menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bảo An

Trung Quốc nhượng bộ trong thỏa thuận với Mỹ

Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ được Nhà Trắng thông báo, Trung Quốc đưa ra nhiều nhượng bộ lớn bao gồm cam kết tăng mua thêm 200 tỉ đô la hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm tới.

Khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận giai đoạn một vào cuối tuần trước, các chương trình thời sự vào giờ vàng trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng như tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thống của nước này, không hề có một lời bàn nào dù truyền thông khắp thế giới đưa tin rầm rộ. Các tờ báo nhà nước khác cũng chỉ đưa tin chung chung.

Kể từ sau đó, không có một bài bình luận chính thức nào của truyền thông nhà nước dù Trung Quốc phải trải qua nhiều tháng đàm phán cam go với đạt được.

Tuy nhiên, trong các cuộc gặp gỡ hàng ngày, người dân Trung Quốc quan tâm nhiều đến thỏa thuận trên.

“Liệu có phải Chủ tịch Tập Cận Bình đã chấp nhận “đầu hàng” Tổng thống Donald Trump?”; “Mỹ có thể đơn phương giám sát và thẩm định tiến triển của thỏa thuận. Hơn nữa, Trung Quốc dường như phải đưa ra cam kết tăng nhập khẩu 200 tỉ đô la hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm tới”; “Sau khi mất hơn sáu tháng đàm phán, đây là kết quả chúng ta nhận được sao?”.

Đó là những suy nghĩ và những câu hỏi đang được người dân quan tâm.

Trước đó, Trung Quốc tự tin sẽ chiếm ưu thế nếu chấp nhận đối đầu với Mỹ trong một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài. Vì lý do đó, sẽ rất rủi ro nếu giới lãnh đạo Trung Quốc nhanh chóng xác nhận nội dung thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Mỹ đã công bố. Dư luận Trung Quốc chắc chắn sẽ không hài lòng một thỏa thuận với nhiều nhượng bộ lớn từ phía Trung Quốc.

Vào tối 13-12, cuộc họp báo thông báo thỏa thuận thương mại với Mỹ diễn ra ở Bắc Kinh chỉ có sự hiện diện của thứ trưởng của các bộ ngành liên quan. Phó Thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại, và các bộ trưởng khác vắng mặt. Lẽ ra nếu xem thỏa thuận với Mỹ là một chiến thắng, các nhà chính trị ở Bắc Kinh phải tận dụng cơ hội này để đánh bóng thành tích của họ.

Vào cuối tháng 4, Mỹ và Trung Quốc đã soạn xong một dự thảo thỏa thuận dài 150 trang nhưng đến đầu tháng 5 nước này đột ngột gạch bỏ 30% nội dung, theo cáo buộc của các quan chức Mỹ. Bắc Kinh thay đổi lập trường vào phút chót vì xem đây là một thỏa thuận bất công. Hậu quả của động thái này là Tổng thống Donald Trump triển khai thêm các vòng áp thuế mới với hàng hóa Trung Quốc.

Theo thông báo của Washington vào tuần trước, thỏa thuận giai đoạn một sẽ giải quyết bảy vấn đề cơ bản, chủ yếu là các cam kết từ phía Trung Quốc, bao gồm: tăng cường bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài, chấm dứt chính sách cưỡng ép chuyển giao công nghệ, tăng mua hàng hóa và nông sản Mỹ, mở cửa thị trường tài chính trong nước, giải quyết các thực hành tiền tệ bất công, mở rộng thương mại và thành lập một cơ chế giải quyết tranh chấp trong quá trình thực hiện thỏa thuận.

Chấp nhận nhận nhượng bộ vì tính toán sai lầm

Theo thông báo của Washington, thỏa thuận giai đoạn một Mỹ-Trung sẽ mang tính ràng buộc pháp lý, có nghĩa là Quốc hội Trung Quốc phải thông qua nó. Thỏa thuận còn có điều khoản cho phép Mỹ giám sát và thẩm định các tiến triển của Trung Quốc trong việc đáp ứng các cam kết. Vì vậy rốt cục đây cũng là một dạng “thỏa thuận bất công” mà Bắc Kinh muốn tránh hồi tháng 4.

Thỏa thuận mới còn đặt ra các con số cam kết cụ thể của Bắc Kinh: tăng mua 200 tỉ giá trị hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm tới, trong đó gồm 32 tỉ đô la hàng hóa nông sản.

Dù phía các quan chức Trung Quốc nói rằng việc tăng mua hàng hóa sẽ phụ thuộc vào các điều kiện thị trường nhưng thực tế, họ dường như đã chấp nhận các con số như thông báo khi không lên tiếng phản bác.

Đối với ông Tập, người ở thế bất lợi trong chiến tranh thương mại do nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, điều tốt nhất mà ông có thể làm lúc này là bảo vệ các cấu trúc cơ bản của nền kinh tế. Trong khi đó, Tổng thống Trump liên tục gây sức ép buộc nước này xóa bỏ chính sách trợ cấp công nghiệp bất công, đồng thời kêu gọi cải cách mạnh mẽ các công ty nhà nước.

Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đã đẩy các vấn đề này sang giai đoạn hai của cuộc đàm phán với Mỹ. Trung Quốc có lẽ đã có một thỏa thuận tốt hơn với Mỹ nếu nước này chấp nhận nhượng bộ hồi tháng 4. Ít nhất, nếu nhất trí thỏa thuận vào thời điểm đó, Trung Quốc có thể tránh được các vòng áp thuế mới của Mỹ và có thể giúp tăng trưởng kinh tế không rơi về mức 6% trong quí 3-2019.

Tuy nhiên thay vì nhượng bộ, Trung Quốc đã thay đổi chiến lược và bắt đầu theo đuổi chính sách “chiến tranh trường kỳ” và “tự lực”.

Các quan chức Trung Quốc đã tính toán sai lầm khi cho rằng chu kỳ bầu cử tổng thống Mỹ đang tạo lợi thế cho họ. Họ có thể đã nghĩ rằng họ sẽ dễ dàng ứng phó với ông Trump bằng cách sử dụng nông sản Mỹ như một quân bài mặc cả.

Bắc Kinh hiểu rõ khả năng tái đắc cử của ông Trump phụ thuộc vào cử tri ở các bang có nền kinh tế nông nghiệp.

Nhưng trái với kỳ vọng của họ, khi chiến tranh thương mại kéo dài, lợi thế của ông Trump tăng lên. Kể từ tháng 4 năm nay, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn mức mà nước này có thể chấp nhận. Trung Quốc đã sai lầm lớn khi nhận định rằng có thể thuyết phục ông Trump nhượng bộ nếu đưa ra các cam kết tăng mua nông sản Mỹ.

Rốt cục, Bắc Kinh không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận các yêu cầu của ông Trump. Nhượng bộ duy nhất mà Trung Quốc khai thác được là Washington đồng ý giảm một nửa mức thuế 15% với 120 tỉ đô la hàng hóa trong vòng áp thuế hồi đầu tháng 9, đồng thời gác lại vòng áp thuế mới nhằm vào 156 tỉ đô la hàng hóa bao gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng quan trọng. Mức thuế 25% đối với 200 tỉ đô la hàng hóa khác vẫn được giữ ngyên.

Thực tế, quyết định hoãn vòng áp thuế mới cũng có lợi cho Mỹ vì điều này giúp tránh được gánh nặng cho các công ty và người tiêu dùng Mỹ.

Theo Nikkei Asian Review

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả