Trung Quốc: Người hưởng lương hưu bằng 2/3 dân số Mỹ, Qũy sắp vỡ?
Mới đây, Bắc Kinh đã quyết định chuyển 76 tỷ USD cổ phần từ các công ty nhà nước sang quỹ lương hưu này để đảm bảo tính ổn định bền vững của hệ thống an sinh xã hội.
Trung Quốc đang đẩy nhanh việc chuyển nhượng cổ phần tại một số các công ty nhà nước sang quỹ hưu trí của chính phủ nhằm dập tắt sự hoang mang đang lan rộng của giới trẻ Trung Quốc về thông tin cho rằng quỹ lương hưu của quốc gia này sẽ bị vỡ vào năm 2035.
Bắc Kinh hy vọng việc chuyển cổ phiếu sang quỹ lương hưu này có thể tăng cường nguồn tiền dự trữ đủ mạnh và giữ sự bền vững cho quỹ lương hưu – vốn được xem là xương sống trong nền an sinh xã hội của Trung Quốc trong bối cảnh ngày càng có nhiều người trẻ Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ về “tuổi thọ” của Quỹ lương hưu.
"Chúng tôi đang xem xét chuyển nhượng cổ phần tại 35 công ty nhà nước sang Quỹ An sinh xã hội", ông Peng Huagang, tổng thư ký Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước cho biết.
Các cổ phiếu trong chương trình trên có giá trị tổng cộng 521,7 tỷ nhân dân tệ (75,9 tỷ USD). 82,1 tỷ nhân dân tệ khác từ cổ phiếu của 18 công ty đang được chính phủ xem xét để chuyển nhượng vào giai đoạn sau.
Động thái này sẽ giúp đảm bảo tính bền vững Quỹ lương hưu của Trung Quốc. Theo một báo cáo hồi tháng 4 vừa qua của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, hiện Quỹ lương hưu của quốc gia này đang chi trả lương hưu cho 340 triệu người và dự kiến Quỹ sẽ rơi vào tình trạng báo động vào năm 2028 với mức thâm hụt ban đầu là 118,1 tỷ nhân dân tệ.
Và theo dự tính, nếu không có biện pháp đủ mạnh thì Quỹ sẽ có nguy cơ bị vỡ vào năm 2035. Điều này có nghĩa là chính phủ sẽ phải bù đắp thâm hụt, dự kiến sẽ tăng lên 11,28 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2050, hoàn toàn bằng ngân sách cho mỗi năm sau đó.
Số công dân Trung Quốc trên 60 tuổi, tuổi nghỉ hưu theo quy định mà nam giới được chi trả tiền lương hưu, đã đạt mức 249 triệu người vào cuối năm 2018, chiếm khoảng 18% tổng số dân, cũng gần bằng 3/4 dân số nước Mỹ.
Dân số Trung Quốc ngày càng trở nên già hóa, trong khi nỗ lực của chính phủ trong việc đẩy mạnh tỷ lệ sinh trong những năm gần đây không có mấy hiệu quả. Chỉ có 15,23 triệu trẻ em chào đời ở Trung Quốc trong năm 2018, mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc nới lỏng chính sách sinh một con vào năm 2014 cho phép các cặp vợ chồng sinh thêm con thứ hai.
Quy định an sinh xã hội Trung Quốc yêu cầu người sử dụng lao động đóng đến 20% số lương của nhân viên, và mỗi người lao động phải đóng 8% lương vào quỹ lương hưu. Nhưng trong khi tỷ lệ đóng góp cố định, nhiều doanh nghiệp lại “lách luật” bằng cách chỉ đăng ký số tiền trả lương thấp để phải đóng khoản tiền này thấp hơn.
Theo mô hình của Trung Quốc, mỗi tỉnh sẽ chịu trách nhiệm quản lý một phần quỹ hưu trí của riêng mình. Cũng theo Báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thì Quỹ hưu trí tại các tỉnh Hắc Long Giang, Thanh Hải, Liêu Ninh và Cát Lâm sẽ cạn kiệt trong năm nay. Bên cạnh đó, quỹ tại những trung tâm tài chính như Hàng Châu hay Thượng Hải cũng sẽ hết vào năm 2028.
Thông thường, vài năm một lần, các nền kinh tế phát triển sẽ xem xét tình trạng tình trạng quỹ lương hưu cũng như nguồn tiền cho an sinh xã hội của mình để đảm bảo rằng mọi thứ đều trong tầm kiểm soát của chính phủ - nhưng Trung Quốc thì không.
Tại quốc gia này, chưa từng có một nghiên cứu chính thức nào của chính phủ về quỹ an sinh xã hội. Thậm chí ngay cả trong khu vực tư nhân, nghiên cứu lớn duy nhất được thực hiện vào năm 2012 bởi Ma Jun, cựu giám đốc kinh tế của Deutsche Bank, người hiện đang trong hội đồng chính sách của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và các cộng sự của ông.
Trong bối cảnh đó, báo cáo tháng 4 của CASS liên kết với chính phủ đã tạo ra một “quả bom gây chấn động” trong thế hệ trẻ. Tại khắp các diễn đàn trực tuyến, người ta xôn xao bàn tán và tràn ngập các bài đăng liên quan đến thông tin về việc những người sinh ra trong thập niên 80 sẽ không còn nhận được lương hưu.
Trước thực tế trước đó, chính phủ Trung Quốc đã nhận ra được sự cấp bách của vấn đề. Vào tháng 11/2017, Hội đồng Nhà nước Trung Quốcc đã nhóm họp và quyết định rằng chính phủ sẽ chuyển 10% cổ phiếu của công ty nhà nước sang quỹ an sinh xã hội. 10% cổ phần do Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước nắm giữ trị giá 6,6 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc yêu cầu các công ty đóng góp nhiều hơn vào hệ thống hưu trí, cần bổ sung thêm một số biện pháp khác. Chẳng hạn như Trung Quốc hiện đang dự trữ 3,1 nghìn tỷ USD ngoại hối và số tiền này có thể được trích một phần để trả cho người về hưu.
Trước thực trạng này, nhiều người dân Trung Quốc cũng đang dần dần tìm giải pháp cho bản thân khi vấn đề quỹ hưu trí bị cạn kiệt.Yang Bing, một kỹ sư 41 tuổi ở Bắc Kinh, nói quỹ hưu trí sắp cạn kiệt trong thập niên tới nghĩa là anh phải“làm việc vất vả hơn và tiết kiệm nhiều hơn”. “Tốt hơn là nên tự chuẩn bị cho mình trong tương lai, thay vì chờ đợi vào chính phủ”,Yang cảm thán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận