Trung Quốc nỗ lực kiểm soát nợ
Kết quả cuộc khảo sát về quý đầu năm của China Beige Book được phát hành hôm thứ Năm tuần trước (26/3) cho thấy, hoạt động vay nợ của các doanh nghiệp nhà nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 10 năm kể từ khi China Beige Book tiến hành khảo
Báo cáo được thực hiện hàng quý với các doanh nghiệp ở Trung Quốc cũng cho biết, tổng các khoản vay nợ đã giảm xuống mức thấp nhất 3 năm; trong khi vay nợ của các công ty lớn cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm.
Theo Shehzad Qazi - Giám đốc điều hành China Beige Book, do có quan hệ với nhà nước nên diễn biến vay nợ của các công ty liên kết với chính phủ là “tín hiệu tốt nhất” về ý định chính sách của chính quyền. Mặc dù lưu ý phải cần thêm dữ liệu để cho biết liệu Trung Quốc đã hoàn toàn chuyển sang chế độ “giảm tỷ lệ đòn bẩy nợ” hay chưa; song theo Qazi, có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách đang cố gắng kiểm soát nợ.
Các nhà kinh tế cũng lưu ý rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 6% trong năm nay của Trung Quốc là tương đối thấp và điều đó mang lại cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách trong việc giải quyết khối nợ khổng lồ của đất nước này mà không cần phải lo lắng quá nhiều về tăng trưởng.
Theo một báo cáo mới đây của Allianz, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng lên 285% vào cuối quý 3 năm 2020, từ mức trung bình là 251% trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019.
Mặc dù tỷ lệ nợ trên GDP không giảm, song theo nhà kinh tế cấp cao Francoise Huang cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm thứ Ba, nó đã ổn định. “Ổn định đã là một dấu hiệu tốt và có lẽ là một trong những mục tiêu của chiến dịch giảm tỷ lệ đòn bẩy nợ của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc”. Bà chỉ ra rằng, một thước đo nợ trên toàn quốc được gọi là tài trợ tổng hợp đã làm chậm tốc độ tăng trưởng của nó kể từ tháng 10.
Theo dữ liệu từ Wind Information, trên cơ sở hàng năm, tổng tài trợ cho nền kinh tế thực đã tăng 44,39% trong tháng 10/2020, nhưng đã giảm kể từ đó và chỉ tăng 16,19% trong tháng 2 vừa qua.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc trong vài tuần qua đã cảnh báo về rủi ro tài chính, đặc biệt là đối với chứng khoán và thị trường bất động sản. Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi đầu tháng này cho biết trong một báo cáo thường niên về nền kinh tế rằng, Trung Quốc đã hoàn toàn phục hồi sau đại dịch coronavirus và không có kế hoạch phát hành trái phiếu liên quan.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại cũng đang xuất hiện một mối lo ngại là các ngân hàng có thể không còn háo hức cho vay đối với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ như trong thời kỳ đại dịch, khi mà vào thời điểm đó Trung Quốc đặc biệt khuyến khích hoạt động cho vay như vậy.
Hiện các ngân hàng lớn của Trung Quốc đều thuộc sở hữu nhà nước và họ thích cho vay đối với các doanh nghiệp nhà nước hơn là các công ty tư nhân do rủi ro hơn. Trong khi khu vực tư nhân đóng góp phần lớn trong việc tạo việc làm và tăng trưởng ở Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách muốn khu vực tư nhân và đặc biệt là (các doanh nghiệp vừa và nhỏ) không phải lo ngại về việc xóa bỏ đòn bẩy tài chính này”, Huang nói và nhấn thêm: “Nhưng tôi nghĩ cuối cùng thì đó có thể là điều gì đó liên quan đến tất cả các loại hình công ty”.
Moody’s kỳ vọng tăng trưởng cho vay “sẽ vừa phải hơn trong năm nay”, đặc biệt vì có những hạn chế mới đối với việc cho vay trong các ngành liên quan đến bất động sản, Nicholas Zhu - Phó chủ tịch kiêm chuyên viên tín dụng cấp cao của Moody’s Investor Service cho biết.
Ông nói thêm rằng, việc Trung Quốc đang nỗ lực giảm phát thải carbon sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn từ các công ty để tài trợ cho các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, ông cho biết các ngân hàng sẽ thận trọng hơn trong việc gia hạn các khoản vay do trong quá khứ có không ít công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã phá sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận