tạo thành một hòn đảo, mà chỉ là những hòn đá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận